Chửa ngoài dạ con là như thế nào? nguyên nhân cụ thể

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Nhiều chị em gặp phải tình trạng chửa ngoài dạ con nhưng chưa hiểu hết về tình trạng này. Vậy chửa ngoài dạ con là như thế nào, có nguy hiểm hay không, thai nhi trong trường hợp này có thể phát triển bình thường được hay không? Mời bạn tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau đây.

1. Chửa ngoài dạ con là như thế nào?

Chửa ngoài dạ con còn được biết đến với tên gọi khác là mang thai ngoài tử cung. Đây là tình trạng trứng sau khi thụ tinh không làm tổ trong tử cung (dạ con) của người mẹ. Thai ngoài dạ con có thể phát triển ở các vị trí khác như: cổ tử cung, đoạn kẽ, đoạn eo, đoạn bóng, đoạn loa vòi của ống dẫn trứng, thậm chí cả trong buồng trứng.

Chửa ngoài dạ con là như thế nào? Một số vị trí của thai ngoài dạ con

Chửa ngoài dạ con là như thế nào? Một số vị trí của thai ngoài dạ con

Hiện nay, nguyên nhân và cơ chế chính xác dẫn đến hiện tượng chửa ngoài dạ con chưa được xác định. Mang thai ngoài tử cung có thể đến từ các nhóm nguyên nhân di truyền, một số lại do sức khỏe của người mẹ. Tuy nhiên, theo thống kê chung thì chửa ngoài dạ con thường xuất hiện với tỷ lệ cao hơn ở chị em phụ nữ thuộc các nhóm đối tượng sau đây:

– Có cấu trúc ống dẫn trứng bị dị tật bẩm sinh, hẹp ống dẫn trứng.

– Từng thực hiện các phẫu thuật có tác động đến ống dẫn trứng.

– Từng có tiền sử mang thai ngoài tử cung.

– Từng có các phẫu thuật liên quan tới vùng xương chậu.

– Từng thực hiện nạo phá thai trước đó.

– Gặp vấn đề lạc nội mạc tử cung.

– Đang mắc các bệnh về đường sinh dục như lậu, giang mai, tình trạng viêm nhiễm phụ khoa,…

– Có thói quen sử dụng các loại chất kích thích thường xuyên như: rượu, bia, thuốc lá,…

– Mang thai ngoài độ tuổi 35.

Đây đều là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mẹ mang thai ngoài tử cung. Chính vì thế nếu thuộc một trong các nhóm yếu tố này mẹ bầu cần đặc biệt theo dõi sức khỏe của mình.

2. Dấu hiệu nhận biết chửa ngoài dạ con

Chửa ngoài dạ con thường được phát hiện qua siêu âm

Chửa ngoài dạ con thường được phát hiện qua siêu âm

Chửa ngoài dạ con phần lớn được phát hiện thông qua siêu âm và xét nghiệm:

2.1. Kết quả siêu âm

Sau quan hệ khoảng 2 tuần, trứng được thụ tinh thành công sẽ di chuyển vào tử cung để phát triển thành phôi thai. Tuy nhiên, nếu hình ảnh siêu âm không cho thấy túi thai thì rất có thể chị em đã mang thai ngoài dạ con. Lúc này bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm và chuyên sâu để đưa ra kết luận chính xác.

2.2. Nồng độ HCG

Khi làm xét nghiệm HCG, kết quả đo được không tương xứng với tuổi thai. Thông thường, khi thai nhi phát triển, hàm lượng HCG do nhau thai tiết ra cũng sẽ gia tăng. Tuy nhiên với thai ngoài tử cung thì nồng độ HCG sẽ tăng chậm. Đây cũng là một trong yếu tố nghi ngờ hiện tượng chửa ngoài dạ con.

Ngoài ra,chị em có thể nhận biết tình trạng mang thai ngoài tử cung thông qua các dấu hiệu như:

2.3. Xuất huyết âm đạo

Nhiều chị em bị xuất huyết âm đạo và nhầm lẫn với hiện tượng kinh nguyệt bình thường và nghĩ mình không mang thai. Khi xuất huyết âm đạo, các cơn đao sẽ quặn thắt và kéo dài vùng hố chậu kèm theo máu có màu sẫm, không có cục đông. Tuy nhiên dấu hiệu này không phải chị em nào cũng gặp phải.

2.4. Hiện tượng chậm kinh nguyệt

Khi mang thai, chị em sẽ mất kinh nguyệt. Tuy nhiên nếu mẹ bầu không phát hiện sớm mang thai ngoài tử cung thì khi thai phát triển sẽ gây ra tình trạng chảy máu mà nhiều chị em có thể nhầm lẫn với kinh nguyệt. Để phân biệt chảy máu do mang thai ngoài dạ con và kinh nguyệt thông thường chị em có thể dựa vào các yếu tố sau: chảy máu thường sẽ muộn hơn thời gian kinh nguyệt bình thường, màu sắc chảy máu thường sẫm hơn, không có cục đông vón như kinh nguyệt, thời gian chảy máu kéo dài hơn so với kinh nguyệt thông thường.

2.5. Hiện tượng đau bụng

Các cơn đau bụng mang thai thông thường sẽ chỉ nhẹ nhàng và nhanh chóng biến mất khi mẹ bầu nghỉ ngơi. Tuy nhiên khi chửa ngoài dạ con, mẹ có thể gặp phải các cơn đau dữ dội hoặc các cơn đau âm ỉ kéo dài.

3. Những nguy hiểm khi mẹ bầu mang thai ngoài dạ con

Mang thai ngoài tử cung gây nhiều nguy hiểm cho mẹ

Mang thai ngoài tử cung gây nhiều nguy hiểm cho mẹ

Chửa ngoài dạ con là một cấp cứu trong sản khoa bởi thai nhi không thể phát triển và đe dọa tới tính mạng của mẹ.

3.1. Gây xuất huyết, vỡ tử cung của mẹ

Ngoài tử cung, các vị trí khác đều không thuận lợi để thai nhi phát triển. Chính vì thế, khi thai lớn lên, các cấu trúc và tổ chức xung quanh sẽ bị phá hủy.

Phần lớn các thai nằm ngoài tử cung đều ở vị trí ống dẫn trứng – một trong những vị trí mỏng nhất của cơ quan sinh dục. Chính vì thế tình trạng rong huyết sẽ xuất hiện rất sớm. Đồng thời vị trí thai đậu có thể vỡ bất cứ lúc nào. Khi đó mất máu quá nhiều kèm những cơn đau quặn thắt sẽ khiến mẹ tử vong. Khi vỡ tử cung, mẹ sẽ bị ngất xỉu, da tái xanh, mạch đập mạnh, huyết áp khó nắm bắt,… cần phải được cấp cứu ngay để bảo toàn tính mạng.

3.2. Nguy cơ tái phát cao

Theo thống kê, mẹ bầu có tiền sử mang thai ngoài tử cung thì khả năng tái phát cao cấp 13 lần so với người mang thai bình thường. Chính vì thế, nếu có tiền sử mang thai ngoài tử cung, chị em cần đặc biệt theo dõi thai kỳ của mình.

3.3. Nguy cơ vô sinh

Mẹ bầu có thể đối mặt với nguy cơ vô sinh nếu thai phát triển lớn làm vỡ cấu trúc của vị trí thai bám vào như buồng trứng, ống dẫn trứng,….

Ngoài ra, trong quá trình phẫu thuật lấy thai có thể sẽ để lại sẹo trong tử cung, ảnh hưởng tới khả năng mang thai trong những lần tiếp theo.

3.4. Thai lưu đe dọa tính mạng mẹ

Trong trường hợp thai lưu trong bụng mẹ không tự đẩy hoặc không được lấy ra ngoài kịp thời có thể sẽ dẫn tới quá trình tự phân hủy và gây ra nguy cơ nhiễm trùng từ bên trong cho mẹ, đặc biệt là nhiễm trùng máu có thể gây tử vong nhanh chóng.

4. Điều trị mang thai ngoài dạ con

Mẹ bầu mang thai ngoài tử cung cần được điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa tùy theo mức độ nghiêm trọng.

4.1. Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa là sử dụng thuốc để đình chỉ thai nhi và giúp cơ thể mẹ tự đào thải thai ra ngoài. Phương pháp này phù hợp khi thai còn nhỏ, phát hiện sớm.  Tuy nhiên để mang thai lại mẹ cần đợi sau đó ít nhất 4 – 6 tháng để cơ thể đào thải hết thuốc ra ngoài.

4.2. Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa là sử dụng phương pháp mổ để lấy thai ra ngoài. Trong đó có mổ nội soi và mổ mở. Mổ nội soi được thực hiện khi thai nhi chưa vỡ hoặc mới xuất hiện tình trạng rỉ máu ít. Nếu thai có dấu hiệu vỡ hoặc lượng xuất huyết quá nhiều mẹ cần mổ mở lập tức để cấp cứu cho mẹ.

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất giúp bạn trả lời câu hỏi “chửa ngoài dạ con là như thế nào”. Với chị em không may bị mang thai ngoài dạ con, khi hiểu về hiện tượng này thì không nên quá buồn rầu. Thay vào đó hãy chăm sóc sức khỏe thật tốt, xây dựng thói quen sống lành mạnh để có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn trong những lần mang thai tiếp theo.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital