Đau răng số 6 là tình trạng không ít người gặp phải, gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Nếu không xác định nguyên nhân gây đau và xử trí kịp thời thì tình trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe răng miệng. Tìm hiểu ngay!
Menu xem nhanh:
1. Răng số 6 là răng nào?
Răng số 6 là răng hàm lớn, mọc khi trẻ bước vào giai đoạn từ 6-7 tuổi. Đây là răng đặc biệt, không trải qua quá trình thay răng sữa như các răng khác trên cung hàm mà chỉ mọc vĩnh viễn một lần trong đời.
Mỗi người trưởng thành sẽ có 4 chiếc răng số 6, 2 răng ở hàm trên và 2 răng ở hàm dưới. Răng có thân và chân răng lớn, nhiều chân răng và có diện tích mặt nhai rộng, nhiều dây chằng, mạch máu hơn so với các răng khác.
Răng hàm số 6 đảm nhiệm vai trò chính trong việc ăn nhai, là chiếc răng dồn toàn lực để nhai và nghiền nát thức ăn. Thông qua quá trình ăn nhai, thức ăn được nghiền nhỏ để dạ dày có thể tiêu hóa dễ dàng hơn.
Đồng thời, răng số 6 cũng góp phần quan trọng vào việc tạo nên cấu trúc khuôn mặt, tạo nên sự cân đối khớp cắn. Nếu răng số 6 bị mất do một vài nguyên do nào đó, mọi người có thể sẽ gặp phải tình trạng lệch mặt, gặp khó khăn trong việc ăn uống.
2. Nguyên nhân đau răng số 6
2.1. Sâu răng
Sâu răng xảy ra do vi khuẩn phát triển quá mức làm tổn thương cấu trúc men răng, ngà răng và tủy răng. Đây là nguyên do hàng đầu dẫn tới tình trạng đau răng số 6 và các răng khác trong cung hàm. Sâu răng càng nặng thì tình trạng đau càng nghiêm trọng do tổn thương cấu trúc răng quá lớn. Nếu không được điều trị kịp thời, sâu răng có thể dẫn tới mất răng.
2.2. Viêm nha chu
Viêm lợi, viêm nha chu khiến nướu bị tổn thương nghiêm trọng, không còn đảm nhiệm được vai trò bao bọc và bảo vệ chân răng. Điều này dẫn tới tình trạng tụt lợi khiến hở chân răng, lung lay răng và gây đau đớn. Tình trạng viêm lợi nặng có thể gây tổn thương cấu trúc chân răng, gây viêm tủy ngược dòng…
2.3. Viêm tủy răng
Viêm tủy răng xảy ra khi vi khuẩn tấn công các tổ chức răng bên ngoài làm lộ buồng tủy và dẫn tới viêm nhiễm. Đây là tình trạng đáng báo động bởi viêm tủy ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của răng, gây ra cơn đau dữ dội và có nguy cơ mất răng cao. Không chỉ cảm thấy đau mà người mắc viêm tủy răng còn thường xuyên cảm nhận được sự ê buốt, cơn đau có thể lan sang vùng má và thái dương do ở đây tập trung hệ thống dây thần kinh quán trọng.
2.4. Áp xe chân răng
Áp xe chân răng xảy ra là do biến chứng nhiễm trùng răng miệng. Vi khuẩn gây tổn thương và tạo ra các ổ mủ ở chân răng và nướu răng. Ổ mủ và dịch mủ quá nhiều sẽ tạo áp lực, gây chèn ép các dây thần kinh quanh răng và gây đau dữ dội. Nghiêm trọng hơn, trong ổ mủ chứa nhiều vi khuẩn và có thể xâm lấn tới vùng cổ răng, chân răng, gây sâu răng, viêm tủy ngược dòng.
2.5. Chấn thương răng
Chấn thương gây sứt mẻ răng hoặc nghiến răng, cắn nắp chai… cũng là những nguyên nhân gây đau răng. Gãy răng càng lớn thì nguy cơ lộ tủy răng càng cao và tình trạng đau càng nghiêm trọng hơn.
2.6. Mọc răng khôn
Răng khôn, răng số 8 khi mọc nghiêng, mọc lệch hoặc mọc ngầm có thể gây xô lệch các răng số 6, số 7. Tình trạng xô lệch khiến răng bị chèn ép, gây đau nhẹ hoặc nặng tùy thuộc vào mức độ lệch của răng khôn. Đồng thời, răng số 8 mọc có thể khiến việc vệ sinh răng miệng trở nên khó khăn, dễ mắc các bệnh lý nha khoa và dẫn tới đau răng số 6.
3. Điều trị răng số 6 bị đau
Bác sĩ nha khoa sẽ xác định nguyên nhân gây bệnh để đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng đau răng số 6. Cụ thể:
– Sâu răng: Làm sạch lỗ sâu nông ở bề mặt răng và hàn trám để bảo vệ ngà răng, men răng. Nếu sâu răng quá lớn dẫn tới tổn thương tủy, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị tủy và hàn trám. Trường hợp sâu răng nghiêm trọng khiến chân răng suy yếu, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ và trồng răng giả.
– Viêm nha chu: Điều trị viêm nhiễm bằng các phương pháp nội khoa hoặc tiến hành cấy ghép vạt lợi để bảo vệ chân răng.
– Áp xe chân răng: Điều trị kháng sinh, kháng viêm, làm sạch ổ mủ và vùng nướu bị thương tổn.
– Nhổ răng khôn: Để ngăn ngừa các biến chứng do răng khôn gây ra đối với răng số 6. Răng khôn cần được nhổ bỏ khi có chỉ định của bác sĩ sau khi khám kỹ càng.
– Loại bỏ các thói quen có hại như nghiến răng, cắn móng tay, cắn nắp chai, sử dụng miếng ngậm bảo vệ răng khi tập thể thao…
4. Phòng ngừa đau răng
Phần lớn các cơn đau xuất phát từ bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm nha chu, viêm tủy răng… Do vậy, mọi người cần cẩn trọng, phát hiện và điều trị dứt điểm bệnh lý ngay từ sớm. Tuân thủ phác đồ điều trị bệnh của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị và rút ngắn thời gian hồi phục sức khỏe răng miệng.
Đồng thời, xây dựng một chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh, bảo vệ răng đúng cách để ngừa các cơn đau:
– Đánh răng 2-3 lần mỗi ngày bằng kem đánh răng có flour để bảo vệ men răng, ngăn ngừa sâu răng.
– Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn vùng kẽ răng, máy tăm nước để làm sạch sâu càng vùng bàn chải không thể vệ sinh được.
– Vệ sinh bề mặt lưỡi có thể loại bỏ đáng kể vi khuẩn có hại gây viêm nhiễm trong khoang miệng.
– Súc miệng kỹ bằng dung dịch chuyên dụng hoặc nước muối sinh lý để làm sạch khoang miệng.
– Ăn uống khoa học, hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều dầu mỡ, tính axit cao…
– Lấy cao răng và khám nha khoa mỗi năm 2-3 lần để kiểm soát và phát hiện sớm các bệnh lý răng miệng.
Đau răng số 6 có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, vì vậy mọi người nên tới nha khoa để được các bác sĩ thăm khám, điều trị đúng cách. Xây dựng một chế độ sống và sinh hoạt lành mạnh có thể góp phần ngăn ngừa nguy cơ đau răng do các bệnh lý răng miệng gây ra.