Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) là 1 trong những kỹ thuật không xâm lấn giúp hỗ trợ trong việc chẩn đoán nhiều bệnh lý. Vậy chụp cắt lớp vi tính là gì, trường hợp nào cần chụp cắt lớp vi tính, cần lưu ý gì trước và sau khi chụp, hãy cùng tham khảo trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
Tìm hiểu về chụp cắt lớp vi tính, vai trò trong việc chẩn đoán bệnh
Khái niệm chụp cắt lớp vi tính hay còn gọi là chụp CT Scanner rất quen thuộc trong việc khám và chẩn đoán bệnh. Đây là kỹ thuật sử dụng nhiều tia X quét lên 1 hoặc nhiều bộ phận, khu vực cơ thể để cho ra hình ảnh 2 chiều hoặc 3 chiều chi tiết của vùng cần chụp.
Chụp cắt lớp vi tính có vai trò vô cùng quan trọng trong việc chẩn đoán 1 số bệnh lý trên cơ thể, cụ thể như sau:
- Chụp cắt lớp vi tính để phát hiện chẩn đoán các vấn đề ở cơ hoặc xương
- Chụp cắt lớp vi tính để xác định cục máu đông hoặc nhiễm trùng.
- Chụp cắt lớp vi tính để tầm soát và theo dõi điều trị các khối u, bệnh lý ung thư
- Dùng để hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý tim mạch
- Kỹ thuật này cũng được dùng để hỗ trợ hướng dẫn việc thực hiện hóa trị hoặc xạ trị trong điều trị ung thư.
- Phát hiện các tổn thương bên trong và tình trạng chảy máu trong.
Đánh giá ưu nhược điểm của kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính
Ưu điểm của chụp cắt lớp vi tính
- Đây là giải pháp ưu việt để phát hiện các vấn đề bệnh lý ở xương do độ phân giải với không gian xương cao.
- So với chụp X quang chụp CT có khả năng phân giải mô mềm cao hơn.
- Cho hình ảnh rõ nét, khắc phục tình trạng nhiều hình chồng lên nhau so với chụp X quang
- Chụp cắt lớp vi tính khá nhanh, không mất nhiều thời gian nên rất hữu ích trong việc đánh giá các bệnh cấp cứu và kiểm tra các bộ phận cơ thể như như gan, tim, phổi…
- Có thể sử dụng để chẩn đoán với những bệnh nhân đang sử dụng 1 số máy móc hỗ trợ.
Hạn chế của kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính
So với chụp cộng hưởng từ MRI thì hình ảnh của chụp cắt lớp vi tính có độ phân giải thấp hơn nên hạn chế hơn trong việc phát hiện các bất thường hoặc tổn thương nhỏ đặc biệt là các cấu trúc mô mềm.
- Khả năng phát hiện các tổn thương phần mềm của chụp cắt lớp vi tính cũng hạn chế hơn so với chụp cộng hưởng từ vì tia X có đặc tính đâm xuyên mạnh.
- Chụp cắt lớp vi tính không có giá trị cao trong việc phát hiện các tổn thương ở dây chằng, tủy sống hoặc phần sụn khớp.
- Khi thực hiện chụp cắt lớp vi tính sẽ khó phân biệt và phát hiện bệnh ở những tổn thương và cơ quan có cùng độ đậm.
- Tương tự như kỹ thuật chụp X quang, chụp cắt lớp vi tính gây nhiễm xạ do sử dụng tia X tuy nhiên mức độ nhiễm xạ trong giới hạn cho phép ở mỗi lần thực hiện vì vậy sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Quy trình thực hiện chụp cắt lớp vi tính, lưu ý trước và sau khi chụp
Chuẩn bị trước khi chụp cắt lớp vi tính
Để chuẩn bị cho quá trình chụp CT scanner diễn ra thuận lợi nhất, người bệnh nên lưu ý 1 số việc như sau:
- Nên trao đổi với bác sĩ nếu đang bị các bệnh lý như tim mạch, hen, tiểu đường, bệnh lý thận hoặc dị ứng các loại thuốc.
- Nếu đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai cần thông báo với bác sĩ để tránh những ảnh hưởng không tốt cho thai nhi.
- Với những bệnh nhân cần tiêm thuốc cản quang khi chụp thì cần phải nhịn ăn từ 4 – 6 tiếng trước khi chụp CT Scanner và cần ký vào cam kết tiêm thuốc cản quang..
- Người bệnh cũng cần thay quần áo chuyên dụng để quá trình chụp CT thuận lợi hơn, quần áo sẽ do bệnh viện cung cấp.
Quá trình thực hiện chụp cắt lớp vi tính CT Scanner
Để thực hiện quá trình chụp cắt lớp vi tính người bệnh sẽ được hướng dẫn nằm trên bàn chuyên dụng có thể di chuyển, sau khi đã ổn định người bệnh sẽ được đưa vào chính giữa máy chụp CT scanner.
Khi bệnh nhân đã nằm ổn định trong lòng máy, bác sĩ sẽ điều chỉnh để thực hiện việc chụp bằng cách chiếu các tia X lên các bộ phận cơ thể cần kiểm tra.
Trong quá trình chụp bệnh nhân nên nằm im, hạn chế tối đa các chuyển động hay dịch chuyển để tăng sự rõ nét của hình ảnh chụp.
Bệnh nhân cần làm đúng theo sự hướng dẫn của các bác sĩ để có kết quả chính xác nhất.
Những lưu ý sau khi chụp cắt lớp vi tính
Với những bệnh nhân cần phải tiêm thuốc cản quang khi chụp thì sau khi chụp đường truyền tĩnh mạch sẽ được giữ và theo dõi khoảng nửa tiếng sau khi chụp. Sau đó nếu không có vấn đề nào bất thường thì sẽ tiến hành tháo đường truyền tĩnh mạch. Sau khi chụp CT có thuốc cản quang bệnh nhân nên uống nhiều nước để thuốc được đào thải ra khỏi cơ thể.
Với trường hợp chụp cắt lớp vi tính không tiêm thuốc cản quang, sau khi chụp người bệnh sẽ ăn uống sinh hoạt bình thường.
Sau khi chụp CT Scanner, cần theo dõi và nếu thấy các dấu hiệu bất thường như buồn nôn và nôn, chóng mặt, khó thở, sốt… thì cần thông báo ngay với bác sĩ để được tư vấn.
Video giới thiệu hệ thống chụp cắt lớp vi tính MSCT 128 dãy hiện đại tại TCI
Kết quả chụp CT có sau bao lâu?
Thời gian trung bình để có kết quả chụp cắt lớp vi tính là khoảng từ 30 – 60 phút tuy nhiên 1 số trường hợp phức tạp có thể lâu có kết quả hơn. Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ dựa vào hình ảnh chụp hoặc có thể kết hợp với các kết quả xét nghiệm khác để đưa ra nhưng chẩn đoán về bệnh lý và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp.
Chụp cắt lớp vi tính là 1 trong những kỹ thuật có ý nghĩa to lớn trong việc phát hiện các tổn thương, bất thường để hỗ trợ đắc lực cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh.Tuy nhiên việc chụp CT cần có sự chỉ định của bác sĩ và được thực hiện dưới sự hướng dẫn. Vì vậy hãy đến bệnh viện để được khám và chỉ định chụp đồng thời được bác sĩ tư vấn về kết quả một cách chính xác nhất.
Hiện nay, Hệ thống y tế Thu Cúc TCI trang bị máy chụp cắt lớp vi tính CT đa dãy và máy chụp cộng hưởng từ MRI ở cả 3 cơ sở 286 Thụy Khuê, 216 Trần Duy Hưng, 32 Đại Từ. Để liên hệ tư vấn và đặt lịch thực hiện, độc giả liên hệ 1900558892