Chụp X quang ổ bụng là phương pháp thông dụng để kiểm tra các cơ quan và cấu trúc trong bụng, nhằm tìm nguyên nhân gây tình trạng đau bụng, chướng bụng, buồn nôn,… Phương pháp cho kết quả nhanh chóng, kịp thời giúp các bác sĩ có thể phát hiện và chẩn đoán ngay cho người bệnh. Để hiểu rõ hơn về phương pháp này, hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp này trong bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về phương pháp chụp X quang ổ bụng
1.1. Nguyên lý hoạt động của phương pháp chụp X quang ổ bụng
Chụp Xquang ổ bụng là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được áp dụng phổ biến trong nhiều thập kỷ qua giúp tạo ra hình ảnh rõ nét về cấu trúc ổ bụng bên trong. Từ hình ảnh chụp X quang, bác sĩ sẽ chẩn đoán, theo dõi và điều trị các bệnh lý liên quan đến các cơ quan bên trong ổ bụng. Ngoài ra, chụp X quang còn giúp phát hiện dị vật bị nuốt vào trong bụng và sẽ cho biết vị trí của vật đó.
Nguyên lý hoạt động của chụp X quang dựa trên bức xạ của chùm tia X. Sau khi đi qua cơ thể, chùm tia X sẽ chiếu vào một tấm phim hoặc máy dò đặc biệt để tạo ra hình ảnh bên trong ổ bụng. Hình ảnh hiện trên phim chiếu cụ thể:
– Các phần cứng như xương ngăn chặn nhiều bức xạ sẽ hiển thị dưới dạng vùng trắng trên nền đen.
– Các mô mềm ngăn chặn ít bức xạ hơn sẽ có màu xám.
– Những khối u thường dày đặc hơn các mô mềm xung quanh, vì vậy sẽ có màu xám nhạt hơn.
– Các cơ quan chủ yếu là không khí thường có màu đen.
1.2. Chụp X quang ổ bụng có ảnh hưởng đến sức khỏe không?
Tuy lợi ích mà phương pháp chụp X quang mang lại nhiều hơn hẳn so với rủi ro, nhưng người bệnh vẫn cần lưu tâm đến những ảnh hưởng có thể xảy ra của phương pháp này đối với sức khỏe:
– Các tia bức xạ X từ máy chụp X quang có thể tăng nguy cơ dẫn đến ung thư nếu sử dụng với tần suất nhiều lần. Vì vậy, người bệnh không được tự ý chụp X-quang mà phải có chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Ngoài ra, nên chụp ở những cơ sở y tế có máy móc hiện đại, bởi vì các thiết bị cũ thì khả năng ảnh hưởng của tia X lên cơ thể là rất cao.
– Ảnh hưởng của tia X không tốt dành cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.
– Tình trạng dị ứng với thuốc cản quang, tuy nhiên đây là tình trạng khá là hiếm gặp. Nếu có tình trạng như bị đau, sưng hoặc tấy đỏ tại vị trí tiêm, buồn nôn, mệt mỏi sau khi uống dung dịch chứa chất cản quang, hãy tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ.
2. Quy trình thực hiện chụp X-quang ổ bụng như thế nào?
2.1. Trước khi chụp
Quy trình chụp X quang vùng ổ bụng khá đơn giản nên không cần chuẩn bị quá nhiều trước khi chụp. Người khám chỉ cần lưu ý những điều sau:
– Nhịn ăn trước khi chụp. Vì vậy, bệnh nhân nên thực hiện chụp X quang vào buổi sáng để không phải nhịn đói quá lâu.
– Mặc trang phục chụp chuyên dụng của bệnh viện, đồng thời cởi bỏ đồ trang sức hoặc vật dụng làm bằng kim loại khỏi cơ thể.
– Nếu trong người có gắn các thiết bị y tế bằng kim loại bên trong cơ thể như van tim nhân tạo, máy tạo nhịp tim, khớp nhân tạo, ốc tai điện tử,.. hãy trao đổi ngay với bác sĩ để tìm hướng xử lý.
2.2. Trong khi chụp
Khi bước vào phòng chụp, kỹ thuật viên chụp sẽ hướng dẫn quy trình và các việc cần thực hiện. Họ sẽ cho biết cách định vị cơ thể để tạo ra hình ảnh rõ ràng. Họ có thể yêu cầu người khám nằm, ngồi hoặc đứng ở một số tư thế trong quá trình kiểm tra. Dù ở tư thế nào, người khám cũng phải giữ cơ thể bất động trong lúc chụp để phim chụp cho ra hình ảnh rõ ràng nhất.
2.3. Sau khi chụp
Khi hình ảnh X quang đảm bảo yêu cầu, quá trình chụp sẽ kết thúc và người bệnh có thể thay quần áo trở lại. Sau khi chụp, kết quả sẽ được trả cho bác sĩ trực tiếp đang khám. Từ kết quả bác sĩ sẽ có phán đoán, chẩn đoán chính xác nhất và chỉ định người bệnh thực hiện các chẩn đoán hình ảnh bổ sung nếu cần. Chẳng hạn, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm chụp CT, MRI, làm xét nghiệm máu hoặc tiến hành các chẩn đoán lâm sàng khác.
3. Chỉ định và chống chỉ định khi chụp X quang ổ bụng
3.1. Các trường hợp chỉ định chụp X quang vùng ổ bụng
– Đánh giá và theo dõi nguyên nhân gây triệu chứng ở bụng như: chướng bụng, đau bụng, buồn nôn, ói mửa liên tục.
– Đánh giá viêm ruột hoại tử và các bất thường đường tiêu hóa bẩm sinh
– Theo dõi bệnh nhân sau phẫu thuật, bao gồm phát hiện các dị vật phẫu thuật giữ lại do vô ý
– Đánh giá và theo dõi sỏi túi mật, thận, bàng quang và đường tiết niệu, bao gồm cả đánh giá bệnh nhân tán sỏi
– Đánh giá phát hiện dị vật bị nuốt vào trong bụng và sẽ cho biết vị trí của vật
– Đánh giá hơi tự do trong bụng
– Tìm nguyên nhân gây đau lưng dưới 2 bên cột sống thông qua đánh giá kích thước, hình dạng và vị trí của gan, thận, lá lách
– Xác nhận vị trí thích hợp đặt thiết bị, đặc biệt là ống trong điều trị như: ống nuôi dưỡng trong dạ dày, ống dẫn lưu dạ dày, ống thông dùng để lọc máu, shunt dẫn lưu dịch từ não vào dạ dày,…
3.2. Các trường hợp chống chỉ định chụp X quang vùng ổ bụng
Không có chống chỉ định tuyệt đối dành cho đối tượng chụp X quang. Tuy nhiên, với những trường hợp sau không nên thực hiện phương pháp này:
– Phụ nữ đang mang thai, đặc biệt là trong ba tháng đầu thai kỳ
– Người bệnh đang ở giai đoạn nghiêm trọng của bệnh lý
– Người bệnh đang bị tràn khí màng phổi hoặc chảy máu
Với những trường hợp có chỉ định tiêm chất cản quang, những đối tượng sau không nên thực hiện:
– Đái tháo đường ở giai đoạn mất bù
– Suy gan/ thận
– Mẫn cảm/ dị ứng với các chất chứa iốt
– Mắc các bệnh lý tuyến giáp
– Phụ nữ đang cho con bú
Ngoài những điều trên người bệnh cũng cần lưu ý việc chọn lựa một cơ sở y tế uy tín để tiến hành chụp X quang ổ bụng. Nếu chọn được cơ sở y tế lớn với hệ thống trang thiết bị hiện đại, quá trình chụp X-quang của người bệnh sẽ diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe. Hiện nay, Hệ thống y tế Thu Cúc TCI đang triển khai đa dạng dịch vụ chụp X-quang toàn diện với hệ thống máy chụp hiện đại đảm bảo chất lượng. Thời gian chụp nhanh chóng, bệnh nhân không phải chờ đợi quá lâu.
Trên đây là những thông tin về phương pháp chụp X-quang ổ bụng, mong rằng những thông tin trên phần nào đã giúp bạn đọc hiểu hơn về phương pháp chẩn đoán hình ảnh thông dụng này.