Chụp CT sọ não có ưu điểm gì? Có gây ảnh hưởng không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Trần Hoàng Tùng

Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh

Chụp CT sọ não, hay còn gọi là chụp cắt lớp vi tính sọ não, là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được tiến hành khi thăm khám và điều trị các bệnh lý ở vùng đầu và mặt. Vậy kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này có ưu, nhược điểm gì? Có gây ảnh hưởng không?

1. Chụp CT sọ não là gì?

Chụp CT sọ não, hay còn gọi là chụp cắt lớp vi tính sọ não, là phương pháp chẩn đoán hình ảnh dùng tia X để chụp hình ảnh mặt và đầu. Phương pháp chụp này sẽ cung cấp hình ảnh về mắt, tai trong, xương mặt và khoang chứa khí (xoang) trong xương gần mũi. Do đó, chụp CT sọ não thường được dùng để đánh giá những bệnh lý liên quan đến các bộ phận phần đầu mặt của cơ thể.

2. Ưu và nhược điểm của chụp CT sọ não

2.1. Ưu điểm của chụp CT sọ não

– Chụp CT ít bị ảnh hưởng bởi các chuyển động hơn chụp cộng hưởng từ.

– Là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không đau, không xâm lấn với độ chính xác cao.

– Chi phí của mỗi lần chụp không quá cao nên được chỉ định rộng rãi trong lâm sàng.

– Thời gian xử lý nhanh, đặc biệt là khi cần khảo sát và đánh giá người bệnh nhân phải cấp cứu.

– Chẩn đoán cắt lớp vi tính có thể giúp hạn chế tỷ lệ phẫu thuật sinh thiết và thăm dò bằng phẫu thuật.

– Đánh giá được tất cả các mô như xương, não, mạch máu, mô mềm trong cùng một lần chụp và cho hình ảnh chi tiết.

Chụp CT sọ não là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không đau, không xâm lấn

Chụp CT sọ não là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không đau, không xâm lấn

2.2. Nhược điểm của chụp CT sọ não

– Những tổn thương có cùng độ đậm thì khó phân biệt và khó phát hiện.

– Độ phân giải hình ảnh của chụp CT thấp hơn chụp MRI, đặc biệt là ở các cấu trúc mô mềm. Do đó, chụp CT khó phát hiện được tổn thương có kích thước nhỏ.

– Do có hạn chế về khả năng xuyên mạnh của tia X nên chụp CT khó phát hiện được các tổn thương phần mềm hơn chụp MRI.

3. Chụp cắt lớp vi tính sọ não có gây ảnh hưởng không?

Chụp cắt lớp vi tính sọ não là một kỹ thuật dùng tia X nên có thể gây nhiễm xạ. Tuy nhiên, mức độ nhiễm xạ trong mỗi lần chụp là tối thiểu và nằm trong giới hạn cho phép.

Trong trường hợp bệnh nhân là trẻ em, khi chụp CT cần được hướng dẫn kỹ lưỡng trước khi thực hiện. Nếu trẻ sợ hãi hoặc còn quá nhỏ, bác sĩ có thể cho trẻ uống thuốc an thần giúp trẻ thư giãn. Ngoài ra, người thân và gia đình của trẻ có thể trao đổi với bác sĩ về các yêu cầu của chụp CT và nguy cơ bức xạ gây ảnh hưởng đến trẻ.

4. Có những kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính sọ não nào?

Tùy theo mục đích đánh giá và thăm dò khu vực sọ não mà bác sĩ sẽ áp dụng các kỹ thuật chụp khác nhau, bao gồm:

4.1. Chụp CT song song với đường hốc mắt

Kỹ thuật chụp CT này giúp thể hiện rõ khu vực tiểu não, hệ thống các não thất và hai bán cầu đại não. Ngoài ra, nếu cần xem xét bệnh lý ống tai trong thì sẽ cần chụp cắt lớp đi qua xương đá.

4.2. Chụp theo hướng cắt theo mặt phẳng trán

Khi thực hiện, người bệnh cần nằm ngửa, nằm sấp ưỡn cằm tối đa hoặc ưỡn cổ ra sau ngửa tối đa theo tư thế Hirtz để chụp theo mặt phẳng từ trán đến cằm. Kỹ thuật chụp này sẽ giúp quan sát hệ thống xoang mặt, xoang sàng, xoang bướm và hố yên.

Tùy theo mục đích đánh giá và thăm dò sọ não mà bác sĩ sẽ áp dụng các kỹ thuật chụp CT sọ não khác nhau

Tùy theo mục đích đánh giá và thăm dò sọ não mà bác sĩ sẽ áp dụng các kỹ thuật chụp CT sọ não khác nhau

4.3. Chụp theo hướng cắt phải chếch với đường lỗ tai góc 20 – 25 độ

Có thể giúp bác sĩ thấy rõ khu vực dây thần kinh số 2 và nhãn cầu. Nếu trong trường hợp cần đánh giá u não hoặc nghi ngờ có áp xe, u não, máu tụ mãn tính, ung thư di căn não thì người bệnh cần chụp CT có sử dụng tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch. Thuốc cản quang là một dung dịch tan trong nước, được tiêm qua đường tĩnh mạch và theo mạch máu đi đến khu vực cần chụp.

Ngoài ra, nếu người bệnh cần được đánh giá tình trạng u xương sọ, rạn vỡ xương sọ, lún xương sọ,… thì cần sử dụng kỹ thuật chụp mở cửa sổ xương để đánh giá.

5. Khi nào cần chụp CT sọ não?

Không phải tất cả các bệnh lý hay bất thường tại khu vực sọ não cũng được chỉ định chụp CT. Kỹ thuật này chỉ được chỉ định trong một số trường hợp cần chẩn đoán, đánh giá hoặc phát hiện các vấn đề sau:

– Hẹp sọ, sán não, teo não, não úng thủy.

– U ung thư di căn hoặc u não nguyên căn.

– Đánh giá tình trạng rạn vỡ của xương sọ não.

– Hội chứng tiểu não và u dây thần kinh số VIII.

– Áp xe não: Vị trí, kích thước và đánh giá ảnh hưởng của ổ áp xe.

– Phát hiện các dấu hiệu bệnh lý về nhồi máu não, xuất huyết não.

– Chấn thương sọ não: Đánh giá vị trí, mức độ ảnh hưởng và tổn thương.

Tai biến mạch máu não: Xác định nguyên nhân gây bệnh và cách khắc phục.

– Phát hiện dị vật kim khí, tràn khí não, máu tụ nội sọ (đánh giá tình trạng phù nề mô não kèm theo do dập não).

Hình ảnh chụp CT sọ não

Hình ảnh chụp CT sọ não

6. Quy trình chụp CT sọ não

6.1. Trước khi chụp CT sọ não

– Người bệnh cần tháo bỏ tất cả các vật dụng bằng kim loại trên người để không gây nhiễu khi chụp như kính, kẹp tóc, răng giả, máy trợ thính, đồng hồ đeo tay, trang sức, áo nịt ngực có gọng bằng kim loại,…

– Người bệnh cần thông báo với nhân viên y tế nếu có mắc một số bệnh như thận, tĩnh mạch, hen suyễn, đái tháo đường, dị ứng thuốc.

– Người bệnh cần thông báo với nhân viên y tế nếu nghi ngờ có thai hoặc đang có thai.

– Người nhà hoặc người bệnh ký cam kết nếu cần tiêm thuốc cản quang khi chụp CT sọ não.

– Nếu cần tiêm thuốc cản quang, người bệnh cần nhịn ăn từ 4 – 6 giờ trước khi chụp CT nhưng vẫn có thể uống nước với lượng vừa phải trước khi chụp 2 giờ.

– Nếu người bệnh là trẻ sơ sinh hay mới biết đi, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc an thần để giữ trẻ nằm yên tại vị trí chụp.

6.2. Trong khi chụp CT sọ não

– Người bệnh cần nằm ngửa và nằm yên trên bàn chụp hoặc có thể được yêu cầu nằm theo một số tư thế đặc biệt để phục vụ cho việc chẩn đoán.

– Thời gian chụp thường là 3 – 5 phút. Trong một số trường hợp cần kéo dài hơn, từ 15 – 45 phút thì nhân viên y tế sẽ giải thích thêm trong khi chụp.

– Nếu người bệnh có tiêm thuốc cản quang thì thường xuất hiện cảm giác nóng ở mặt hoặc dọc theo cánh tay. Vì vậy, người bệnh được khuyên cố gắng giữ nguyên tư thế để có hình ảnh rõ nét và tốt nhất.

6.3. Sau khi chụp CT sọ não

– Nếu người bệnh không tiêm thuốc cản quang thì có thể hoạt động ngay sau khi chụp. Có thể ăn uống nếu không phải làm thêm xét nghiệm nào khác.

– Trong trường hợp người bệnh có tiêm thuốc cản quang thì cần uống nhiều nước để có thể làm tăng quá trình đào thải thuốc cản quang ra khỏi cơ thể.

– Nếu sau khi chụp CT, người bệnh thấy có bất thường như mệt, sốt, nôn và buồn nôn, ngứa ngáy, chóng mặt, đỏ da, khó thở,… thì cần thông báo ngay với nhân viên y tế hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital