Đau xương mu khi mang thai 3 tháng đầu: Nguyên nhân, cách khắc phục

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Niềm hạnh phúc khi mang trong mình một sinh linh nhỏ bé là vô hạn, nhưng những khó chịu trong thời gian mang thai cũng dường như không thể kể hết. Đau xương mu khi mang thai 3 tháng đầu cũng là tình trạng khiến mẹ bầu gặp phải rất nhiều khó khăn. Vậy mẹ đã nắm rõ nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng đau xương mu vào 3 tháng đầu của thai kỳ chưa?

1. Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị đau xương mu khi mang thai 3 tháng đầu

1.1. Do thay đổi nội tiết tố

Hai nửa xương chậu được nối liền bằng một khớp xương đặc biệt là dây chằng xương mu. Trong thời gian mang thai, các loại hormone nội tiết tố nữ như progesterone, relaxin làm các khớp háng mềm, giãn ra, trở nên lỏng lẻo mà dân gian còn gọi là xương chậu mở. Nhờ vậy mà trong quá trình sinh nở, em bé trong bụng mẹ sẽ chào đời dễ dàng hơn. Chính điều này là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới đau xương mu khi mang thai.

1.2. Do thiếu hụt vitamin D và canxi

Những cơn đau dồn dập ở vùng xương mu xuất hiện cũng có thể là do mẹ bầu bị thiếu vitamin D và canxi. Khi cơ thể của mẹ bầu gặp phải tình trạng này, các khớp xương sẽ trở nên yếu hơn nên dễ bị nhức mỏi hơn.

1.3. Mẹ bầu đi đứng sai tư thế

Nếu mẹ bầu đi đứng sai tư thế sẽ làm một bên xương chậu giãn nở hơn so với bên còn lại hoặc làm một bên xương chậu ít giãn nở hơn so với bên còn lại, dẫn tới hiện tượng viêm và đau xương mu.

1.4. Do táo bón

Táo bón cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng đau xương mu khi mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau xương mu khi mang thai 3 tháng đầu

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau xương mu khi mang thai 3 tháng đầu

2. Những dấu hiệu “đi kèm” khi mẹ bầu bị đau xương mu trong 3 tháng đầu của thai kỳ

– Đau lưng, đau hông hoặc đau ở phía sau xương chậu

– Cảm giác đau xương mu cùng với đau vùng kín sẽ khiến mẹ bầu cảm thấy vô cùng khó chịu

– Đau ở bên trong đùi hoặc giữa hai chân

– Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn khi đi bộ, đi lên hoặc đi xuống cầu thang

– Vào ban đêm, những cơn đau xương mu có thể nặng hơn và khiến mẹ bầu không thể ngủ ngon. Thêm vào đó, mỗi một lần thức dậy để đi vệ sinh vào ban đêm sẽ khiến mẹ bầu cảm thấy vô cùng đau đớn

– Có thể nghe thấy hoặc cảm nhận được tiếng lách cách ở vùng xương mu khi di chuyển.

Đau lưng và đau hông là dấu hiệu đau xương mu khi mang thai

Đau lưng và đau hông là dấu hiệu “đi kèm” đau xương mu khi mang thai

3. Đau xương mu trong 3 tháng đầu mang thai ảnh hưởng tới mẹ bầu và thai nhi như thế nào?

Trên thực tế, tình trạng đau xương mu không gây hại nguy hiểm tới tính mang mạng của mẹ bầu và thai nhi. Hầu hết, những mẹ bầu gặp phải tình trạng này vẫn có thể sinh thường. Tuy nhiên, những cơn đau xương mu kéo dài quá lâu có thể khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu, buồn bã trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Thậm chí, tình trạng này còn có thể khiến chị em mắc phải chứng trầm cảm. Theo các chuyên gia, những cảm xúc tiêu cực này có thể ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của em bé trong bụng mẹ.

4. Những điều mẹ bầu nên làm để cải thiện tình trạng đau xương mu

Theo các bác sĩ Sản khoa, khi bị đau xương mu trong 3 tháng đầu của thai kỳ, mẹ bầu nên cố gắng tránh những hoạt động sau:

– Dồn toàn bộ trọng lượng cơ thể lên một chân hay nói cách khác là đứng một chân

– Quay người trong lúc đang cầm đồ hoặc nâng đồ

– Bế một đứa trẻ ở trên hông

– Ngồi bắt chéo chân hoặc ngồi bệt trên sàn nhà

– Ngồi hoặc đứng trong một khoảng thời gian dài

– Đẩy các món đồ nặng, chẳng hạn như xe đẩy

– Cầm những vật nặng chỉ bằng một tay

Những điều mẹ nên làm để khắc phục tình trạng đau xương mu là:

– Thực hiện các bài tập tốt cho vùng xương chậu

– Thư giãn trong bồn tắm với nước ấm hoặc đứng dưới vòi hoa sen

– Khi thai lớn hơn thì mẹ có thể dùng dụng cụ đeo bụng hỗ trợ khi mang thai. Đây là dụng cụ được thiết kế với mục đích chính là hỗ trợ bụng bầu và trợ lực cho vùng xương chậu, vùng hông và lưng dưới, giúp mẹ giảm đau xương mu

– Hạn chế những cử động đột ngột nhiều nhất có thể

– Đi mát xa thư giãn để quên đi cái giác đau xương mu khó chịu

– Cố gắng nằm hoặc ngồi nhiều nhất có thể. Nâng cao bàn chân khi nằm hoặc ngồi

– Nếu mẹ bầu có tập luyện thể dục thể thao thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và huấn luyện viên để sửa đổi động tác luyện tập khi cần thiết

– Chú ý tới chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi như sữa, đậu, rau xanh, trứng,… trong khẩu phần ăn hàng ngày

– Nên có tư thế đứng, đi, ngồi đúng, luôn giữ lưng thẳng và khi ngồi thì nên để một chiếc gối mềm để tựa lưng

– Lựa chọn những đôi giày hoặc dép có đế thấp và bằng nhằm giúp mẹ bầu cảm thấy thoải mái khi mang

– Tránh đứng trên một chân hoặc duy trì một tư thế quá lâu

– Lúc ngủ các mẹ bầu nên nằm nghiêng sang bên trái và giữ cho chân, phần hông hơi cong. Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên lấy một chiếc gối nhỏ để kê phần hông khi nằm ngủ

– Mẹ bầu tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc giảm đau. Nếu những cơn đau xương mu khiến mẹ không thể chịu nổi thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn cách điều trị phù hợp nhất

– Đi khám thai định kỳ thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát được tình trạng sức khỏe và có phương hướng xử lý kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng bất thường

Khi đau xương mu trong 3 tháng đầu của thai kỳ, chị em nên tới bệnh viện để thăm khám

Khi đau xương mu trong 3 tháng đầu của thai kỳ, chị em nên tới bệnh viện để thăm khám

5. Khi nào mẹ bầu đau xương mu cần phải can thiệp y tế?

Mẹ cần nhanh chóng tới cơ sở y tế uy tín ngay khi có những dấu hiệu sau đây:

– Đau xương mu hoặc vùng chậu tới mức không thể đi bộ hay nói chuyện

– Đi kèm những cơn đau đầu dữ dội

– Đau đầu, chóng mặt

– Sưng mặt, tay chân đột ngột

– Ớn lạnh, sốt, chảy máu âm đạo

Qua bài viết này, chúng tôi hy vọng các mẹ bầu có thêm nhiều thông tin hữu ích về tình trạng đau xương mu trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Ngay khi gặp phải tình trạng này, các mẹ bầu nên nhanh chóng tới bệnh viện để thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital