Khi nào cần chụp CT não và khi nào cần chụp MRI não để thu về hiệu quả cao, an toàn với người bệnh? Đây cũng là thắc mắc thường gặp ở nhiều người bệnh bởi tính chất tương đồng trong hiệu quả chẩn đoán giữa hai phương pháp này. Bài viết dưới đây sẽ chỉ rõ các trường hợp cần chụp CT não và lời khuyên khi thực hiện phương pháp này.
Menu xem nhanh:
1. Lời khuyên từ chuyên gia
Sọ não là một trong những cơ quan có cấu tạo phức tạp nhất, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong cơ thể con người. Việc chẩn đoán các bệnh lý vùng sọ não thường gặp nhiều khó khăn do đây là cơ quan chứa nhiều dây thần kinh, mạch máu não và nhiều thành phần mô não. Chính vì thế, chụp CT sọ não được xem là phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiệu quả và được chỉ định trong nhiều ca bệnh khó.
Chụp CT hay còn gọi là chụp cắt lớp vi tính/ CT Scan là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại, sử dụng tia X cho kết quả hình ảnh kết hợp từ nhiều góc độ khác nhau. Kết quả chụp CT cho hình ảnh cắt ngang của xương và mô mềm trong cơ thể. Bên cạnh chụp CT não thì phương pháp này còn được chỉ định cho việc chẩn đoán nhiều cơ quan khác trong cơ thể, nhằm xác định tổn thương và rà soát bệnh lý.
Giải thích về hiệu quả chẩn đoán của kỹ thuật chụp CT sọ não, Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Quang Hanh (Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, thuộc Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI) cho biết: Ưu điểm lớn nhất của phương pháp chụp CT là chất lượng hình ảnh giải phẫu. So với chụp X-quang, phương pháp này đem lại kết quả hình ảnh chi tiết hơn, với nhiều hình cắt ngang theo nhiều hướng khác nhau. Nhờ vậy, chụp cắt lớp vi tính cho phép dựng hình đa chiều, giúp bác sĩ dễ dàng quan sát và có đánh giá khách quan về tình trạng bệnh.
Ngoài ra, chụp CT không mất nhiều thời gian, phù hợp với các ca bệnh cấp cứu do tai nạn, những người không thể giữ nguyên tư thế để chụp trong thời gian dài như MRI, cụ thể là người già, trẻ nhỏ hoặc những ca bệnh nguy kịch.
2. Trường hợp cần chụp CT não
2.1. Bác sĩ chỉ định khi nào cần chụp CT não?
Phương pháp chụp CT não thương được chỉ định trong các trường hợp sau:
– Người bệnh gặp chấn thương ở vùng đầu và nghi ngờ có chảy máu, tụ máu não. Chụp CT lúc này giúp xác định vị trí và mức độ tổn thương, đồng thời thăm dò khu vực ảnh hưởng để định hướng điều trị.
– Người bị đột quỵ cấp (nhồi máu não, xuất huyết nội sọ).
– Người bị dị dạng mạch máu não, viêm màng não, áp xe não, chảy máu não, dị tật não bẩm sinh,….
– Trường hợp nghi ngờ có khối u não hoặc cục máu đông. Chụp CT lúc này giúp xác định vị trí, kích thích và khu vực ảnh hưởng.
– Người bệnh có các dấu hiệu thần kinh như: đau đầu, co giật, động kinh, lú lẫn, hôn mê không rõ nguyên nhân, yếu liệt chi, méo mặt, giảm hoặc mất thị lực/ thính lực,…
Tuy nhiên, người bệnh chụp CT não cần có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Trước khi tiến hành, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh lý, thăm hỏi thể trạng sức khỏe nhằm đưa ra phương pháp chẩn đoán hình ảnh phù hợp. Người bị chứng không gian hẹp, không thể nằm yên (như trẻ nhỏ), người dễ bị kích thích không nên chụp CT. Ngoài ra, chống chỉ định với các trường hợp: phụ nữ có thai và cho con bú, người bị dị ứng với thuốc tương phản đường tĩnh mạch, người bị suy thận hoặc một số bệnh nền khác.
Nếu bạn đang nghi ngờ mang thai, hãy thông báo ngay với bác sĩ để đảm bảo an toàn và tránh các rủi ro sau này.
2.2. Khi nào cần chụp CT não và khi nào cần chụp MRI não
Đối với các trường hợp không thể chụp CT thì phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng để thay thế là MRI. Chụp cộng hưởng từ hay còn gọi là MRI sử dụng từ trường mạnh, xung tần số vô tuyến và máy tính để tái cấu trúc hình ảnh chi tiết của các cơ quan, mô mềm, xương và hầu hết cấu trúc bên trong cơ thể. Tương tự như CT, chụp MRI đều được sử dụng để theo dõi các bất thường ở sọ não, xác định vị trí, mức độ tổn thương và khu vực ảnh hưởng.
So với CT, kỹ thuật chụp MRI cho hình ảnh mô mềm và các vị trí khuất tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, chụp MRI thường mất nhiều thời gian hơn và chi phí cao. Chính vì thế, chụp CT được ưu tiên cho các trường hợp cấp cứu khẩn cấp do tai nạn hoặc đột quỵ,…
3. Quy trình thực hiện chụp CT não
Thời gian chụp CT não thường chỉ kéo dài 3 – 5 phút, tùy vào tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ yêu cầu thời gian chụp lâu hơn nhằm quan sát rõ các tổn thương. Quy trình chụp CT được tiến hành theo trình tự sau:
– Trước khi chụp CT não: Bác sĩ sẽ thăm khám tổng quát và xác định tình trạng sức khỏe của người bệnh. Với trường hợp có tiêm thuốc cản quang, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử dị ứng thuốc, các bệnh lý mạn tính, kiểm tra chức năng thận. Người bệnh sẽ được yêu cầu nhịn ăn ít nhất 4 giờ trước khi thực hiện chụp CT có tiêm thuốc tương phản.
– Trong khu chụp CT não: Người bệnh được hướng dẫn nằm ngửa, hai tay xuôi theo thân. Trong quá trình chụp, người bệnh chỉ cần thực hiện theo hướng dẫn của kỹ thuật viên.
– Sau khi chụp CT não: Người bệnh có thể hoạt động bình thường trở lại mà không gặp bất kỳ cản trở nào. Đối với trường hợp có tiêm thuốc cản quang, người bệnh sẽ được hướng dẫn về phòng nghỉ để theo dõi trong khoảng 20 – 30 phút, đồng thời uống nhiều nước lọc. Sau khi xác định không có gì bất thường, người bệnh có thể hoạt động trở lại mà không cần lưu viện.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh cách theo dõi sức khỏe tại nhà. Trong vòng 24 giờ, nếu nhận thấy có dấu hiệu nào bất thường, người bệnh cần lập tức liên hệ lại với cơ sở y tế để được thăm khám, hỗ trợ.
– Kết quả chụp CT não thường được trả trong khoảng 30 – 60 phút sau khi chụp, hoặc lâu hơn nếu xuất hiện bất thường cần hội chẩn.
Trên đây là những lưu ý giúp bạn trả lời câu hỏi khi nào cần chụp CT não. Tại Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI, bác sĩ sẽ trực tiếp chỉ định phương pháp chẩn đoán hình ảnh phù hợp cho người bệnh, nhằm đảm bảo an toàn và thu về hiệu quả thăm khám chính xác. TCI cũng là một trong những đơn vị y tế sở hữu hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính đa dãy, hiện được ứng dụng thành công trong thăm khám và điều trị bệnh. Liên hệ ngay nếu cần tư vấn thêm về dịch vụ và chi phí!