Menu xem nhanh:
Cúm A/H1N1 là gì?
- Cúm A/H1N1 là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nhiễm virus cúm A (H1N1) gây ra. (ảnh minh họa)
Hiện tại có 3 chủng virus cúm là virus cúm A, B và C, trong đó chủng A và B là hai chủng chủ yếu gây ra bệnh cúm và cũng là chủng dẫn tới các đại dịch cúm bùng phát hàng năm.
Cúm A được phân loại dựa vào kháng nguyên bền mặt của chúng là kháng nguyên H (haemagglutinin) giúp virus đi vào tế bào hô hấp của người bị nhiễm và kháng nguyên N (neuraminidase) giúp phóng thích virus từ các tế bào bị nhiễm virus ra ngoài. Có khoảng 16 loại H và 9 loại N thuộc chủng cúm A. Khi virus cúm chuyển đổi một trong hai kháng nguyên H và N thì chúng sẽ trở thành một loại khác như cúm H1N2 khi thay kháng nguyên N2 thành N1 sẽ thành loại mới là H1N1 hoặc khi thay kháng nguyên H1 thành H5 sẽ tạo ra loại mới là H5N2. Như vậy cúm A/H1N1 là một loại thuộc chủng virus cúm A được tạo thành bởi 2 kháng nguyên là H1 và N1.
Như vậy với sự kết hợp của hai kháng nguyên H và N có thể tạo ra nhiều loại virus cúm thuộc chủng cúm A, tuy nhiên trên thực tế một số loại cúm nổi tiếng và có khả năng gây bệnh cho con người, chúng dễ bùng phát thành dịch và có thể dẫn đến tử vong là cúm gia cầm H5N1 và H1N1.
Con đường lây lan virus cúm A/H1N1
- Cúm A/H1N1 có thể lây lan qua môi trường không khí khi tiếp xúc hay hít phải virus cúm từ người đang bị nhiễm virus cúm A/H1N1 qua các hoạt động như ho, hắt hơi, … (ảnh minh họa)
Virus cúm A/H1N1 lây qua đường không khí, chúng có thể tồn tại khá lâu ngoài môi trường, khoảng 24-48 giờ trên bề mặt như bàn, ghế, tủ,… và có thể tồn tại trong các tủ quần áo từ 8-12 giờ và có thể tồn tại được trong lòng bàn tay tới 5 phút. Đặc biệt trong môi trường nước với nhiệt độ khoảng 22 độ C, virus cúm A/H1N1 có thể sống được 4 ngày và ở nhiệt độ 0 độ C chúng có thể sống tới 30 ngày.
Virus cúm A/H1N1 lây từ người sang người qua đường hô hấp khi người bệnh hít phải virus từ luồng không khí bên ngoài do được truyền virus từ người bị bệnh qua các hoạt động như ho, hắt hơi.
Ngoài ra, căn cứ vào khả năng cư trú của virus cúm ở các vật dụng bên ngoài môi trường nên chúng ta cũng có thể bị lây nhiễm virus cúm A/H1N1 qua các hoạt động như bắt tay, các hồ bơi, các vật dụng từ người đang bị nhiễm virus cúm A.
Bệnh lây lan càng nhanh và mạnh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh, đặc biệt là những nơi ẩm ướt, tập trung đông người như nhà trẻ, trường học, công viên,…
Các biến chứng nguy hiểm từ cúm A/H1N1
Từ trước đến nay, nhiều người vẫn nghĩ bệnh cúm là bệnh “nhỏ”, “sụt sịt vớ vẩn”. Tuy nhiên cũng có chủng cúm gây nguy hiểm và để lại các biến chứng nguy hiểm như cúm H1N1.
Các biến chứng điển hình virus cúm A H1N1 nếu không được điều trị là: viêm phổi, viêm xoang, viêm tai, thậm chí là tử vong.
- Viêm phổi hay gặp nhất là tình trạng phổi bị nhiễm trùng nặng và thường xảy ra ở trẻ em, người lớn tuổi (người già) có sức đề kháng kém hay mắc một số bệnh như tiểu đường, bệnh tim, phổi mạn tính hoặc một số bệnh suy giảm miễn dịch.
- Nguyên nhân cúm A/H1N1 gây tử vong ở người thường là do các biến chứng nêu trên, đặc biệt là biến chứng viêm phổi, nhiễm trùng phổi nặng khi người bệnh chủ quan và không được xử trí kịp thời.
Các biểu hiện bệnh cúm A/H1N1 bạn cần lưu ý
- Các biểu hiện của bệnh cúm A/H1N1. (ảnh minh họa)
Một điều dễ gây nhầm lẫn là cúm A/H1N1 cũng như nhiều loại cúm khác rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh. Tuy nhiên các triệu chứng của cảm lạnh thường nhẹ hơn và thời gian khỏi bệnh cũng nhanh hơn, còn cúm thì thường mức độ biểu hiện nặng hơn cảm lạnh và có các biểu hiện như:
- Sốt (nhiệt độ thường 38 độ C hoặc có thể cao hơn).
- Nhức đầu và đau cơ.
- Mệt mỏi, biếng ăn.
- Ho và đau họng cũng có thể gặp.
Người bị cúm thường sốt 2 – 5 ngày. Điều này khác với các bệnh do virus khác của đường hô hấp thường hết sốt sau 24 – 48 giờ.
Nhiều người bị cúm có sốt và đau cơ và một số người khác có triệu chứng cảm lạnh như chảy mũi và đau họng. Các triệu chứng cúm thường cải thiện sau 2 – 5 ngày mặc dù bệnh có thể kéo dài một tuần hoặc hơn. Các triệu chứng mệt mỏi hay yếu cơ có thể kéo dài hàng tuần.
Nếu phát hiện các biểu hiện nặng hơn hay không có xu hướng thuyên giảm, bạn nên đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để có biện pháp điều trị kịp thời.