Chuyên gia giải đáp: Có nên bọc răng sứ không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Đỗ Thị Tú Anh

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt

Nhiều năm gần đây, bọc răng sứ trở thành một xu hướng phục hình thẩm mỹ răng phổ biến. Vậy ưu, nhược điểm của bọc răng sứ là gì, có nên bọc răng sứ không?

1. Tổng quan phương pháp bọc răng sứ

1.1. Tìm hiểu răng sứ là gì?

Răng sứ là các đơn vị răng được làm bằng chất liệu sứ, nhằm tái tạo và phục hồi lại tính thẩm mỹ, cũng như các chức năng của răng. Tuỳ vào mục đích phục hình răng, răng sứ bao gồm 2 loại:

– Răng sứ cố định: Là những răng được gắn cố định lên răng thật hoặc trên trụ implant;

– Răng sứ tháo lắp: Là những răng sứ trên hàm giả, người dùng có thể tháo ra lắp vào.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại răng sứ, được phân loại dựa vào chất liệu. Mỗi loại răng sứ đều có ưu và nhược điểm khác nhau. Do đó, tùy vào nhu cầu, tình trạng và khả năng tài chính mà nha sĩ sẽ tư vấn loại răng sứ phù hợp. Răng sứ thường được làm từ các chất liệu sau:

– Kim loại: Crom-Coban, Cr-Ni, vàng, titanium…

– Sứ: Sứ thuỷ tinh, sứ thiêu kết (sứ đắp), sứ kim loại…

– Zirconia: Đây là oxit của nguyên tố kim loại Zirconium (ZrO2). Tùy theo mục đích và chỉ định của nha sĩ đối với cầu mão răng sứ, các vật liệu này có thể kết hợp với nhau sao cho phù hợp.

Răng sứ là các đơn vị răng được làm bằng chất liệu sứ, nhằm tái tạo và phục hồi lại tính thẩm mỹ, cũng như các chức năng của răng.

Răng sứ là các đơn vị răng được làm bằng chất liệu sứ, nhằm tái tạo và phục hồi lại tính thẩm mỹ, cũng như các chức năng của răng.

1.2. Tìm hiểu bọc răng sứ là gì?

Bọc răng sứ hay còn được gọi là chụp răng sứ, là một điều trị phục hình răng, nhằm tái tạo lại vẻ thẩm mỹ cũng như phục hồi các chức năng của các răng bị sâu, vỡ mẻ, mòn hoặc mất răng…

Để thực hiện bọc răng sứ thì cần phải có hai bộ phận là cùi răng và răng sứ:

– Cùi răng là chiếc răng thật sau khi được mài thành hình khối nhỏ hơn, giúp răng sứ có không gian bọc ra ra ngoài. Cùi răng được mài nhỏ nhưng vẫn phải đảm bảo độ dày và độ lưu giữ (độ cao, khoảng cách giữa các răng..) để đảm bảo sự gắn kết lâu dài với răng sứ.

– Răng sứ giống như một chiếc mũ, được tạo riêng cho mỗi người tại các phòng lab, sao cho vừa vặn với cùi răng đã mài. Để làm được điều này, trước khi tiến hành bọc răng sứ, nha sĩ sẽ thực hiện lấy dấu răng. Tuỳ vào mục đích, tình trạng, bọc răng sứ bao gồm hai loại sau:

+ Mão răng: Dùng trong phục hình răng đơn lẻ, có thể gắn lên răng thật hoặc trụ implant.

+ Cầu răng: Là phương pháp phục hình cho người mất răng, với cấu trúc gồm 2 mão răng 2 bên và 1 răng giả ở giữa. 2 mão răng 2 bên sẽ đặt vào 2 trụ là 2 cùi răng ở 2 bên răng bị mất, răng giả ở giữa sẽ đặt vào đúng vị trí răng đã mất.

Cầu răng sứ là phương pháp phục hình cho người mất răng.

Cầu răng sứ là phương pháp phục hình cho người mất răng.

1.3. Những ai nên bọc răng sứ?

Bọc răng sứ thường được nha sĩ chỉ định cho các trường hợp sau:

– Răng bị sâu răng phá hủy;

– Răng bị gãy vỡ;

– Răng chết tủy;

– Răng có miếng trám quá lớn, khiến cho cấu trúc răng còn lại bị yếu;

– Răng bị nứt, mẻ, mòn…

– Răng bị nhiễm màu hoặc có hình dạng bất thường;

Ngoài ra, những trường hợp nên thực hiện lắp cầu răng sứ bao gồm:

– Mất răng và có nhu cầu và đủ điều kiện để thực hiện trồng răng cố định;

– Không đủ chi phí để thực hiện cấy ghép implant;

– Không thể hoặc không muốn phục hồi răng tháo lắp;

– Phục hồi răng giúp tái lập khớp cắn toàn hàm, đặc biệt là những người bị mòn răng, mất các răng xen kẽ…

– Muốn thực hiện lắp cầu răng, kết hợp thẩm mỹ răng sứ.

Những người gặp bị nứt mẻ, vỡ răng, sâu răng, chết tuỷ hoặc răng nhiễm màu... đều có thể thực hiện bọc răng sứ.

Những người gặp bị nứt mẻ, vỡ răng, sâu răng, chết tuỷ hoặc răng nhiễm màu… đều có thể thực hiện bọc răng sứ.

2. Có nên bọc răng sứ không?

Có lẽ “có nên bọc răng sứ không” là thắc mắc của rất nhiều người. Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu chi tiết ưu và nhược điểm của phương pháp bọc răng sứ.

2.1. Ưu điểm của phương pháp bọc răng sứ hoặc cầu răng sứ

– Mão răng sứ giúp bảo vệ răng thật khỏi sâu răng;

– Giúp răng bị mòn không bị ăn mòn hoặc mài mòn thêm;

– Bảo vệ các răng chết tủy không bị vỡ nứt sau điều trị tủy;

– Bảo tồn các phần răng bị nứt;

– Giúp thẩm mỹ nụ cười nhờ thay đổi hình dáng và màu sắc răng cũ;

– Tuổi thọ trung bình cao, từ 5 – 15 năm, ít phải sửa chữa, nếu người bệnh lựa chọn chất liệu sứ cao cấp và có chế độ chăm sóc nghiêm ngặt, đúng cách;

– Nhiều nghiên cứu đã chứng minh điều trị phục hình răng bằng mão răng có tỷ lệ thành công cao hơn các chỉ định khác;

– Răng sứ có màu sắc đa dạng, đem lại vẻ thẩm mỹ như răng thật;

– Đối với các răng mất, cầu răng sứ giúp phục hồi được cả chức năng và thẩm mỹ;

Có nên bọc răng sứ không?

Có nên bọc răng sứ không?

2.2. Nhược điểm của phương pháp bọc răng sứ hoặc cầu răng sứ

– Cần phải mài nhỏ răng thật, làm mất đi nhiều mô răng mà không thể khôi phục lại được;

– Trải nghiệm ăn uống không được thuận tiện sau khi lắp răng sứ bởi cảm giác lạ, cộm, chưa quen… Tuy nhiên, những cảm giác này sẽ nhanh chóng biến mất sau một thời gian;

– Nếu chọn răng sứ chất lượng thấp thì dễ bị mẻ sứ. Nếu vết mẻ có kích thước bé, nha sĩ sẽ thực hiện sửa tại chỗ. Nếu vết mẻ có kích thước lớn, nha sĩ sẽ phải tháo bỏ răng sứ và thực hiện lại toàn bộ quy trình từ đầu;

– Răng sứ được gắn kết với răng thật nhờ một lớp xi măng trắng. Tuy nhiên, lớp xi măng đó có thể bị tan hoặc lão hoá, khiến cho mão răng bị lỏng. Từ đó, thức ăn thừa dễ bị mắc kẹt, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây ra các bệnh lý răng miệng;

– Trong trường hợp người bệnh lựa chọn lắp răng sứ kim loại thì có nguy cơ bị dị ứng;

– Đối với những người bị nứt vỡ hoặc mẻ răng, mòn răng, sâu răng… thì phương pháp phục hình bằng răng sứ có chi phí cao hơn việc trám răng;

– Nguy cơ viêm nướu: Nguyên nhân có thể là do mão răng sứ đặt sai vị trí, xâm lấn sinh học, không khít sát với cùi răng… Bệnh hoàn toàn có thể tiến triển thành viêm nha chu và gây mất răng. Do đó, khi thấy phần nướu xung quanh mão răng sứ bị sưng đỏ hoặc chảy máu thì cần tới gặp nha sĩ để được điều trị kịp thời và hiệu quả.

Bọc răng sứ sần phải mài nhỏ răng thật, làm mất đi nhiều mô răng mà không thể khôi phục lại được.

Bọc răng sứ sần phải mài nhỏ răng thật, làm mất đi nhiều mô răng mà không thể khôi phục lại được.

3. Kết luận

Trên đây là những phân tích chi tiết về các ưu điểm và nhược điểm của phương pháp bọc răng sứ. Hy vọng, qua những thông tin trên, người bệnh đã hiểu hơn về phương pháp này, từ đó có thể tự đưa ra cân nhắc kỹ lưỡng xem có nên bọc răng sứ không. Đừng quên tới cơ sở y tế uy tín để được thăm khám tình trạng răng và nhận tư vấn phù hợp!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital