Có bao nhiêu phương pháp xét nghiệm suy buồng trứng?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Suy buồng trứng là bệnh lý luôn gây ra những nỗi lo lớn cho tất cả chị em phụ nữ, bởi vì chúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng làm mẹ. Trên thực tế, đã có không ít bệnh nhân đi khám hiếm muộn và phát hiện ra nguyên nhân xuất phát từ suy buồng trứng. Vậy có những phương pháp xét nghiệm suy buồng trứng nào và bệnh có thể chữa trị được không?

1. Thế nào được gọi là suy buồng trứng?

Buồng trứng là cơ quan sinh dục chịu trách nhiệm về sinh sản trong cơ thể của người phụ nữ. Bên cạnh đó, buồng trứng cũng đảm nhiệm vai trò trong việc sản xuất các hormone sinh sản của nữ đó là estrogen và progesterone.

Suy buồng trứng sớm là tình trạng mà các chức năng của buồng trứng bị ngừng hoạt động. Khi đó bệnh nhân sẽ không thể thực hiện được chức năng sản sinh và nuôi dưỡng trứng để duy trì khả năng sinh sản của mình. Bên cạnh đó, những chức năng sinh dục khác của người bệnh cũng bị ảnh hưởng do hormone kích thích ham muốn không được sản sinh ra, các nội tiết tố trong cơ thể bị rối loạn và gây mất cân bằng.

Suy buồng trứng chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm đời sống tình dục và cản trở chức năng sinh sản ở nữ giới và cũng chính là nguyên gây hiếm muộn ở các cặp vợ chồng. Vì vậy, nếu không may bạn có những nghi ngờ về mắc chứng bệnh này thì cần phải làm xét nghiệm suy buồng trứng và nhận phác đồ điều trị của bác sĩ ngay lập tức.

Xét nghiệm suy buồng trứng

Suy buồng trứng sớm là tình trạng mà các chức năng của buồng trứng bị ngừng hoạt động

2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh suy buồng trứng

Có nhiều nguyên nhân gây hiện tượng suy buồng trứng liên quan đến các bệnh về nhiễm sắc thể, bệnh lý về di truyền, hoặc là các bệnh lý tự miễn. Tuy nhiên, việc suy giảm hormone estrogen lại là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý suy buồng trứng. Trong đó những nguyên nhân sau khiến phụ nữ bị sự suy giảm hormone estrogen:

– Rối loạn kinh nguyệt trong một thời gian dài và khiến cho lượng kinh nguyệt không ổn định.

– Người bệnh Lạm dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, café, cocain,… Việc làm này gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc sản sinh hormone.

– Bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục từ các loại vi khuẩn, virus và nấm.

– Đã thực hiện cắt bỏ một bên buồng trứng hay vòi trứng,…

– Đặc biệt đó chính là tình trạng nạo phá thai một cách bừa bãi dẫn tới buồng trứng bị tác động nghiêm trọng khiến cho các nội tiết tố bị rối loạn.

Ngoài ra, việc giảm cân quá mức của chị em cùng tình trạng căng thẳng lâu dần gây rối loạn chức năng thần kinh thực vật. Ảnh hưởng đến sự điều tiết nội tiết tố trong cơ thể làm dẫn đến suy giảm chức năng của buồng trứng, giảm hormone estrogen.

Nguyên nhân dẫn đến suy buồng trứng

Đã thực hiện cắt bỏ một bên buồng trứng hay vòi trứng là nguyên nhân dẫn đến suy buồng trứng

3. Làm thế nào để chẩn đoán phụ nữ bị suy buồng trứng

Để có thể chẩn đoán được hiện tượng suy buồng trứng sớm, làm căn cứ giúp bác sĩ có thể quyết định thực hiện các xét nghiệm suy buồng trứng hay không sẽ cần dựa vào các tiêu chí quan trọng sau đây:

– Thứ nhất đó là những đối tượng chị em phụ nữ dưới 40 tuổi.

– Thứ hai, có nồng độ FSH tăng > 30 – 40 IU/L, giới hạn này cần tùy thuộc vào từng phòng xét nghiệm.

– Thứ ba, đối với những phụ nữ có chu kỳ kinh bất thường sẽ có các dấu hiệu là khả năng thụ thai giảm sút và khi tiến hành đo FSH ở ngày thứ 3 của chu kỳ kinh > 10 – 15 IU/L, nồng độ Estradiol huyết thanh cùng thời điểm ≥ 80pg/L.

4. Các phương pháp xét nghiệm suy buồng trứng sớm

Để thực hiện xét nghiệm suy buồng trứng sớm, bệnh nhân sẽ cần phải trải qua 2 xét nghiệm quan trọng đó là xét nghiệm nồng độ FSH và Estradiol vào ngày thứ 3 của chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, để chẩn đoán được nguyên nhân gây bệnh có thể bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cần thực hiện thêm xét nghiệm kiểm tra nhiễm sắc thể.

4.1 Xét nghiệm nồng độ FSH

FSH là một loại hormone được giải phóng ra từ thùy trước tuyến yên trong não. Đối với phụ nữ hormone FSH có tác dụng kích thích noãn bào phát triển và đây chính là một phần của chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Những phụ nữ dưới 40 tuổi khi có nồng độ FSH ở ngày thứ 3 của chu kỳ kinh tăng > 30 – 40 IU/L sẽ được bác sĩ chẩn đoán là suy buồng trứng sớm.

Tiến hành xét nghiệm nồng độ FSH sẽ cho biết tình trạng của nang ở trong buồng trứng, đồng thời cũng báo hiệu về thời gian trứng chuẩn bị rụng. Đặc biệt là trong giai đoạn hoàng thể, hormone FSH còn có khả năng giúp kích thích sự sản xuất progesterone, điều tiết quá trình sinh sản và kiểm soát lượng FSH. Khi xét nghiệm FSH và kết hợp cùng với một vài xét nghiệm khác sẽ giúp bác sĩ tìm ra được nguyên nhân khiến cho kinh nguyệt không đều và các dấu hiệu làm rối loạn tuyến yên hoặc liên quan đến buồng trứng.

Xét nghiệm nồng độ FSH

Xét nghiệm nồng độ FSH giúp tìm ra được những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến buồng trứng

4.1.1 Cách tiến hành lấy mẫu xét nghiệm

Đối với cách lấy bệnh phẩm xét nghiệm hormone FSH sẽ được thực hiện trên huyết thanh và không yêu cầu bệnh nhân phải nhịn ăn trước khi lấy máu. Trong một số trường hợp nhất định, bệnh nhân có thể sẽ được bác sĩ khuyến cáo ngừng tất cả các thuốc có khả năng làm thay đổi kết quả xét nghiệm và chỉ số FSH trong vòng 48 giờ trước tiến hành khi xét nghiệm suy buồng trứng.

4.1.2 Thế nào là kết quả xét nghiệm bình thường?

Đối với phụ nữ vào mỗi giai đoạn sẽ có một chỉ số FSH khác nhau. Các chỉ số FSH bình thường ở từng giai đoạn sẽ như sau:

– Vào giai đoạn tạo nang buồng trứng: Chỉ số FSH là 1,68 – 15 lU/L
– Giai đoạn giữa chu kì kinh nguyệt: Chỉ số FSH là 21,9 – 56,6 lU/L
– Giai đoạn hoàng thể: Chỉ số FSH là 0,61 – 16,3 lU/L
– Vào sau giai đoạn mãn kinh: Chỉ số FSH là 14,2 – 5,3 IU/L

4.2 Xét nghiệm Estradiol

Estradiol (E2) là dạng chính của hormone estrogen và cũng là dạng estrogen có hoạt lực mạnh nhất và chiếm số lượng lớn, còn được gọi là 17-beta-estradiol. Estradiol được sản xuất chủ yếu bởi buồng trứng, vú và tuyến thượng thận ở nữ. Ngoài ra còn có 2 loại estrogen khác đó là estron (E1) được sản xuất với nồng độ rất thấp và estriol (E3) là được sử dụng để đánh giá chức năng nhau thai và thai. Trong thời gian mang thai thì nhau thai cũng sẽ sản xuất ra estradiol.

Trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, FSH sẽ có khả năng kích thích sự phát triển của nang noãn chưa trưởng thành. Khi nang noãn bắt đầu được phát triển, noãn bào sẽ giải phóng ra estradiol. Từ đó sẽ tác động lên vùng dưới đồi và tuyến yên để tăng cường giải phóng ra hormone GnRH và LH để thúc đẩy sự rụng trứng.

Nếu như người phụ nữ bị suy buồng trứng sớm thì buồng trứng không đáp ứng được với sự kích thích của FSH do đó nang noãn sẽ không phát triển và hoàn toàn không giải phóng ra estradiol. Chính vì vậy ở xét nghiệm suy buồng trứng sớm sẽ có nồng độ hormone estradiol trong máu thấp hơn bình thường.

Xét nghiệm Estradiol

Nồng độ hormone estradiol trong máu thấp hơn bình thường chứng tỏ người bệnh bị suy buồng trứng

4.3 Xét nghiệm kiểm tra nhiễm sắc thể

Xét nghiệm kiểm tra nhiễm sắc thể là phương pháp kiểm tra một số di truyền bất thường một cách chính xác. Xét nghiệm này cũng sẽ giống như các xét nghiệm máu thông thường khác và không có lưu ý đặc biệt nào cần bệnh nhân chú ý trước khi lấy mẫu. Bên ngoài xét nghiệm FSH và Estradiol thì bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân làm xét nghiệm kiểm tra nhiễm sắc thể để chẩn đoán về nguyên nhân gây nên  suy buồng trứng sớm. Bởi vì có những trường hợp phụ nữ bị suy buồng trứng sớm là do chỉ có một nhiễm sắc thể X thay vì có hai NST hoặc có nhiễm sắc thể khiếm khuyết khác.

Xét nghiệm kiểm tra nhiễm sắc thể

Xét nghiệm kiểm tra nhiễm sắc thể để tìm ra một số di truyền bất thường

Có thể thấy rằng, suy buồng trứng là một bệnh lý khá nguy hiểm và gây nên tình trạng hiếm muộn ở phụ nữ. Vậy nên, nếu như có bất cứ dấu hiệu nào bệnh nhân cần phải gặp trực tiếp bác sĩ sớm để được thực hiện các xét nghiệm suy buồng trứng. Với sự phát triển mạnh mẽ của y học hiện nay, đã có rất nhiều phương pháp tiên tiến giúp người bệnh vẫn có thể mang thai nếu bị suy buồng trứng như là phương pháp hỗ trợ sinh sản thụ tinh trong ống nghiệm, thụ tinh ống nghiệm xin trứng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital