Tư vấn trực tuyến về bệnh phụ khoa và ung thư ở phụ nữ

Theo dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ có ít nhất gần 200.000 ca ung thư mới, trong đó tỷ lệ mắc mới ở nữ là 83.385 ca, nhiều nhất  là ung thư vú, dạ dày, phổi, đại trực tràng, cổ tử cung,  buồng trứng… Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh ung thư ở phụ nữ là do viêm nhiễm phụ khoa.

anh

PGS.TS.Thầy thuốc nhân dân Đoàn Hữu Nghị và Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Hường.

Cũng theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa ở phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh nở lên tới 90%, bệnh xảy ra cả ở những phụ nữ trẻ, những đối tượng chưa lập gia đình. Đặc biệt phụ nữ có thai nếu bị viêm nhiễm phụ khoa sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Đó là những con số đáng báo động về thực trạng này!
Để có thêm kiến thức về bệnh phụ khoa và các bệnh ung thư ở nữ giới, chị em hãy cùng theo dõi buổi trò chuyện trực tuyến cùng hai chuyên gia:  PGS.TS.Thầy thuốc nhân dân Đoàn Hữu Nghị – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc; Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Hường, với 31 năm kinh nghiệm sản phụ khoa, hỗ trợ điều trị vô sinh hiếm muộn tại Bệnh viện Sản Trung Ương.

NỘI DUNG CÂU HỎI GIAO LƯU:

Câu hỏi của khán giả Mỹ Chi, Đồng Tháp

Thưa PGS. TTND Đoàn Hữu Nghị, mẹ cháu bị ung thư vú cách đây 2 năm. Cháu được biết là kế thừa gen đột biến từ cha mẹ, có khả năng dẫn tới ung thư. Vậy cháu phải làm gì để bảo vệ mình khỏi căn bệnh này? Bác sĩ có thể tư vấn cho cháu về chế độ ăn uống sinh hoạt để phòng bệnh và lời khuyên cho mẹ cháu để ngăn ngừa ung thư tái phát hay không?
PGS. TS. Đoàn Hữu Nghị : 
Ung thư vú tính di truyền, với tỷ lệ 10%, muốn biết phải thử gen của cả mẹ và con. Nếu trong nhiễm sắc thể có gen BCR1, BCR2, kèm theo một số yếu tố nguy cơ khác phải cắt vú. Như diễn viên A.Jolie phải cắt vú và buồng trứng để phòng ngừa ung thư. Nếu bạn không có điều kiện thử gen, bạn có thể phòng tránh được bằng cách tránh béo phì. Những người không lập gia đình, không cho con bú cần thường xuyên đi tầm soát ung thư vú. Nếu bạn thực hiện tốt những điều trên dù bạn có mang gen gây bệnh, nguy cơ ung thư vú của bạn cũng giảm đi rất nhiều.
Câu hỏi của MC:
Ung thư cổ tử cung là ung thư sinh dục phổ biến nhất ở phụ nữ tại các nước kém phát triển. Mỗi năm trung bình có 10-20 người trong 100.000 phụ nữ ở độ tuổi 30 được phát hiện có ung thư cổ tử cung. Xin được hỏi TTND Đoàn Hữu Nghị, ai có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao nhất? Nguyên nhần và các triệu chứng thường gặp của ung thư cổ tử cung là gì ạ?
PGS. TS. Đoàn Hữu Nghị : 
Ung thư cổ tử cung là bệnh thường gặp ở những nước kém phát triển, xuất hiện ở những phụ nữ có sinh hoạt tình dục kém vệ sinh, đẻ nhiều, can thiệp thai nghén không an toàn, nhiễm HPV… nam giới nếu quan hệ tình dục với người bị nhiễm HPV, có nguy cơ bị ung thư dương vật. HPV đã được chứng minh gây ung thư cổ tử cung. Phụ nữ cần giữ vệ sinh tốt, không đẻ nhiều, tiêm vaccin HPV…. để phòng chống bệnh ung thư cổ tử cung.

So với thời gian trước đây, do cuộc sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ nhiễm HPV cao hơn, có 1 thời gian ung thư cổ tử cung đã giảm. Nhưng thời gian gần đây ung thư cổ tử cung lại quay lại do đời sống tình dục cởi mở hơn, ngay cả ở Mỹ vấn đề ung thư cổ tử cung đang quay lại.
BS CK II Trần Thị Hường:
Để so sánh có sự khập khiễng. Với 35 năm kinh nghiệm làm trong nghề, tôi thấy, ngày xưa, việc quan hệ tình dục có vẻ an toàn hơn, hiện nay việc quan hệ trước hôn nhân, nạo phá thai nhiều hơn. Việt Nam cũng là một nước có tỷ lệ nạo phá thai trước hôn nhân rất cao. Những đối tượng bị ung thư cổ tử cung thường là những người có quan hệ tình dục không đúng, có nhiều bạn tình. Hay thói quen vệ sinh của phụ nữ Việt Nam cũng khiến ung thư cao hơn. Tuy nhiên hiện nay với các phương tiện hiện đại, chúng ta có khả năng phát hiện sớm cao hơn, nên tầm soát định kỳ, phát hiện sớm ung thư 6 tháng 1 lần. Nếu phát hiện sớm bệnh có thể được khắc phục.
Câu hỏi của bạn Thanh H., 25 tuổi

Tôi từng đi khám sản phụ khoa và được chẩn đoán bệnh là viêm lộ tuyến cổ tử cung, phương pháp hỗ trợ điều trị là đốt. Tuy nhiên, một chị bạn cùng cơ quan cũng từng bị viêm lộ tuyến cổ tử cung song lại không phải đốt. Mong bác sĩ Trần Thị Hường tư vấn giúp tôi có nên hay không đốt khi bị viêm lộ tuyến cổ tử cung?
BSCKII Trần Thị Hường:
Lộ tuyến cổ tử cung tùy thuộc vào mỗi người, có người lộ tuyến rộng, có người lộ tuyến hẹp, tùy mỗi người mà có chỉ định cụ thể như chị bạn ở cơ quan bạn không có chỉ định đốt có thể do lộ tuyến quá hẹp và nó còn liên quan đến vấn đề còn đẻ nữa hay không, có mấy con rồi, còn bạn có chỉ định đốt có thể vì lộ tuyến của bạn quá rộng, có những tổn thương mà cần phải đốt điện, ví dụ như lộ tuyến độ 2 hoặc độ 3, tức là lộ tuyến quá rộng rồi thì bạn nên đốt theo chỉ định của bác sĩ để được tư vấn điều trị.
Câu hỏi của bạn Thanh Y., 24 tuổi, Hưng Yên
Tôi sắp lập gia đình. Tuy nhiên, trước đây khoảng 1 năm, tôi có bị viêm âm đạo song đã được loại khỏi. Liệu tôi có cần đi khám sức khỏe tiền hôn nhân hay không? Xin bác sĩ Trần Thị Hường cho biết.
BSCKII Trần Thị Hường:
Khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc làm cần thiết, văn minh mà bất kì cặp đôi nào cũng nên thực hiện. Giúp đánh giá sức khoẻ một cách tổng quát; phát hiện và hỗ trợ điều trị kịp thời những bệnh lý truyền nhiễm; kiểm tra, phát hiện và tư vấn những bệnh lý do di truyền và tầm soát, phát hiện và tư vấn các bệnh lý liên quan đến sức khỏe sinh sản. Ý nghĩa của việc làm này mang lại rất lớn vì thế bạn và chồng sắp cưới nên đi khám sức khỏe trước khi kết hôn. Hiện tại, bệnh viện Thu Cúc có thiết kế gói khám tiền hôn nhân với đầy đủ hạng mục: khám, xét nghiệm, siêu âm… với mức chi phí hợp lý.
Câu hỏi của bạn Nhung Lam
Kính gửi chuyên gia báo Sức khoẻ & Đời sống, em chuẩn bị kết hôn, gia đình em nói cần khám tiền hôn nhân, nhưng em thấy hầu hết bạn bè em có ai đi khám đâu, vậy xin chuyên gia cho em biết có cần thiết đi khám không ạ, em xin cảm ơn ạ
 
BSCKII Trần Thị Hường: 
Việc đi khám sức khỏe tiền hôn nhân rất cần thiết để bác sĩ có những tư vấn cho bạn các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản của bạn trước khi lấy chồng cũng như sau này.
Câu hỏi của bạn Diệu Tú (Ninh Bình)
Tôi có một cục u ở ngực trái, hơi đau khi ấn vào. Liệu có phải tôi bị ung thư vú không? Tôi nên làm những xét nghiệm gì để kiểm tra?
PGS. TS. Đoàn Hữu Nghị: 
Chào bạn. Nếu xuất hiện cục ở vú và có đau, tất nhiên bạn rất lo, đầu tiên bạn cần đi khám xác định u lành hay u ác. Nếu u lành không có gì đáng sợ, u ác sẽ rất đáng lo. Việc chẩn đoán xác định bệnh nhân có bị ung thư hay không đòi hỏi rất công phu và cẩn trọng bằng những phương tiện máy móc hiện đại như X quang, siêu âm, chụp CT, cộng hưởng từ, xét nghiệm, cuối cùng là giải phẫu bệnh mới xác định chính xác có phải là ung thư hay không. Bạn không cần phải quá lo lắng, cần đi khám để xét nghiệm chẩn đoán tình trạng bệnh của mình.

Câu hỏi của Lê Thị Phương Anh (leanhtnts9@gmail.com)
Thưa bác sĩ ! Cháu 26 tuổi có biểu hiện bệnh như sau: kinh nguyệt không đều (từ khi có kinh cho đến nay 1 năm mới có kinh 1 lần, mỗi lần có kinh kéo dài từ 30-45 ngày mới sạch. Có lần thấy lâu có kinh cháu đi khám bác sĩ kê đơn thuốc uống cháu mới có kinh, hết thuốc không có kinh lại nữa, đó là thuốc tránh thai hàng ngày) – Năm 2011 cháu được bác sĩ bệnh viện Phụ sản trung ương chẩn đoán buồng trứng đa nang cho đến nay, bác sĩ khuyên lấy chồng sớm, ăn uống ngủ nghỉ điều độ, giữ tinh thần thoải mái nhưng cháu lo sợ sẽ bị ung thư hóa vì đã bị 5 năm rồi). Bụng cháu ngày càng to lên, cháu không dám mặc những bộ đồ ôm sát. Cháu muốn bóc tách nang đó có được không hay làm như thế nào là tốt nhất. – bác sĩ cho cháu lời khuyên. Hiện tại cháu chưa lập gia đình, chưa quan hệ tình dục (cháu theo khám từ năm lớp 11 cho đến nay ở bệnh viện phụ sản trung ương). Xin được hỏi TTND Đoàn Hữu Nghị
 
PGS. TS. Đoàn Hữu Nghị: 
Bạn mới có 26 tuổi, những dấu hiệu đầu tiên của bạn là có rối loạn nội tiết, sau đó đã được chẩn đoán là đa nang buồng trứng. Thông thường đó là u lành. Vấn đề là có nên mổ hay không, vì nó có tác động đến nội tiết. Điều này bác sĩ sẽ cân nhắc khi thăm khám. Đối với buồng trứng đa nang nguy cơ ung thư rất nhỏ, bạn không cần quá lo.
BS Trần Thị Hường:
Bệnh buồng trứng đa nang thường hay gặp ở phụ nữ trẻ, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến vô sinh hiếm muộn. Hiện chưa xác định được nguyên nhân, thường xuất hiện ở người trẻ, có kháng insuline. Triệu chứng của bạn như là béo, thừa cân, mọc lông chân tay nhiều hơn…. đây đều là những dấu hiệu của buồng trứng đa nang. Buồng trứng đa nang bình thường chỉ ảnh hưởng đến kinh nguyệt. Tuy nhiên khi muốn sinh con, bạn cần phải lưu ý đi khám.

Câu hỏi của bạn Nguyễn Thị Thu Hương (Quaythuocmaohuong@gmail.com)
Bs tư vấn giúp e. 5 tháng gần đây e bị tháng lượng máu ra rất ít và trong suốt cả tháng e vẫn ra ít dịch nâu hoặc đỏ tươi lẫn dịch trắng. E đi khám thì bị viêm trợt cổ tử cung đỏ hết thàng có uống kháng sinh và đặt thuốc nhưng k đỡ. E đặt vòng đuoc 1 năm e hay bị viêm nhiễm và cả viêm đương tiết niệu nữa mặc dù e vs sạch sẽ.bs tư vấn e nên làm j ag
 BSCKII Trần Thị Hường:
Như vậy là bạn có cả 2 thể viêm: viêm đường tiết niệu và viêm âm đạo cổ tử cung. 2 loại viêm đấy do đường niệu đạo và đường âm đạo sát gần nhau nên viêm nhiễm như thế rất có thể xảy ra. Lượng kinh ít đi có thể là viêm nhiễm tử cung hoặc là rối loạn nội tiết, cũng có thể là suy buồng trứng sớm. Những thông tin của bạn đưa đến thì chúng tôi cũng chưa thể xác định là vấn đề gì do đó bạn nên đến bác sĩ để xem nó có phải bị viêm nhiễm niêm mạc hoặc dính niêm mạc mà lượng kinh ra ít như thế hay có vấn đề gì về rối loạn nội tiết hoặc suy buồng trứng sớm, bạn cần đi khám thì mới xác định được và tư vấn cho bạn hướng hỗ trợ điều trị hiệu quả.
Câu hỏi của bạn Nguyễn Thị Bích Huệ (bichhue8383@gmail.com)
Em năm nay 34 tuổi có một u sơ bên vú phải đã 10 năm nay, em đã sinh một cháu gái, hiện đang mang bầu lần 2, bác sĩ tư vấn giúp em.
PGS. TS. Đoàn Hữu Nghị: 
Bạn đã 34 tuổi, có khối u nhưng lại đang mang bầu, khả năng bạn có u lành. Nhưng bạn đang mang thai nên hạn chế sử dụng thuốc, thận trọng khi chụp chiếu, bạn cần đến một cơ sở y tế để khám, xác định bệnh cho yên tâm.
Câu hỏi của Mai Anh (maianh@gmail.com)
Chào bác sỹ tôi năm nay 28 tuổi đã có gia đình. Bác sỹ vui lòng cho tôi hỏi gần sau khi quan hệ thì thấy khí hư của tôi ra khá nhiều đặc có mùi (nhưng ko phải mùi ghê hay hôi). Có những khi tôi phải đóng băng vs hằng ngày vì ra nhiều như bị sót tiểu. Vậy tôi xin hỏi tôi có phải là bị viêm nhiễm gì không ạ?
BSCKII Trần Thị Hường:
Qua triệu chứng bạn kể có thể thấy bạn đã bị viêm nhiễm rồi. Việc bạn phải đóng băng vệ sinh hàng ngày cũng cho thấy là bạn có bất thường, bạn nên đi khám để bác sĩ tư vấn cho bạn cách hỗ trợ điều trị hiệu quả
Câu hỏi của một khán giả không nêu tên:
Tôi bị đau rát ngoài vùng kính tiết ra chất đen nâu mùi hôi cho hỏi có phải viem hay không
BSCKII Trần Thị Hường: 
Không biết bạn đã lập gia đình hay đã quan hệ tình dục chưa. Việc tiết dịch nâu đen chứng tỏ có bất thường nhưng dấu hiệu này chưa đủ để chẩn đoán, bạn cần đến khám bác sĩ để biết dịch nâu đen đó ở đâu ra, nếu bạn đã có quan hệ tình dục rồi thì càng nên đi khám để bác sĩ thăm khám xem tình trạng âm đạo hoặc cổ tử cung có bất thường gì không và dịch nâu đen đó tiết ở đâu ra, đặc biệt là sàng lọc ung thư cổ tử cung là việc làm rất cần thiết.
Câu hỏi của bạn Hoàng Anh, 49 tuổi (Quảng Ninh )
Ung thư cổ tử cung có thể khỏi không bác sĩ? Tôi bị chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn IIB thì có thể sống được bao lâu, và xử trí bằng phương pháp nào? 
PGS. TS. Đoàn Hữu Nghị: 
Vấn đề của bạn là ung thư giai đoạn IIB, phương pháp xử trí chủ yếu là xạ trị, việc phẫu thuật có thể cân nhắc. Công nghệ xạ trị hiện nay rất tốt bằng việc xạ trị tại chỗ và từ xa, khả năng loại bỏ có thể đạt tới 50%. Vì vậy bạn nên thường xuyên theo dõi, nếu bị tái phát cnên có biện pháp xử trí sớm. Nói chung hiện nay bằng nhiều công nghệ hiện đại , nên bạn có thể yên tâm loại bỏ.
BSCKII Trần Thị Hường:
Theo tôi bạn có thể phẫu thuật cắt tử cung vì với tuổi này có thể bạn đã sinh nở, nên cắt tử cung, từ đó giải phẫu bệnh xem mức độ di căn thế nào. Bạn cần đi khám và loại bỏ bệnh càng sớm càng tốt. Đối với trường hợp của bạn, vẫn còn rất khả quan.

Câu hỏi của MC:
Thưa PGS. TTND Đoàn Hữu Nghị, tôi được biết là những người bị chẩn đoán ung thư vú giai đoạn sớm có thể lựa chọn phẫu thuật cắt bỏ khối u và phẫu thuật loại bỏ cả tuyến vú. Xin hỏi là, phẫu thuật cắt bỏ khối u (bảo toàn ngực) liệu khả năng tái phát có cao không?
PGS. TS. Đoàn Hữu Nghị: 

Khi ở giai đoạn sớm, khối u còn nhỏcó thể bảo tồn tuyến vú. Vào năm 2000, tôi là một trong những người đầu tiên thực hiện phẫu thuật bảo tồn vú cho một bệnh nhân 53 tuổi. Tôi quyết định cắt bỏ rộng khối u bảo tồn tuyến vú bởi bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn sớm, đây là một minh chứng cho thấy vẫn có thể bảo tồn vì khi loại bỏ ung thư. Sau đó bệnh nhân được kết hợp xạ trị, hiện bệnh nhân sức khỏe vẫn tốt. Hiện nay những khối u nhỏ, không ở vùng trung tâm có thể phẫu thuật cắt bỏ rộng khối u hơn là cắt vũ rồi tạo hình lại.

Câu hỏi của một khán giả
Cháu nghe nói là ung thư cổ tử cung là bệnh có thể phòng ngừa và phát hiện sớm bằng việc xét nghiệm Pap định kỳ, điều đó có đúng ko? Bệnh viện Thu Cúc có làm xét nghiệm Pap hay ko, và cháu năm nay 22 tuổi thì đã phải làm chưa? Bao lâu nên làm 1 lần?
PGS. TS. Đoàn Hữu Nghị :
PAP không thể phòng ngừa được ung thư cổ tử cung. Muốn phòng ngừa ung thư cổ tử cung cần tránh lây nhiễm HPV như tiêm vaccin, quan hệ tình dục an toàn, tránh lây nhiễm HPV. Những phụ nữ từ 35 tuổi trở lên cần đi khám định kỳ, làm xét nghiệm phết để phát hiện những vấn đề ở cổ tử cung, ung thư giai đoạn sớm.
BSCKII Trần Thị Hường:
Bạn mới có 22 tuổi, bạn có thể tiêm vaccin HPV. Những người nhiễm ung thư cổ tử cung có đến 80% người nhiễm virus HPV. Đây là cách tốt nhất để phòng ngừa virus HPV, là những type chủ yếu gây bệnh.

Một khán giả điện thoại đến chương trình
Em năm nay 26 tuổi, sau khi khám em biết em bị viêm âm đạo. Em được biết các bệnh phụ khoa nếu không xử trí kịp thời có thể gây vô sinh hoặc ung thư, không biết điều này có đúng không, mong nhận được sự tư vấn của các bác sĩ.
BSCKII Trần Thị Hường :
Bạn nghĩ như vậy cũng đúng vì tất cả những ung thư thì cũng xuất phát từ viêm, nếu hay bị viêm nhiễm thì cũng là tiền đề của ung thư cổ tử cung do đó cần đến bác sĩ để chẩn đoán bị viêm cái gì (âm đạo, cổ tử cung…) và bác sĩ sẽ tư vấn điều trị tốt nhất, tầm soát ung thư cổ tử cung mỗi năm một lần, loại ung thư này nếu phát hiện sớm thì bạn có thể loai bỏ khỏi.
Kết thúc chương trình tư vấn. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital