Dấu hiệu bệnh xơ gan và cách phòng tránh hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Xuân Thành

Bác sĩ Nội Khoa

Xơ gan là bệnh lý nguy hiểm vì có thể tiến triển thành ung thư gan. Trong giai đoạn đầu, xơ gan có thể hồi phục nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực. Khi bệnh chuyển nặng, xơ gan khó hồi phục và có thể phải ghép gan. Cùng đọc bài viết sau để tìm hiểu dấu hiệu bệnh xơ gan để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

1. Nhận biết dấu hiệu bệnh xơ gan qua từng giai đoạn

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam hiện có khoảng 13.000 người bị xơ gan giai đoạn muộn, gần 6000 người bị ung thư gan và hơn 6400 người tử vong do các bệnh về gan gây nên. Vậy dấu hiệu bệnh xơ gan qua từng giai đoạn biểu hiện như thế nào?

1.1. Dấu hiệu bệnh xơ gan ở giai đoạn 1

Ở giai đoạn này, chưa xuất hiện dấu hiệu gan bị tổn thương. Tuy nhiên gan đã bị viêm. Bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải và thiếu năng lượng nhưng những dấu hiệu này thường bị bỏ qua vì nghĩ là mệt mỏi thông thường.

Do sự xơ hóa chưa nhiều, gan bị tổn thương ở mức độ nhẹ nên chưa có các triệu chứng cụ thể. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu tiên và được điều trị phù hợp, gan có thể hồi phục và hoạt động như bình thường.

1.2. Dấu hiệu bệnh xơ gan ở giai đoạn 2

Bước sang giai đoạn 2 áp lực tĩnh mạch cửa tăng dần. Các mô xơ hóa đồng thời xuất hiện nhiều hơn. Do đó mà người bệnh sẽ thấy mệt mỏi nhiều hơn song vẫn chưa đáng kể. Ở giai đoạn này cần loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh mới có thể tăng khả năng điều trị.

1.3 Giai đoạn 3 của xơ hóa gan

Giai đoạn này bệnh nhân có thể xuất hiện hiện tượng cổ trướng. Lượng dịch tại ổ bụng tăng nhanh cảnh báo tình trạng gan bị xơ đã nghiêm trọng.

Ở giai đoạn này, bệnh nhân sẽ gặp một số triệu chứng đáng chú ý như:

– Ăn không ngon, chán ăn

– Sụt cân nhanh không rõ nguyên do dù vẫn ăn đủ bữa, đủ chất

– Mệt mỏi, yếu sức

– Da vàng, nhợt nhạt và xanh xao

– Liên tục thấy tim đập nhanh, thở gấp

– Nổi các nốt mề đay trên da, thường xuyên bị ngứa

– Đường huyết không ổn định, tăng giảm đột ngột và thất thường

– Phù ở chân hoặc mắt cá

– Nước tiểu sẫm màu

– Khó tập trung vào công việc, thường xuyên lơ đãng

Ở giai đoạn này, chức năng gan bị suy giảm nghiêm trọng và khả năng hồi phục hoàn toàn là rất thấp.

1.4 Giai đoạn 4

Bước sang giai đoạn này, quá trình xơ hóa đã diễn ra hoàn toàn trên gan. Ở giai đoạn này bệnh nhân cũng sẽ gặp các triệu chứng như giai đoạn 3 và có thêm một số triệu chứng nghiêm trọng hơn như:

– Buồn ngủ, ngủ nhiều

– Tính cách thay đổi: dễ cáu gắt và bực tức hơn trước

– Mệt mỏi ở cấp độ nặng hơn, đến mức không thể làm gì

– Sốt cao

– Suy thận

– Viêm màng bụng

Ở giai đoạn này, bệnh có thể gây ra một loạt biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, bệnh não gan hay tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

Dấu hiệu bệnh xơ gan thay đổi qua từng giai đoạn trong đó có nhiều dấu hiệu dễ nhầm lẫn

Triệu chứng của bệnh sẽ thay đổi qua từng giai đoạn trong đó có nhiều dấu hiệu dễ nhầm lẫn

2. Các cách để phát hiện sớm bệnh xơ gan và phương pháp điều trị

2.1 Phát hiện bệnh qua nguyên nhân

Bệnh viêm gan tiến triển thành xơ gan cần phải trải qua một thời gian nhất định. Những nguyên nhân sau đấy có thể gây xơ gan:

– Uống liên tục rượu bia trong thời gian dài hoặc uống lượng nhiều trong thời gian ngắn.

– Béo phì cũng nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh về gan trong đó có xơ gan.

– Bị viêm gan mạn tính như viêm gan B, viêm gan C.

Rượu bia là kẻ thù số 1 của gan, đây là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan

Rượu bia là kẻ thù số 1 của gan, đây là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan

2.2. Thực hiện các xét nghiệm

Khi đi khám, bệnh nhân sẽ được hỏi về sức khỏe cá nhân, thói quen sử dụng rượu bia và tiền sử gia đình có ai bị bệnh gan không. Sau đó sẽ thực hiện một số xét nghiệm bao gồm:

– Kiểm tra máu: xét nghiệm máu sẽ cho biết gan đang gặp vấn đề gì.

– Xét nghiệm bằng hình ảnh như siêu âm, chụp CT, chụp cộng hưởng từ sẽ chỉ ra gan có bị tổn thương hay không.

– Sinh thiết gan: đây là xét nghiệm có độ tin cậy cao, đưa ra kết quả cụ thể và chi tiết hơn.

Cách tốt nhất để bảo vệ gan luôn khỏe mạnh là đi khám sàng lọc định kỳ 1 năm 1 lần hoặc 2 lần. Phát hiện sớm sẽ giảm chi phí và tăng khả năng điều trị rất nhiều.

Hiện nay có nhiều phương pháp và thiết bị hiện đại giúp phát hiện và chẩn đoán chính xác bệnh về gan

Hiện nay có nhiều phương pháp và thiết bị hiện đại giúp phát hiện và chẩn đoán chính xác bệnh về gan

2.3. Xơ gan điều trị bằng phương pháp nào?

Việc điều trị bệnh xơ gan phụ thuộc vào tình trạng tổn thương gan của từng bệnh nhân. Mục tiêu của điều trị là làm chậm quá trình xơ hóa tại gan, giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

– Điều trị xơ gan do rượu bia: bệnh nhân mắc xơ gan do uống nhiều rượu nên lập tức bỏ rượu, bia.

– Giảm cân: nếu nguyên nhân gây xơ gan là do gan nhiễm mỡ, bệnh nhân nên giảm cân về mức cân hợp lý. Bên cạnh đó cũng nên kiểm soát lượng đường huyết để tránh các nguy hại cho sức khỏe.

– Dùng thuốc điều trị bệnh gan: bác sĩ có thể kê một số thuốc làm ngăn ngừa quá trình tổn thương tế bào do viêm gan B, viêm gan C. Bên cạnh đó các loại thuốc làm chậm quá trình diễn biến của bệnh xơ gan cũng được sử dụng nhiều.

3. Các cách ngăn ngừa và nâng cao sức khỏe lá gan

3.1. Một số lưu ý trong ăn uống, sinh hoạt và tiêm vắc xin

Bệnh xơ gan khó có thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng tất cả mọi người có thể chủ động phòng tránh bằng nhiều phương pháp.

– Hạn chế tối đa uống bia, rượu: kiểm soát lượng rượu tiêu thụ, tần suất uống bia rượu để không gây hại cho sức khỏe. Nếu đã bị bệnh gan cần kiêng rượu bia tuyệt đối.

– Xây dựng và theo đuổi chế độ ăn uống lành mạnh bằng cách tăng cường rau, củ, trái cây tươi. Nên ăn nhiều thực phẩm giàu protein và các loại ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế chất béo xấu và giảm lượng muối, đường trong bữa ăn hàng ngày. Lưu ý luôn ăn chín, uống sôi và đặc biệt hạn chế ăn các loại hải sản có vỏ, nội tạng động vật … vì chứa vi khuẩn và ký trùng gây bệnh nguy hiểm.

– Duy trì cân nặng hợp lý bằng cách ăn xanh, uống sạch và luyện tập đều đặn. Nên duy trì việc vận động và rèn luyện đều đặn để tăng cường hệ miễn dịch.

– Kiểm tra sức khỏe định kỳ và đi khám khi cơ thể xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, vàng da, chán ăn …

– Bỏ hút thuốc lá kể cả thuốc lá điện tử và các chất kích thích.

– Nói không với tiêm chích ma túy, sử dụng chung kim tiêm và luôn quan hệ tình dục an toàn.

– Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan, đặc biệt là viêm gan B.

– Luôn sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng, loại thuốc … Việc lạm dụng thuốc hay sử dụng sai loại thuốc, quá liều lượng sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến gan.

3.2. Lời khuyên từ chuyên gia Gan mật cho người bệnh

Những tổn thương do xơ gan gây ra rất nguy hiểm và khó điều trị hoàn toàn. Tuy nhiên nếu được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực thì sẽ có kết quả khả quan. Nếu thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường, người bệnh nên đến khoa Gan mật để được thăm khám sớm nhất, ngăn ngừa biến chứng. Bên cạnh đó, mỗi người nên chủ động thăm khám sức khỏe hàng năm để chủ động ngăn ngừa bệnh xơ gan và các bệnh khác.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital