Chụp cộng hưởng từ MRI: Ưu nhược điểm, khi nào chụp?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Tăng Văn Tuấn

Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh

Chụp cộng hưởng từ MRI là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng, mang đến hình ảnh chi tiết về các cơ quan và cấu trúc bên trong cơ thể. Kết quả chụp MRI không chỉ giúp chẩn đoán và tầm soát các bệnh lý nguy hiểm mà còn là cơ sở để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

1. Chụp cộng hưởng từ MRI là gì?

Chụp cộng hưởng từ hay chụp MRI là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, được áp dụng trong các trường hợp cần phát hiện, chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh.

Chụp MRI sử dụng từ trường mạnh, sóng vô tuyến và máy tính để xác định hình ảnh các mô mềm và bộ phận không xương. Trong chẩn đoán cận lâm sàng, MRI được sử dụng để chụp sọ não; cột sống tại các đoạn cổ, ngực, cột sống và thắt lưng; bụng; mạch máu; vùng chậu; các khớp, xương và mô mềm tại các chi.

Chụp cộng hưởng từ MRI là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng phổ biến hiện nay

Chụp MRI mang đến hình ảnh chi tiết về các cơ quan và cấu trúc bên trong cơ thể

2. Người bệnh được chỉ định chụp MRI khi nào?

Phương pháp chụp cộng hưởng từ tạo ra hình ảnh có độ phân giải cao về cấu tạo bên trong cơ thể và thường được chỉ định trong các trường hợp nghi ngờ hoặc theo dõi bệnh lý tại nhiều cơ quan. Các kỹ thuật chụp MRI bao gồm:

2.1 Chụp mắt, hốc mắt

Áp dụng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh MRI trong chụp mắt, hốc mắt có thể giúp phát hiện các tổn thương của nhãn cầu hoặc các dây thần kinh thị giác.

2.2 Chụp cổ

Chụp MRI vùng cổ được xem là phương pháp mang lại độ chính xác và hiệu quả cao trong việc phát hiện sớm các tổn thương của đám rối thần kinh tại cánh tay. Ngoài ra, chụp MRI vùng cổ còn có thể phát hiện các khối u, hạch bạch huyết hoặc các triệu chứng viêm khác.

2.3 Chụp sọ não

Chụp sọ não được ứng dụng để phát hiện các bệnh lý liên quan tới não bộ, trong đó có thể chia ra một số nhóm bệnh sau:

– U não, viêm não, u dây thần kinh não, thoái hóa chất trắng

– Chảy máu não, nhồi máu não, các vấn đề liên quan tới tai biến mạch máu não

– Chấn thương sọ não, dị dạng mạch máu não, dị tạt bẩm sinh nã

Xác định các tổn thương về não bộ nhờ ứng dụng chụp MRI

Phát hiện khối u não thông qua kỹ thuật chụp MRI sọ não

2.4 Chụp cột sống

Các bệnh lý về cột sống thường được chẩn đoán bằng kỹ thuật chụp MRI nhờ đem lại độ chính xác cao. Một số bệnh lý có thể được phát hiện thông qua chụp MRI như:

– Các bệnh về đĩa đệm thường gặp như thoát vị đĩa đệm, viêm nhiễm đĩa đệm

– Các bệnh lý về cột sống

– Các bệnh về tủy sống như chấn thương, viêm tủy sống, u tủy sống…

2.5 Chụp bụng

Một số bệnh lý thường được áp dụng chụp MRI vùng bụng đó lá:

– Các bệnh về gan, mật như sỏi mật, u gan, u đường mật…

– U tử cung, u buồng trứng, ung thư tuyến tiền liệt

– Các bệnh về thận, tuyến thượng thận, tuyến tụy hoặc lá lách…

2.6 Chụp xương khớp

Người bệnh thực hiện chụp MRI xương khớp có thể giúp phát hiện sớm các bệnh lý như: thoái hóa chấn thương xương khớp, chấn thương dây chẳng, tràn dịch ổ khớp… Đặc biệt, hình ảnh đem lại từ cấu trúc xương, ổ khớp, gân và dây chẳng qua chụp MRI rất rõ nét, chi tiết, giúp quá trình chẩn đoán và điều trị dễ dàng hơn.

Chỉ định chụp cộng hưởng từ MRI trong chẩn đoán các bệnh về xương khớp

Hình ảnh thu được từ phương pháp chụp cộng hưởng từ ở bệnh nhân gặp vấn đề về xương khớp

2.7 Chụp tuyến vú

Chụp MRI tuyến vú là một trong những kỹ thuật nổi trội giúp phát hiện và chẩn đoán chính xác các bệnh liên quan tới viêm nhiễm tại vú, khối u lành tính, khối u ác tính…

2.8 Chụp tim, mạch máu

Một số bệnh lý về tim, mạch máu như bạch huyết, tắc hẹp mạch máu, nhồi máu cơ tim… có thể được phát hiện thông qua chụp MRI tim mạch.

3. Ưu và nhược điểm của kỹ thuật chụp cộng hưởng từ

3.1 Ưu điểm của kỹ thuật chụp cộng hưởng từ MRI

Chụp cộng hưởng từ là một trong những phương pháp chẩn đoán chuyên sâu mang lại nhiều ưu điểm vượt trội.

Thứ nhất, chụp cộng hưởng từ là kỹ thuật không xâm lấn cho phép nghiên cứu, quan sát rõ các đặc điểm bên trong cơ thể con người. Máy chụp MRI cũng không gây hại hay nguy hiểm cho cơ thể của người bệnh trong suốt quá trình quét.

Thứ hai, chụp MRI đó là cho ra nhiều hình ảnh và nhiều góc chụp khác nhau tại một vùng duy nhất trên cơ thể mà không cần sự di chuyển của bệnh nhân trong khi chụp. Cụ thể, có 3 mặt phẳng thu được khi chụp lâm sàng, đó là: mặt phẳng nhỏ, mặt phẳng trục và mặt phẳng vành. Ưu điểm vượt trội này chính là lợi thế công nghệ cao hơn so với các loại máy chụp khác, trong khi máy chụp CT chỉ cho phép giới hạn trong một mặt phẳng duy nhất.

Cuối cùng đó là nhờ sử dụng hơn 250 sắc thái xám mà chụp MRI có hiệu quả cao trong phân biệt các phần khác nhau của mô. Khi đó, máy quét MRI cho ra hình ảnh chất lượng cao, rõ nét và dễ đọc. Nhờ vậy, các bác sĩ có thể dễ dàng nghiên cứu và xác định tình trạng bệnh để đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh.

3.2 Nhược điểm của kỹ thuật chụp cộng hưởng từ MRI

Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, kỹ thuật chụp cộng hưởng từ cũng có một số nhược điểm mà bệnh nhân cần cẩn trọng trong quá trình chụp, đó là:

– Cần sự bất động tuyệt đối từ bệnh nhân: Người bệnh thường được yêu cầu nằm yên trong suốt thời gian chụp MRI. Bởi nếu bệnh nhân có cử động nhỏ cũng có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh và phải thực hiện quét lại từ đầu.

– Không thích hợp với trường hợp khẩn cấp: Chụp MRI diễn ra khá lâu nên chẩn đoán này không thích hợp và áp dụng cho các trường hợp cấp cứu, đòi hỏi cần hình ảnh nhanh chóng và chính xác.

– Chụp MRI tạo ra tiếng ồn lớn: Trong suốt quá trình chụp, bệnh nhân sẽ được sử dụng nút bịt tai hoặc tai nghe để giảm thiểu và hạn chế tiếng ồn.

– Chi phí chụp khá cao: Chụp MRI là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại nên giá trang thiết bị rất cao cũng đồng nghĩa với chi phí cho một lần chụp của mỗi bệnh nhân cũng cao.

4. Một số lưu ý khi thực hiện chụp cộng hưởng từ

Trước khi thực hiện chụp cộng hưởng từ, bệnh nhân sẽ được kỹ thuật viên hướng dẫn và tư vấn một số lưu ý để đảm bảo quá trình chụp diễn ra thuận lợi và cho kết quả chính xác nhất. Một số lưu ý cho người bệnh đó là:

– Không mang trang sức, các đồ vật bằng sắt, thép và vật thể nhiễm từ khác vào phòng chụp.

– Máy MRI có thể làm kích thích thần kinh, tạo ra cảm giác rung hoặc co giật nhẹ.

– Người bệnh có thể gặp phản ứng khi tiêm thuốc cản quang, đặc biệt những bệnh nhân mắc bệnh thận hay phụ nữ cho con bú vì thế những đối tượng này cần thông báo trước khi thực hiện kỹ thuật chụp MRI.

– Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu không nên chụp MRI, trừ khi thực sự cần thiết.

– Người bị hội chứng sợ không gian kín nên trao đổi với bác sĩ để có các biện pháp làm giảm lo lắng, căng thẳng trước khi chụp MRI.

Một số lưu ý khi thực hiện chụp cộng hưởng từ

Người bệnh được tư vấn và theo dõi trong suốt quá trình chụp cộng hưởng từ

Chụp cộng hưởng từ MRI là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh mang lại giá trị cao và cho kết quả chính xác, đặc biệt là trong chẩn đoán bệnh ung thư. Để hạn chế tối đa nguy cơ gây hại tới sức khỏe, người bệnh nên tới các cơ sở y tế uy tín, có các trang thiết bị, máy móc hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm thực hiện chụp MRI.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital