Chuyên gia giải đáp: Hôi miệng làm sao hết?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Đỗ Thị Tú Anh

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt

Hôi miệng ảnh hưởng rất tiêu cực đến tâm lý của người bệnh cũng như những người xung quanh. Không có gì là quá khi nói hôi miệng là nguyên nhân sâu xa khiến nhiều mối quan hệ xã hội đổ vỡ. Vậy, hôi miệng làm sao hết? Trong bài viết này, chuyên gia nha khoa sẽ chia sẻ với bạn mọi thông tin cơ bản, trong đó có thông tin về phương pháp xử lý tình trạng hôi miệng. Đọc ngay bạn nhé!

1. Khái niệm

Hôi miệng là thuật ngữ nha khoa được sử dụng để gọi tình trạng hơi thở có mùi khó chịu. Tình trạng này có thể xuất hiện ở tất cả mọi người, không loại trừ tuổi tác, giới tính hay chủng tộc. Thực tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thống kê: 25% dân số thế giới bị hôi miệng. Điều đó có nghĩa hôi miệng thuộc nhóm 3 bệnh lý răng miệng phổ biến nhất toàn cầu.

Để xác định bản thân có bị hôi miệng hay không không khó, bệnh nhân chỉ cần:

– Áp lòng bàn tay vào miệng rồi thở ra, sau đó ngửi lòng bàn tay. Có thể thay bàn tay bằng khẩu trang. Đôi khi không cần làm như vậy, bệnh nhân hôi miệng cũng có thể tự cảm nhận được vấn đề này.

– Nhờ gia đình xác nhận vấn đề này.

– Kiểm tra bằng máy đo mùi hơi thở.

Kiểm tra tình trạng hôi miệng bằng cách áp lòng bàn tay vào miệng và thở ra

Áp lòng bàn tay vào miệng, thở ra, rồi ngửi lòng bàn tay để kiểm tra tình trạng hôi miệng

2. Nguyên nhân

2.1. Nguyên nhân đến từ các vấn đề răng miệng

Nguyên nhân chủ yếu gây hôi miệng là do xuất hiện sự giải phóng các hợp chất sunfua dễ bay hơi trong khoang miệng. Trong đó, sunfua giải phóng là do hoạt động phân giải protein của các vi khuẩn gram âm kỵ khí. Được biết, những vi khuẩn này luôn luôn khu trú trong khoang miệng; đặc biệt tập trung tại các túi nha chu (túi lợi), bề mặt lưỡi, kẽ răng. Protein thì có trong mảnh vụn thức ăn, xác vi khuẩn, chất thải của các ổ nhiễm trùng.

Ngoài ra thì hôi miệng có thể là do những vấn đề răng miệng sau:

– Vệ sinh răng miệng kém

Cao răng, mảng bám.

– Bệnh lý răng: Như sâu răng, viêm chóp răng có lỗ dò mủ,…

– Bệnh lý các vùng quanh răng: Như viêm lợi, viêm nha chu, viêm lợi hoại tử, viêm quanh thân răng, viêm quanh implant,…

– Viêm nhiễm khác trong khoang miệng: Như viêm nhiễm do virus, viêm nhiễm do tác dụng phụ của thuốc, viêm nhiễm cơ học (tổn thương cơ học bị nhiễm trùng), bệnh tay chân miệng, bênh lậu, HIV/AIDS.

– Bệnh lý lưỡi: Như nấm lưỡi Candida, viêm lưỡi bản đồ,…

– Bệnh lý xương hàm: Như viêm xương ổ răng, viêm xương hàm, hoại tử xương hàm, ưng thư xương hàm,…

– Bệnh lý liên quan đến nước bọt: Như giảm tiết nước bọt do tuyến nước bọt hoạt động kém hoặc đình chỉ hoạt động, viêm tuyến nước bọt,…

Nấm lưỡi Candida có thể gây hôi miệng

Hôi miệng có thể phát sinh do nấm lưỡi Candida

2.2. Nguyên nhân khác

Khoảng 10 – 15% các ca hôi miệng là vì những nguyên nhân khác, không liên quan đến răng miệng sau:

– Các bệnh lý mũi họng: Như viêm hầu họng, viêm Amidan, viêm VA, viêm xoang,…

– Các bệnh lý đường hô hấp.

– Các bệnh lý đường tiêu hóa: Như ợ hơi, hở môn vị, trào ngược dạ dày thực quản,…

– Bệnh lý tiểu đường, suy gan, suy thận,…

– Hội chứng mùi cá ươn (tên khoa học là Trimethylaminuria-Fish Odor Syndrome): Là hội chứng rối loạn chuyển hóa Trimethylamine trong thực phẩm có mùi tanh. Đây là một hội chứng hiếm.

– Hút thuốc lá.

– Thực phẩm: Thực phẩm giàu đạm, giàu chất béo, chế phẩm từ sữa, rượu, thực phẩm nặng mùi như hành, tỏi, mắm tôm,… đều có thể gây hôi miệng. Quá trình tiêu hóa những thực phẩm này tạo ra các acid béo bay hơi và một số hợp chất có mùi khác. Acid béo và những hợp chất này bài tiết qua phổi, vì thế mà hơi thở của chúng ta sau khi sử dụng những thực phẩm này có mùi không thơm tho.

3. Hôi miệng làm sao hết?

Tùy nguyên nhân sinh hôi miệng, chúng ta sẽ có cách để giải quyết tình trạng đó khác nhau. Cụ thể:

– Vệ sinh răng miệng cẩn thận, kỹ lưỡng: Chỉ bằng việc vệ sinh răng miệng cẩn thận và kỹ lưỡng, chúng ta đã có thể ngăn ngừa và loại bỏ nhiều tác nhân sinh hôi miệng như: Sự giải phóng sunfua từ hoạt động phân giải protein của vi khuẩn Gram âm kỵ khí; mảng bám; cao răng.

Việc vệ sinh răng miệng chỉ được coi là đạt chuẩn khi bạn tiến hành như sau: Đánh răng bằng bàn chải mềm và kem đánh răng kháng khuẩn 2 – 3 lần mỗi ngày, sau khi ăn nửa giờ. Khi đánh, chỉ chải tròn hoặc dọc, không chải ngang. Đặt bàn chải nghiêng 45 độ so với viền nướu đối với răng cửa và đặt bàn chải song song bề mặt răng đối với răng hàm. Sau khi đánh răng, nên sử dụng thêm chỉ nha khoa và tăm nước để vệ sinh các vùng bàn chải không thể vệ sinh. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng cả dung dịch kháng khuẩn hoặc nước muối sinh lý để súc miệng. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa răng hàm mặt để lấy cao răng định kỳ.

– Điều trị dứt điểm các bệnh lý răng miệng (bệnh lý răng, cá vùng xung quanh răng, xương hàm, lưỡi,…), bệnh lý mũi họng, bệnh lý đường hô hấp, bệnh lý đường tiêu hóa. Đối với các bệnh lý mãn tính không thể giải quyết triệt để như bệnh lý tiểu đường, suy gan, suy thận, hội chứng mùi cá ươn,… hãy cố gắng kiểm soát chúng. Để làm được điều này, bệnh nhân không thể “tự mày mò” ở nhà mà cần phải thăm khám và xử lý với chuyên gia.

– Uống đủ 1,5 – 2l nước mỗi ngày để hạn chế tình trạng hôi miệng.

– Ngừng hút thuốc lá.

– Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: Ăn ít thực phẩm giàu đạm, giàu chất béo, chế phẩm từ sữa, rượu, thực phẩm nặng mùi như hành, tỏi, mắm tôm,… Ăn nhiều rau củ và trái cây.

Hôi miệng làm sao hết? Để khỏi hôi miệng, cần thăm khám với chuyên gia

Hôi miệng làm sao hết? Để hết hôi miệng, cần thăm khám và điều trị với chuyên gia

Có một vấn đề là làm thế nào bệnh nhân biết vì sao mình bị hôi miệng để áp dụng phương pháp điều trị thích hợp. Cách duy nhất để biết chắc chắn nguyên nhân gây hôi miệng là thăm khám với chuyên gia nha khoa và các chuyên gia bệnh lý khác. Chính vì vậy, nếu bị hôi miệng và muốn điều trị dứt điểm tình trạng đó, việc đầu tiên bệnh nhân nên làm là đến các cơ sở y tế.

Câu trả lời cho câu hỏi hôi miệng làm sao hết đã được chia sẻ phía trên. Hy vọng rằng với chúng, bạn sẽ có một hơi thở thơm tho. Nếu còn thắc mắc, liên hệ ngay Thu Cúc TCI để được giải đáp chi tiết, bạn nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital