Chi tiết 3 nhóm nguyên nhân sinh non mẹ bầu cần nắm vững

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản
Sinh non đều có thể gây biến chứng và gây nguy hiểm tính mạng cho trẻ. So với trẻ đủ tháng, trẻ sinh càng ít tuần tuổi càng có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý phức tạp. Chính vì vậy, việc hiểu rõ nguyên nhân sinh non có thể giúp chúng ta phòng tránh tốt hơn.

1. Thế nào được coi là sinh non?

Sinh non tức là em bé chào đời quá sớm, trong khoảng thời gian từ tuần thứ 20 đến tuần thứ 37 của thai kỳ. Trẻ sinh non dễ dẫn đến bị suy hô hấp, chậm phát triển thần kinh, mắc nhiều bệnh lý mạn tính, cũng là nguyên nhân hàng đầu dễ gây tử vong.
Có ba trường hợp xảy ra như sau:

– Sinh cực non lúc thai dưới 28 tuần.

– Sinh rất non là sinh khi thai từ 28 đến 33 tuần 6 ngày.

– Sinh non muộn là sinh khi thai từ 34 đến 36 tuần 6 ngày.

nguyên nhân sinh non

Trẻ sinh non thường dễ mắc các bệnh như suy hô hấp, các bệnh về thần kinh,…

2. Nguyên nhân sinh non từ phía mẹ

2.1. Do tiểu sử sinh non, sẩy thai

– Với những mẹ đã từng sinh non thì có tới 30%-50% nguy cơ tái phát sinh non thêm lần nữa. Càng có nhiều lần sinh non trước đó, khả năng mẹ phải đối mặt với vấn đề này càng cao. Đặc biệt các mẹ sinh lần thứ 3 thì nguy cơ sinh non đặc biệt cao.

– Các mẹ có tiểu sử sẩy thai hay nạo phá thai có khả năng ảnh hưởng đến các lần mang thai tiếp theo, và sinh non là một trong những tình trạng thường gặp.

2.2. Do các dị tật ở tử cung

Một số dị tật phổ biến như hở eo tử cung, cổ tử cung ngắn, cổ tử cung hé mở,… gây bất lợi cho quá trình sinh sản của phụ nữ. Tùy theo mức độ và phân loại, một số dị dạng tử cung có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai từ tuần thứ 6 – tuần thứ 8 và nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển.

2.3. Một số nguyên nhân sinh non khác

– Mẹ lớn tuổi mới bắt đầu mang thai hoặc người mẹ quá nhỏ dưới 17 tuổi đều có nguy cơ sinh non cao.

– Mẹ mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm ruột thừa,… khiến sức khỏe không đảm bảo và tăng các nguy cơ sinh non.

– Tâm lý ảnh hưởng rất lớn đối với quá trình mang thai của mẹ bầu. Khi căng thẳng kéo dài, cơ thể mẹ sẽ tiết ra cortisol và epinephrine – chất làm giải phóng hormone corticotropin trong cơ thể kích thích quá trình chuyển dạ sinh sớm hơn dự kiến.

– Khoảng cách giữa các thời gian mang bầu cách nhau quá ngắn khiến cơ thể chưa kịp phục hồi. Người mẹ nên chờ ít nhất 18 tháng để phục hồi. Thời gian có em bé lần sau nên đảm bảo cơ thể được bổ sung dưỡng chất cần thiết, đặc biệt là các mẹ sinh mổ.

– Thực tế chỉ ra rằng, trong thời kỳ mang thai phụ nữ dùng đồ có cồn và chất kích thích làm tăng nguy cơ sinh non và thai chết lưu tương đối cao. Phụ nữ có bầu cũng không nên hút thuốc hay tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá, các chất phóng xạ, gây nguy hiểm đến thai nhi

– Mẹ làm việc quá sức, công việc lao động nặng nhọc và phải đứng quá nhiều trên 6 giờ/ngày kèm theo việc thiếu dinh dưỡng khi mang bầu cũng tác động lớn đến thai nhi.

nguyên nhân sinh non

Người mẹ tâm lý căng thẳng cũng là một trong những nguyên nhân sinh non phổ biến.

3. Nguyên nhân sinh non bắt nguồn từ thai nhi

– Mang song thai hoặc đa thai: Thông thường có khoảng 60% trẻ sinh đôi và 90% trẻ sinh ba sẽ có nguy cơ sinh non. Các trường hợp này thường sẽ được bác sĩ chẩn đoán và định hướng xử lý ngay từ khi khám thai để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con.

– Đa ối và dư ối: Tình trạng nước ối bao bọc xung quanh thai nhi vượt ngưỡng tiêu chuẩn thai kỳ. Đa ối xuất hiện càng sớm trong thai kỳ và lượng dịch ối càng cao thì nguy cơ biến chứng càng tăng, trong đó sinh non là một trong những rủi ro mẹ có thể mắc phải.

– Vỡ ối non: Đây là trường hợp bị vỡ ối khi em bé dưới 37 tuần. Trong tình huống này bác sĩ sẽ phán đoán và đưa ra hướng xử lý phù hợp.

– Trường hợp thai dị dạng: Kết hợp với trường hợp đa ối càng làm tăng nguy cơ sinh non và đặc biệt nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

4. Do nhau thai

– Trường hợp nhau bong non: Xảy ra khi tình trạng bánh nhau bong khỏi thành tử cung toàn bộ hay một phần trước khi nhai nhi sinh ra. Đây là tình trạng vô cùng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Nếu nhau bong non vào gần ngày dự sinh, có thể buộc phải sinh non.

– Nhau tiền đạo: Trường hợp mẹ bị xuất huyết quá nhiều khi gặp biến chứng của nhau tiền đạo, mặc dù thai nhi chưa đủ tháng nhưng có thể bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai gấp. Trẻ sinh non trong trường hợp này có nguy cơ bị suy hô hấp.

nguyên nhân sinh non

Khám thai định kỳ giúp bác sĩ theo dõi sát sao sức khỏe của mẹ và bé

5. Một số lưu ý và phòng tránh sinh non

– Mẹ bầu nên chăm sóc bản thân trong quá trình mang thai thông qua chế độ dinh dưỡng đầy đủ cả protein, vitamin, chất đạm, uống nhiều nước. Đảm bảo đầy đủ dưỡng chất cần thiết sẽ góp phần giúp chị em có một thai kỳ khỏe mạnh.

– Vận động và tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ,… theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Tránh làm việc quá sức hoặc làm việc trong thời gian quá lâu.

– Khám thai định kỳ để bác sĩ có những phán đoán chính xác các nguy cơ biến chứng thai kỳ có thể xuất hiện.

– Chăm sóc răng miệng cũng là một phần quan trọng mẹ bầu cần để ý. Vì prostaglandins sinh ra khi viêm nướu sẽ kích thích việc sinh non. Vệ sinh sức khỏe răng miệng bằng cách đánh răng hàng ngày và khám nha khoa nếu có bất kỳ vấn đề bất thường.

Trên đây là một số nguyên nhân có thể dẫn tới sinh non. Những chị em có các yếu tố nguy cơ như nêu trên, trước khi mang thai cần thông báo cho bác sĩ biết để được tư vấn mang thai an toàn; Trong quá trình mang thai, cần thăm khám thường xuyên hơn để bác sĩ kịp thời phát hiện và can thiệp sớm. Chúc các mẹ sẽ có một thai kỳ an toàn và vượt cạn thành công!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital