Chụp CT và chụp MRI khác nhau như thế nào?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Trần Hoàng Tùng

Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh

Chụp CT và chụp MRI là hai kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại nhất hiện nay. Cả hai đều là những phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, tạo ra hình ảnh cấu trúc bên trong cơ thể con người và hỗ trợ hiệu quả cho bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Vậy hai phương pháp này có gì khác biệt và nên lựa chọn phương pháp nào hơn? Hãy cùng tham khảo bài viết để có câu trả lời phù hợp nhất!

1. Chụp CT Scan là gì?

Chụp CT (Computed Tomography) Scan hoặc CAT (Computed Axial Tomography) Scan là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh trong tiếng Việt còn gọi là chụp cắt lớp vi tính. Chụp CT cũng sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh lát cắt ngang, sau đó tái tạo đa mặt phẳng và tạo thành hình ảnh 3D của cấu trúc bộ phận cơ thể. Tuy cùng sử dụng tia X để thu thập hình ảnh nhưng chụp CT Scan cung cấp hình ảnh chi tiết hơn nhiều so với X-Quang tiêu chuẩn. Chụp CT thường được sử dụng để chẩn đoán khi gãy xương, có khối u, chảy máu trong…

Trước khi tìm hiểu sự khác biệt giữ chụp CT và chụp MRI, hay đọc qua về từng phương pháp một nhé!

Phương pháp chụp CT Scan

1.1. Ưu điểm của phương pháp chụp CT Scan

– Có độ chính xác và tương phản cao, cho phép phân biệt mức độ tổn thương thông qua những khác biệt có độ đậm rất nhỏ, mang lại giá trị chẩn đoán cao.

– Chụp được nhiều góc độ và cho nhiều lát cắt, tránh bỏ sót những tổn thương nhỏ.

– Thời gian chụp nhanh, thường chụp mất 3 đến 5 phút và nhận kết quả sau khoảng 20 đến 30 phút đồng hồ. Cực kỳ phù hợp trong định hướng điều trị cho bệnh nhân đang cấp cứu hoặc đánh giá các bộ phận di động như gan, tim, ruột, phổi,…

– Thích hợp và an toàn với nhiều đối tượng người bệnh. Kể cả bệnh nhân không phù hợp chụp MRI như: người đặt van tim kim loại, người có dị vật là kim loại bên trong cơ thể, người đặt tạo nhịp tim hoặc máy trợ thính cố định.

1.2. Nhược điểm của phương pháp chụp CT Scan

– Có thể gây nhiễm xạ từ mức trung bình đến cao. Đặc biệt không an toàn với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.

– Với một số trường hợp sử dụng thuốc cản quang có thể xảy ra các phản ứng phụ không mong muốn từ nhẹ đến nặng, thậm chí còn có thể gây sốc phản vệ.

– Nếu trong trường hợp cơ quan chụp và tổn thương có cùng độ đậm thì chụp cắt lớp vi tính sẽ không phát hiện được tổn thương.

– Hình ảnh chụp CT Scan còn hạn chế đối với các bệnh lý như gân, cơ, dây chằng,… các thương tổn nhỏ ở tủy sống hay tuyến tùng.

2. Chụp cộng hưởng từ MRI là gì?

Chụp MRI là viết tắt của “Magnetic Resonance Imaging” hay trong tiếng Việt còn gọi là chụp cộng hưởng từ. Phương pháp chụp MRI sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tác động lên các Hydrogen trong cơ thể. Khi bị tác động bởi một từ trường bên ngoài, các Hydrogen này sẽ biến đổi và phát ra các tín hiệu. Những tín hiệu này sẽ được gửi đến máy tính, chuyển đổi những tín hiệu này thành hình ảnh 3D các bộ phận trong cơ thể.

Phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI

Phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI

2.1. Ưu điểm của phương pháp chụp MRI

– Người bệnh khi chụp sẽ không bị ảnh hưởng bởi tia xạ như những phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác, là phương pháp đảm bảo an toàn cao.

– Chụp đa lát cắt, hình ảnh chụp ra có độ tương phản và sắc nét cao giúp ích cho phẫu thuật và chẩn đoán. Đặc biệt đem lại độ phân giải hình ảnh mô mềm cao.

– Hình ảnh được chụp cộng hưởng từ có giá trị cao trong việc chẩn đoán, có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường ở giai đoạn đầu mà các phương pháp khác không thực hiện được.

– Là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay trong việc khảo sát não, tủy sống và xương khớp.

2.2. Nhược điểm của phương pháp chụp MRI

– Thời gian chụp dài nên sẽ gặp khó khăn với những bệnh nhân nặng hoặc không hợp tác hoặc trong trường hợp bệnh nhân đang cần cấp cứu.

– Không thể mang theo thiết bị hồi sức trong suốt quá trình chụp.

– Đánh giá các tổn thương xương hoặc những tổn thương có canxi bằng phương pháp chụp MRI thường hạn chế.

3. Chụp CT và chụp MRI khác nhau như thế nào?

3.1. So sánh phương pháp chụp CT và chụp MRI

Dưới đây là những yếu tố so sánh giữa hai phương pháp chụp CT và chụp MRI.

– Thời gian: Chụp CT có thời gian chụp nhanh hơn MRI. Chính vì vậy mà chụp CT thường được sử dụng trong cấp cứu, đặc biệt là trong chấn thương sọ não, ổ bụng. Còn chụp MRI mô tả được cấu trúc cơ thể chi tiết và cụ thể hơn nên thường được ứng để kiểm tra các bất thường.

– Chất lượng hình ảnh: Chụp MRI cho hình ảnh rõ nét hơn do có độ tương phản cao hơn so với chụp CT Scan.

– Chi phí: Chụp MRI có chi phí cao hơn so với chụp CT Scan.

– Vai trò: Chụp CT Scan được chỉ định sau các va đập, chấn thương, dùng để đánh giá hộp sọ, vôi hóa, vật kim loại,… Chụp MRI được chỉ định với bệnh nhân có biểu hiện đau đầu, đau nặng đầu kéo dài, phát hiện có khối u, dị dạng trong mạch máu não, thoái hóa chất trắng, co giật, động kinh…

– Ảnh hưởng với kim loại: Chụp CT không bị ảnh hưởng bởi kim loại, kể cả kim loại có cơ thể bệnh nhân. Ngược lại, với chụp MRI, nếu có kim loại trong cơ thể bệnh nhân, điều này sẽ gây nhiễu từ và làm cho hình ảnh thu về không được rõ nét. Đồng thời, nếu bệnh nhân có sử dụng các thiết bị hỗ trợ bệnh có kim loại như đặt máy đo nhịp tim sẽ không được thực hiện chụp MRI.

– Đánh giá phần bị xương che khuất: Chụp CT không đánh giá được những phần bị xương che khuất, trong khi đó, chụp MRI lại đảm nhiệm được những phần này.

– Khả năng nhiễm bức xạ: Chụp cắt lớp vi tính sử dụng tia X nên có khả năng sẽ gây nhiễm xạ cho người bệnh. Ngược lại, chụp MRI không sử dụng tia bức xạ (Tia X) nên kỹ thuật này an toàn hơn, đặc biệt là đối với trẻ em, bà bầu và các bệnh nhân cần thực hiện chụp nhiều lần.

3.2. Chụp CT và chụp MRI, phương pháp nào an toàn hơn?

Như đã được phân tích ở trên, tùy thuộc vào mục đích khám và tình trạng bệnh lý của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp chụp CT hay chụp MRI. Vì vậy khi chọn đúng phương pháp sẽ đảm bảo an toàn nhất cho bệnh nhân khi thăm khám. Dưới đây là những lưu ý với cả hai phương pháp để người bệnh có thể cân nhắc lựa chọn phương pháp phù hợp và đảm bảo an toàn:

– Chụp MRI an toàn, mức độ rủi ro rất thấp, và an toàn với nhiều đối tượng như trẻ em và bà bầu, nhưng để đảm bảo an toàn phụ nữ mang thai 3 tháng đầu không nên chụp MRI. Tuy nhiên, chụp MRI chống chỉ định với những người có cấy ghép kim loại trong cơ thể những chụp CT lại thực hiện được, nên hoàn toàn phù hợp với những bệnh nhân đang đặt đặt máy đo nhịp tim cố định,…

– Do chụp CT sử dụng tia bức xạ X, mặc dù lượng bức xạ từ một lần chụp CT là rất thấp, nhưng phơi nhiễm bức xạ sẽ tăng lên nếu phải chụp liên tục nhiều lần. Vì vậy CT Scan không được khuyến khích chụp cho trẻ em hoặc những người phải chụp liên tục trừ khi thực sự cần thiết. Ngược lại, chụp MRI không sử dụng tia bức xạ nên kỹ thuật này an toàn hơn, đặc biệt là đối với trẻ em, bà bầu và các bệnh nhân cần thực hiện chụp nhiều lần.

Cần phân biệt rõ chụp CT và chụp MRI để lựa chọn phương pháp phù hợp với bản thân

Ngoài ra, người bệnh nên lựa chọn cơ sở khám bệnh uy tín để đảm bảo quá trình thăm khám an toàn và hiệu quả

Ngoài ra, người khám cũng nên lựa chọn cơ sở uy tín để thực hiện chụp CT Scan hay chụp cộng hưởng từ để đảm bảo an toàn thông suốt quá trình thăm khám. Hiện nay, hai kỹ thuật này đều được sử dụng tại Hệ thống y tế Thu Cúc TCI với sự đầu tư về trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ cũng như trang thiết bị máy móc y tế hiện đại, tiên tiến trên thế giới. Tùy vào tình trạng bệnh, các bác sĩ tại Thu Cúc sẽ chỉ định phương pháp chụp phù hợp và an toàn nhất cho bệnh nhân khi đến thăm khám. Bệnh nhân hoàn toàn có thể an tâm khi lựa chọn thăm khám tại đây!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital