Đau mắt đỏ lâu ngày không khỏi, phải làm sao?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Thông thường, đau mắt đỏ có thể tự khỏi sau 7 – 10 ngày mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đau mắt đỏ có thể kéo dài đến 2 tuần, 1 tháng hoặc thậm chí là nhiều tháng. Vậy, tại sao tình trạng đau mắt đỏ lâu ngày không khỏi lại xuất hiện? Phải làm sao để thoát khỏi tình trạng đau mắt đỏ lâu ngày không khỏi? Cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu câu trả lời của 2 câu hỏi ấy trong bài viết sau, bạn nhé!

1. Khái niệm đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ là tình trạng kết mạc (lòng trắng) bị viêm. Nguyên nhân gây đau mắt đỏ có thể là do kích ứng hóa chất, dị ứng hoặc hoạt động của virus/vi khuẩn.

Về cơ bản, đau mắt đỏ là bệnh lý nhãn khoa không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không được điều trị triệt để, bệnh cũng có thể gây ra một vài biến chứng như: Viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc sâu, viêm giác mạc sợi, sưng viêm túi lệ,…, làm bệnh nhân bị quặm mi, khô mắt, sẹo giác mạc và suy giảm thị lực.

Virus gây đau mắt đỏ

Gây đau mắt đỏ có thể là do kích ứng hóa chất, dị ứng hoặc hoạt động của virus/vi khuẩn

2. Phân loại đau mắt đỏ

2.1. Đau mắt đỏ do virus

– Đau mắt đỏ u mềm lây lan: Thường gặp ở trẻ em, gây tổn thương ở một hoặc cả hai mắt, do virus gây ra. Ngoài đỏ mắt và có mủ, trẻ nhỏ bị đau mắt đỏ u mềm lây lan còn có các biểu hiện khác là những u nhỏ, tròn, màu trắng trên mí mắt.

– Đau mắt đỏ thể mi do virus Herpes Simplex: Tương tự đau mắt đỏ u mềm lây lan, dạng đau mắt đỏ này trẻ nhỏ cũng là đối tượng mắc nhiều hơn cả. Biểu hiện của bệnh là trẻ bị bọng rộp ở vùng da quanh một mắt, mắt còn lại có thể bị đỏ, đau nhức và nhạy cảm với ánh sáng.

2.2. Đau mắt đỏ do vi khuẩn

– Đau mắt đỏ cấp tính do vi khuẩn: Đau mắt đỏ cấp tính do vi khuẩn hầu hết chỉ tác động tới một mắt với sự sưng của mí và lượng mủ lớn hơn so với các dạng đau mắt đỏ khác. Bệnh nhân đau mắt đỏ cấp tính sẽ cảm thấy đau rát, khó chịu như có dị vật lọt vào mắt. Ngoài ra, họ còn có thể gặp phải tình trạng hai mí mắt dính chặt vào nhau sau mỗi đêm ngủ dậy.

– Đau mắt đỏ mạn tính do vi khuẩn: Nhiễm trùng bờ mí mắt do vi khuẩn có thể dẫn đến đau mắt đỏ mạn tính. Lúc này, bệnh nhân sẽ đau mí mắt kèm chảy mủ ít, mắt có thể bình thường hoặc hơi đỏ.

– Đau mắt đỏ do cầu khuẩn: Dạng đau mắt đỏ này hay phát sinh ở trẻ sơ sinh. Đối với người lớn, bệnh lây qua đường tình dục; một số ít trường hợp lây qua việc người bệnh sử dụng nước tiểu có nhiễm cầu khuẩn để chữa bệnh đau mắt đỏ theo phương pháp dân gian. Người bị đau mắt đỏ do cầu khuẩn sẽ thấy những triệu chứng điển hình là: Mí mắt sưng to, chảy mủ nhiều; thậm chí là loét giác mạc.

Người bị đau mắt đỏ lâu ngày không khỏi do cầu khuẩn sẽ chảy mủ nhiều

Đau mắt đỏ do cầu khuẩn hay phát sinh ở trẻ sơ sinh

– Đau mắt đỏ do vi khuẩn Chlamydia: Thường phát sinh ở trẻ sơ sinh. Trẻ vị thành niên cũng có thể mắc dạng đau mắt đỏ này qua quan hệ tình dục.

2.3. Đau mắt đỏ do dị ứng

Đau mắt đỏ do dị ứng chủ yếu xuất hiện ở những người bị bệnh hen suyễn, bệnh chàm, những người bị dị ứng kéo dài. Bệnh nhân thường cảm thấy ngứa ngáy kéo dài, có mủ đặc quánh, nhạy cảm với ánh sáng kèm thị lực suy giảm, đổi màu mắt.

4. Nguyên nhân đau mắt đỏ lâu ngày không khỏi

Thông thường, không cần can thiệp y tế, đau mắt đỏ cùng sẽ biến mất trong 3 – 5 ngày đối với trường hợp nhẹ và 7 – 10 ngày đối với trường hợp nặng. Tuy nhiên, như đã chia sẻ phía trên, vẫn tồn tại một số ca đau mắt đỏ kéo dài đến 2 tuần, 1 tháng hoặc thậm chí là nhiều tháng. Tại sao lại có tình trạng này?

Theo lý giải của chuyên gia nhãn khoa: Các trường hợp đau mắt đỏ tự khỏi sau 7 – 10 ngày là đau mắt đỏ u mềm lây lan và đau mắt đỏ thể mi do virus Herpes Simplex, tức là đau mắt đỏ do virus. Còn đau mắt đỏ do vi khuẩn và do dị ứng, nếu người bệnh không chủ động điều trị, bệnh sẽ kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng và biến chứng.

5. Điều trị đau mắt đỏ kéo dài

Không nên tùy tiện điều trị đau mắt đỏ lâu ngày không khỏi hay đau mắt đỏ do vi khuẩn và do dị ứng tại nhà bằng các phương pháp dân gian truyền miệng. Thay vào đó, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa Mắt uy tín gần nhất để được thăm khám và kê đơn các loại thuốc uống/bôi/nhỏ phù hợp.

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh của mỗi cá nhân, chuyên gia nhãn khoa sẽ chỉ định thuốc điều trị khác nhau:

– Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Thuốc kháng sinh đường uống hoặc đường bôi Histamin.

– Đau mắt đỏ do dị ứng: Thuốc kiểm soát phản ứng dị ứng đường uống hoặc đường nhỏ kèm nước mắt nhân tạo để làm giảm triệu chứng bệnh.

5. Phòng ngừa đau mắt đỏ

Chủ động phòng ngừa đau mắt đỏ nói chung và đau mắt đỏ kéo dài nói riêng là rất quan trọng. Việc này giúp chúng ta hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh, cũng như hạn chế tối đa nguy cơ suy giảm chất lượng cuộc sống vì những biểu hiện khó chịu mà bệnh gây ra. Sau đây là một số lưu ý về phòng ngừa đau mắt đỏ:

– Không dùng tay dụi mắt,

– Rửa tay thường xuyên bằng các sản phẩm khử khuẩn,

– Không dùng chung đồ đạc sinh hoạt với người khác. Đặc biệt là với những người mắc bệnh lý nhãn khoa,

– Đảm bảo khăn mặt và khăm tắm luôn sạch sẽ,

– Giặt vỏ gối, chăn, ga, màn liên tục

Giặt vỏ gối, chăn, ga, màn liên tục

Để phòng tránh đau mắt đỏ kéo dài hãy giặt vỏ gối, chăn, ga, màn liên tục

– Thận trọng trong sử dụng mascara, kem dưỡng ẩm mí mắt,…

Như vậy, đau mắt đỏ kéo dài là do vi khuẩn hoặc do dị ứng. Bệnh có thể khỏi hoàn toàn mà không để lại bất kỳ một di chứng nào, nếu bệnh nhân được điều trị với chuyên gia nhãn khoa. Chính vì vậy, khi nhận thấy bản thân có biểu hiện bệnh, đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa Mắt uy tín gần nhất, bạn nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital