Đau vùng chậu ở phụ nữ là biểu hiện của bệnh gì?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

Đau vùng chậu ở phụ nữ là một triệu chứng hay gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau, ảnh hưởng tới sức khỏe, khả năng vận động, sinh hoạt của người bệnh. 

Đau vùng chậu cấp do bệnh lý phụ khoa

Đối với bệnh đau vùng chậu cấp tính do bệnh lý phụ khoa thường gặp 3 nhóm nguyên nhân chính, đó là viêm, vỡ và xoắn.
Thai ngoài tử cung: gặp ở mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, với các triệu chứng: trễ kinh hay kinh không đều xuất hiện cơn đau vùng bụng dưới, thường đau 1 bên, phải hay bên trái, kèm ra huyết âm đạo dạng rong kinh, rong huyết.
Viêm vùng chậu cấp tính: là tình trạng nhiễm trùng ngược dòng ở phụ nữ đã quan hệ tình dục với các triệu chứng: đau nhiều vùng bụng dưới dữ dội, sốt cao, kèm dấu hiệu nhiễm trùng.

Đau vùng chậu ở phụ nữ có thể là do mắc các bệnh lý phụ khoa như viêm vùng chậu, thai ngoài tử cung...

Đau vùng chậu ở phụ nữ có thể là do mắc các bệnh lý phụ khoa như viêm vùng chậu, thai ngoài tử cung

– Vỡ nang buồng trứng: Đau có thể dữ dội đến nỗi người bệnh gây ngất. Cơn đau bụng thường 1 hay cả vùng bụng dưới, ấn bụng có phản ứng thành bụng.
– Xoắn phần phụ: thường gặp ở lứa tuổi thành niên và lứa tuổi sinh sản. Do mạch máu nuôi bị xoắn, khối ở phần phụ như: u bì buồng trứng hay u nang buồng trứng. Có thể gây đau dữ dội do giảm máu nuôi đột ngột, cơn đau từng cơn, ban đầu giảm sau đó đau dữ dội hơn, kèm theo buồn nôn và nôn.
– Sảy thai: biểu hiện cơn đau bụng từng cơn vùng giữa hạ vị, kèm ra huyết âm đạo nhiều. Trước đó người bệnh có triệu chứng có thai, trễ kinh, siêu âm có hình ảnh túi thai trong tử cung và triệu chứng nghén.

Đau vùng chậu cấp không do bệnh lý phụ khoa

– Viêm ruột thừa: Nguyên nhân gây đau bụng ngoại khoa thường gặp, xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh biểu hiện cơn đau bụng, ban đầu thường đau ở dưới mũi ức, sau đó lan xuống vùng hố chậu phải, ban đầu đau âm ỉ, về sau cơn đau tăng dần, kèm sốt, không đi tiêu được, chán ăn, buồn nôn.
– Viêm túi thừa: thường xuất hiện ở phụ nữ lớn tuổi. Triệu chứng ban đầu đau hố chậu trái hoặc hố chậu phải. Các triệu chứng khác đi kèm sốt, tiêu chảy phân lẫn máu, ăn uống kém.

Tình trạng đau vùng chậu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống sinh hoạt của chị em

Tình trạng đau vùng chậu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống sinh hoạt của chị em

– Viêm bàng quang: bệnh xuất hiện cơn đau nhiều vùng hạ vị, đi tiểu buốt, tiểu lắt nhắt, nước tiểu đục kèm theo sốt.

Đau vùng chậu mạn tính do phụ khoa

Hầu hết phụ nữ đều thỉnh thoảng đau vùng chậu. Khi triệu chứng này kéo dài từ 3 – 6 tháng thì gọi là đau vùng chậu mạn tính. Chiếm khoảng 10% lý do đến khám phụ khoa và 20 – 30% trường hợp nội soi ổ bụng.
– Đau bụng kinh: Nguyên nhân phổ biến nhất gặp ở lứa tuổi sinh sản. Đau bụng kinh nguyên phát thường không liên quan với bệnh lý vùng chậu. Ngoài ra, trong đau bụng kinh thứ phát hay gặp do lạc nội mạc tử cung.
– Lạc nội mạc tử cung: Có mức độ đau rất  khác nhau, từ đau thông thường, người bệnh có thể chịu đựng được đến đau dữ dội, đau liên tục ảnh hưởng đến cuộc sống.
– Viêm vùng chậu mạn tính: thường là hậu quả của ứ dịch vòi trứng, nang vòi trứng – buồng trứng hay dính vùng chậu.

Đau vùng chậu mạn tính không do phụ khoa

Người bệnh cần tới gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn, tìm ra nguyên nhân gây bệnh

Người bệnh cần tới gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn, tìm ra nguyên nhân gây bệnh

– Bệnh lý dạ dày – ruột: thường gặp viêm ruột không điển hình, mỗi khi ăn những thức ăn lạ, cơ thể chưa kịp thích nghi gây cơn đau bụng, thường cơn đau không điển hình, người bệnh có thể chịu đựng được, kèm theo rối loạn tiêu hóa. Hoặc gặp trường hợp viêm đại tràng co thắt, nguyên nhân  không rõ ràng, gặp ở những người bệnh, lo lắng, làm việc quá sức, mất ngủ, stress…
– Viêm mô kẽ bàng quang: một tình trạng viêm bàng quang mạn tính. Nguyên nhân do nhiễm trùng, nhiễm nấm, quan hệ tình dục không an toàn. Người bệnh đau bụng dưới không điển hình, kèm theo triệu chứng rối loạn đi tiểu, nước tiểu có mùi hôi.
– Bệnh lý cơ xương khớp: gặp trong các trường hợp căng cơ vùng bụng hay vùng lưng, thoát vị đĩa đệm. Ngoài triệu chứng đau bụng dưới, người bệnh kèm theo đau khi thay đổi tư thế, đôi lúc ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, giới hạn các động tác của cơ thể.
Đau vùng chậu ở phụ nữ ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống sinh hoạt và tác động không tốt tới chức năng sinh sản sau này. Chính vì thế khi có dấu hiệu đau vùng chậu, chị em nên đi khám để được chẩn đoán và hỗ trợ điều trị sớm bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital