Răng sâu có thể gây đau đớn, bởi thế, khi có tình trạng này, nhiều người sẽ sốt sắng tìm kiếm giải pháp để nhanh chóng xử lý sâu răng. Trong khi điều trị tại phòng nha là lựa chọn tối ưu, một số người lại tò mò về cách làm cho răng sâu tự rụng mà không can thiệp y tế. Vậy, có cách làm cho răng sâu tự rụng không? Bài viết này của Thu Cúc TCI sẽ cung cấp câu trả lời và lời khuyên của chuyên gia về vấn đề này cho những ai quan tâm, đọc ngay bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Giải đáp chi tiết thắc mắc: Có cách làm cho răng sâu tự rụng không?
1.1. Nguy cơ của tình trạng sâu răng
Sâu răng là bệnh lý có thể gây ra nhiều tác hại không chỉ cho sức khỏe răng miệng mà còn cho sức khỏe tổng thể. Sâu răng thường gây đau đớn cho người bệnh, nhất là khi tiêu thụ đồ ăn thức uống quá nóng, quá lạnh hoặc quá ngọt. Khi sâu răng không được điều trị kịp thời, vi khuẩn có thể xâm nhập các lớp trong của răng, gây nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể dẫn đến áp xe (xuất hiện một túi mủ xung quanh chân răng). Áp xe nếu tiếp tục không được điều trị, cấu trúc răng có thể suy yếu đến mức gãy hoặc rụng. Mất răng không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai của người bệnh. Vi khuẩn gây sâu răng cũng có thể lây lan qua máu, ảnh hưởng đến các cơ quan khác của cơ thể như tim và phổi.
1.2. Có cách làm cho răng sâu tự rụng không?
Như vậy, có thể thấy, ngay cả khi người bệnh không tác động gì thì răng sâu đến một giai đoạn nhất định cũng sẽ tự rụng. Tuy nhiên, vì những nguy cơ vô cùng lớn đi kèm, người bệnh tuyệt đối không nên để sâu răng phát triển đến mức mất răng.
Trong trường hợp người bệnh muốn loại bỏ răng sâu khi nó chưa có dấu hiệu tự rụng, theo chuyên gia, đấy là việc người bệnh không nên thực hiện tại nhà. Có rất nhiều nguyên nhân khiến việc loại bỏ răng sâu tại nhà là không nên thực hiện, ví dụ như:
– Không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ gây sâu răng: Nhổ răng sâu tại nhà không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ gây sâu răng. Các vấn đề răng miệng khác cần được nha sĩ chẩn đoán và điều trị cũng có thể sẽ bị bỏ qua.
– Khả năng xử lý đau trước, trong và sau loại bỏ răng sâu hạn chế: Để quá trình nhổ răng sâu diễn ra ít đau đớn, nha sĩ phải áp dụng các phương pháp gây tê tại chỗ. Nhổ răng tại nhà có thể khiến bạn đau đớn một cách không cần thiết và khó kiểm soát.
– Rủi ro chảy máu không kiểm soát: Nhổ răng có thể gây chảy máu, nếu không được kiểm soát, có thể dẫn đến tình trạng mất máu, rất nguy hiểm.
– Nguy cơ nhiễm trùng: Nhổ răng tại nhà thường không đảm bảo điều kiện vô trùng, vi khuẩn có thể xâm nhập, gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
– Gây tổn thương các mô xung quanh: Nhổ răng tại nhà có thể gây tổn thương các mô mềm, dây thần kinh hoặc xương xung quanh khu vực răng sâu, dẫn đến đau đớn kéo dài và các vấn đề sức khỏe răng miệng khác.
2. Điều trị răng sâu tại phòng nha như thế nào?
Vì những lý do trên, nếu bạn sâu răng, hãy liên hệ với nha sĩ để được chăm sóc chuyên nghiệp và an toàn. Không phải trong trường hợp nào, răng sâu cũng cần nhổ. Nha sĩ sẽ đánh giá tình trạng cụ thể của bạn và đề xuất phương pháp điều trị phù hợp. Phương pháp điều trị đó có thể là liệu pháp fluoride, trám răng, bọc sứ… Phương pháp cuối cùng, cho trường hợp sâu răng nghiêm trọng không thể cứu vãn, mới là nhổ răng. Quy trình đầy đủ của phương pháp điều trị sâu răng nghiêm trọng đó là:
– Bước 1, thăm khám và tư vấn: Nha sĩ thăm khám tổng quát và sử dụng phim X-quang để đánh giá tình trạng của răng sâu cũng như các vấn đề liên quan đến xương và mô xung quanh răng sâu. Người bệnh được tư vấn về các phương án điều trị khác nhau và nhổ răng chỉ được đề xuất khi các biện pháp bảo tồn khác không khả thi.
– Bước 2, chuẩn bị trước khi nhổ răng: Nha sĩ yêu cầu người bệnh cung cấp lịch sử y tế, bao gồm tình trạng sức khỏe hiện tại và danh sách các thuốc đang dùng để tránh những rủi ro và tương tác thuốc.
– Bước 3: Gây tê tại chỗ: Để giảm đau trong quá trình nhổ răng, nha sĩ tiêm thuốc tê vào khu vực xung quanh răng cần điều trị. Thuốc tê sẽ làm tê liệt tạm thời khu vực này, giúp người bệnh không cảm thấy đau khi nhổ răng.
– Bước 4, nhổ răng: Nha sĩ sử dụng các dụng cụ chuyên dụng để nhổ răng ra khỏi hàm. Trong trường hợp răng bị gãy hoặc răng khó nhổ, nha sĩ có thể sẽ phải phẫu thuật để cắt bỏ một phần xương hoặc nướu xung quanh răng người bệnh.
– Bước 5, kiểm soát chảy máu: Sau khi nhổ răng, nha sĩ áp một miếng gạc lên vị trí răng vừa nhổ để cầm máu. Người bệnh được yêu cầu cắn nhẹ lên miếng gạc này trong khoảng 30 đến 45 phút để tạo áp lực, giúp cầm máu và hình thành cục máu đông.
– Bước 6, chăm sóc sau nhổ răng: Nha sĩ hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc sau khi nhổ răng, bao gồm vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng; tránh tiêu thụ đồ ăn thức uống cứng hoặc nóng, lạnh; không hút thuốc và tránh uống nước bằng cách hút để không ảnh hưởng đến cục máu đông. Nha sĩ cũng có thể kê đơn thuốc giảm đau và/hoặc thuốc kháng sinh để giảm đau và ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng.
– Bước 7, tái khám: Người bệnh có thể được yêu cầu quay trở lại phòng khám để nha sĩ kiểm tra tiến trình lành thương và đảm bảo không có biến chứng nào xảy ra sau khi nhổ răng.
Tìm kiếm cách làm cho răng sâu tự rụng có thể dẫn đến nhiều rủi ro không đáng có. Thay vào đó, hãy trao đổi với chuyên gia để được điều trị hiệu quả nhất, bạn nhé!