Chụp X quang liên tục có sao không, những điều cần lưu ý

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Trần Hoàng Tùng

Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh

Ngày nay, có lẽ hầu hết mọi người không còn xa lạ với cụm từ “chụp X quang”. Đây là một phương pháp chẩn đoán rất phổ biến và có vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực y tế. Thế nhưng chụp X quang liên tục có sao không, cần lưu ý những gì khi đi chụp X quang. Cùng hệ thống lại một số thông tin hữu ích về kỹ thuật chẩn đoán này trước khi trả lời câu hỏi trên nhé.

1. Chụp X quang là gì?

1.1. X quang là gì?

X quang, hay tia X là một dạng của sóng điện từ với bước sóng ngắn và có bức xạ năng lượng cao. Tia X có khả năng đâm xuyên mạnh, truyền qua được nhiều loại vật chất kể cả gỗ hay kim loại. Chúng cũng có thể làm phát quang một số chất và tác dụng mạnh lên kính ảnh.

Chính vì thế, tia X thường được ứng dụng trong chụp ảnh y tế, nghiên cứu tinh thể hay kiểm tra hành lý của hành khách trong ngành hàng không.

1.2. Chụp X quang là gì?

Chụp X quang là một phương pháp quan trọng trong chẩn đoán hình ảnh, được dùng rộng rãi để khảo sát xương khớp, tim mạch và một số mô khác.

Muốn chụp X quang thì yêu cầu bắt buộc là phải có máy chụp X quang, đây là loại máy có khả năng phát ra các chùm tia X. Khi sử dụng máy chụp X quang, các chùm tia X này sẽ đi xuyên qua bề mặt cơ thể, xuyên qua các mô mềm và qua cả những dịch chất nhưng bị cản lại bởi các mô cứng hơn như xương, sụn, khớp. Nhờ vậy nên những bộ phận này sẽ hiển thị rất rõ nét trên phim X quang đen trắng.

Thông qua những hình ảnh thu được trên phim X quang, bác sĩ có thể quan sát và phát hiện ra các điểm bất thường trên cơ thể người bệnh mà mắt thường không quan sát được, từ đó đưa ra các chẩn đoán chính xác về bệnh.

Chụp X quang liên tục - bác sĩ đọc kết quả chụp

Bác sĩ đọc kết quả trên phim chụp X quang để tư vấn cho người bệnh

2. Khi nào thì cần chụp X quang?

Chụp X quang được các bác sĩ cân nhắc chỉ định khi chẩn đoán nhiều loại bệnh lý khác nhau, thường liên quan đến cơ xương khớp, tim mạch và hô hấp:

  • Kiểm tra các khu vực trên cơ thể bị đau bất thường hoặc bị va đập, chấn thương
  • Người bệnh có các triệu chứng của bệnh liên quan đến răng và cơ xương khớp như gãy xương, viêm nhiễm, viêm xương, viêm khớp, thoái hóa khớp, chấn thương xương khớp, u xương,…
  • Thăm khám bệnh về hô hấp: tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, viêm phổi, lao phổi, u phổi,…
  • Các bệnh về tim mạch, bệnh lý sỏi tiết niệu và nhiều các bệnh lý khác
  • Chụp X quang cũng được sử dụng khi theo dõi tiến triển của bệnh và khi đánh giá hiệu quả điều trị bệnh
Chụp X quang liên tục - bệnh cơ xương khớp

Chụp X quang giúp chẩn đoán chính xác các bệnh về cơ xương khớp

Tuy ngày càng trở nên phổ biến nhưng chụp X quang vẫn chống chỉ định cho phụ nữ mang thai nhằm hạn chế tối đa tác động của tia X lên sự phát triển của thai nhi. Trong trường hợp phụ nữ mang thai cần chẩn đoán các vấn đề sức khỏe hoặc tai nạn bất chợt thì vẫn có thể chụp nhưng phải nghe theo chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ.

3. Trước khi chụp X quang nên chuẩn bị những gì?

Nhiều người lo lắng không biết cần làm những gì trước khi thực hiện chụp X quang, trên thực tế, bạn không cần phải chuẩn bị gì nhiều. Để kỹ thuật chẩn đoán này mang lại hiệu quả cao nhất, bạn chỉ cần ghi nhớ một số lưu ý sau:

  • Nên cởi quần áo, để lộ vị trí cần chụp X quang hoặc mặc áo choàng của bệnh viện để các tổn thương được bộc lộ rõ ràng trên phim chụp
  • Tháo bỏ toàn bộ trang sức, vật dụng bằng kim loại vì chúng có thể cản trở quá trình chụp chiếu
  • Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, một số trường hợp người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định tiêm hoặc uống thuốc cản quang
  • Nếu người bệnh cần chụp X quang thực quản, dạ dày, tá tràng, đại tràng,… thì bác sĩ sẽ thực hiện thụt tháo và làm sạch ruột trước khi chụp

4. Những điều cần lưu ý khi chụp X quang liên tục

4.1. Tác động của chụp X quang lên cơ thể

Chụp X quang thông thường không hề nguy hiểm cho sức khỏe nhưng nếu chụp không đúng cách thì có thể sẽ gây ra những tác động không mong muốn trên cơ thể. Thực tế, các cơ quan dễ bị ảnh hưởng bởi tia X nhất là da, tủy xương, tuyến giáp và bộ phận sinh dục.

Chính vì những nguy cơ này, kỹ thuật chụp X quang cần được thực hiện trong điều kiện an toàn, tuân thủ chặt chẽ các quy định về phòng chụp, trang thiết bị đạt chuẩn cùng một đội ngũ nhân viên, y bác sĩ được trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết.

Đặc biệt, khi diện tích phòng chụp X quang quá nhỏ so với tiêu chuẩn thì ngoài chùm tia X được chiếu vào bộ phận cần chụp để xác định bệnh, cơ thể người chụp còn phải chịu thêm một phần bức xạ bị tán xạ ngược trở lại.

Tuy nhiên, lượng tia X được sử dụng cho các máy chụp X quang vẫn nằm trong giới hạn an toàn. Bên cạnh đó, phòng chụp X quang cũng có những thiết bị hấp thụ tia tán xạ, giảm thiểu tối đa những tác hại xấu mà tia X có thể ảnh hưởng đến người chụp.

4.2. Những điều cần lưu ý khi chụp X quang liên tục

Chụp X quang thông thường và đúng mực không gây tác động xấu đến sức khỏe nhưng nếu người bệnh lạm dụng chụp X quang (thời gian chụp mỗi lần kéo dài, chụp X quang liên tục trong một thời gian) thì tia X với cường độ mạnh sẽ gây ra những tổn hại nhất định.

Việc thực hiện chụp X quang liên tục có thể làm người bệnh bỏng da, rụng tóc. Các chức năng sinh lý của cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng nếu bạn chụp X quang liên tục.

Theo lời khuyên từ giới chuyên môn, bạn chỉ nên chụp X quang khoảng 5-7 lần trong một năm và nên có thời gian cách quãng giữa mỗi lần chụp. Quan trọng nhất là chỉ nên chụp X quang khi việc đó thật sự cần thiết và theo chỉ định bắt buộc của bác sĩ. Nếu đảm bảo được điều này thì chụp X quang sẽ hoàn toàn vô hại với cơ thể.

Lưu ý khi chụp X quang liên tục

Nên chụp X quang theo chỉ định cụ thể của bác sĩ với với trang thiết bị đạt chuẩn

Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng và sâu sắc hơn về phương pháp chụp X quang trong chẩn đoán bệnh cũng như ý thức được những tác động có hại đến sức khỏe nếu lạm dụng chụp X quang liên tục.

Hãy luôn tham khảo kỹ ý kiến của các bác sĩ chuyên môn trước khi thực hiện chụp X quang để vừa đạt được hiệu quả chẩn đoán bệnh chính xác nhất vừa an toàn cho chính cơ thể bạn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital