Chẩn đoán và điều trị bệnh cầu cơ mạch vành

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Cầu cơ mạch vành là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp, chỉ xảy ra ở 5% người bình thường. Đây là tình trạng một dải cơ tim từ 10 – 30mm, dày từ 1 – 10mm vắt ngang qua một đoạn động mạch, chui sâu vào lớp cơ tim thay vì chạy trên bề mặt quả tim. Bệnh có thể không gây bất cứ triệu chứng nào nhưng cũng có thể khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ choáng ngất, tử vong do thiếu máu cơ tim. Vậy làm thế nào chẩn đoán và điều trị bệnh cầu cơ mạch vành một cách hiệu quả nhất? 

1. Các phương pháp chẩn đoán bệnh cầu cơ mạch vành

1.2 Chẩn đoán lâm sàng bệnh cầu cơ động mạch vành

Biểu hiện lâm sàng của bệnh cầu cơ mạch vành ít xuất hiện trước năm 30 tuổi

Các bệnh nhân có cầu cơ mạch vành thường không có biểu hiện gì trước năm 30 tuổi. Theo thống kê, có đến 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh này hoàn toàn không có triệu chứng, ngay cả khi tim không được cung cấp đủ máu và oxy. Nguyên nhân là vì khi người bệnh còn trẻ, các dải cơ tim vẫn còn mềm mại, không gây chèn ép, thít hẹp động mạch vành nên người bệnh không bị ảnh hưởng nhiều. Đồng thời, cơ thể người bệnh có thể thích ứng với tình trạng này trong suốt nhiều năm.

Nhưng theo thời gian, động mạch vành của bạn có thể bị xơ vữa, các dải cơ cũng mất dần mất tính đàn hồi. Tình trạng xơ vữa có thể gây hẹp và tắc động mạch vành. Đặc biệt nếu vị trí xơ vữa xảy ra ngay phía trên của cầu cơ động mạch vành thì người bệnh dễ xuất hiện các triệu chứng. Nguyên nhân là do các tác nhân gây co mạch do cầu cơ có thể xuất hiện trong quá trình xơ vữa. Các tác nhân đó bao gồm: nitric oxide nội mạc, endothelin 1 và men chuyển dạng angiotensin.

Trên 30 tuổi, người mắc bệnh cầu cơ mạch vành thường có các triệu chứng thiếu máu cơ tim

Trên 30 tuổi, người mắc bệnh cầu cơ mạch vành thường có các triệu chứng thiếu máu cơ tim

Các triệu chứng thường gặp

Các triệu chứng thường thấy ở những bệnh nhân mắc bệnh này khá giống với triệu chứng thiếu máu cơ tim cục bộ. Đây có thể là những dấu hiệu lâm sàng quan trọng giúp nhận biết bệnh cầu cơ động mạch vành mà bạn cần hết sức chú ý. Các triệu chứng đó là: 

– Đau ngực thường xuyên: Bệnh nhân có thể cảm thấy đau tức, nặng ngực gần như suốt cả ngày. Mức độ đau có thể thay đổi tùy theo thời điểm, thường tăng lên khi thay đổi thời tiết hoặc khi lo lắng, căng thẳng.

– Đau thắt ngực:  Người bệnh có cảm giác ngực bị bóp chặt, đè nặng. Đau có thể lan ra cánh tay trái hoặc hàm, cổ, vai, lưng. 

– Khó thở, nhịp tim nhanh: Dấu hiệu này có thể xuất hiện đồng thời với các dấu hiệu trên.

Một số dấu hiệu khác không điển hình nhưng vẫn có thể gặp:

– Mệt mỏi không rõ nguyên nhân

– Rối loạn nhịp gây ra khi gắng sức

– Ngất

Nhiều trường hợp choáng ngất rất dễ dẫn đến đột tử. Lúc này, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời.  

1.2 Chẩn đoán cận lâm sàng phát hiện bệnh cầu cơ mạch vành

Tuy các triệu chứng lâm sàng không điển hình nhưng bệnh cầu cơ động mạch vành vẫn có thể được phát hiện sớm và dễ dàng nhờ sự hỗ trợ của các chẩn đoán hình ảnh và một số chẩn đoán cận lâm sàng khác tại các chuyên khoa tim mạch. 

Một số phương pháp chẩn đoán bệnh cầu cơ tim bao gồm: 

– Điện tim: Thường áp dụng khi người bệnh có dấu hiệu của thiếu máu cơ tim

Siêu âm tim: Phương pháp này có thể giúp phát hiện được đoạn cầu cơ động mạch vành. Không những vậy còn đánh giá được mức độ xơ vữa ở phía trước của cầu cơ, đánh giá mức độ hẹp động mạch vành (dựa vào kết quả đo dự trữ dòng chảy động mạch vành) có ảnh hưởng đến huyết động hay không. 

Chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT): Sử dụng phương pháp này có thể giúp bác sĩ tìm thấy hình ảnh chính xác và dấu hiệu của cầu cơ. Cụ thể, nếu xảy ra hiện tượng một đoạn động mạch bị ép trong thì tâm thu, bình thường trong thì tâm trương thì chứng tỏ bệnh nhân có cầu cơ mạch vành.

– Chụp động mạch vành qua da: Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định cầu cơ động mạch vành. Chẩn đoán cho phép thấy được sự thay đổi của khẩu kính động mạch vành giữa thời kỳ tâm thu (cơ tim bóp) và thời kỳ tâm trương (tim nghỉ). Đặc biệt, dấu hiệu này có thể tăng lên nếu bệnh nhân được tiêm nitroglycerin động mạch vành.

chẩn đoán bệnh cầu cơ động mạch vành

Chụp CT mạch vành là chẩn đoán hình ảnh giúp chẩn đoán chính xác bệnh cầu cơ động mạch vành

2. Điều trị cầu cơ mạch vành

Cầu cơ mạch vành thường vô hại. Do vậy, hầu hết bệnh nhân không cần điều trị gì nếu như không có triệu chứng. Ở những bệnh nhân mắc bệnh cầu cơ mạch vành có triệu chứng thì tùy từng trường hợp sẽ có phác đồ điều trị khác nhau, là sự lựa chọn hoặc kết hợp các biện pháp sau:

2.1 Điều trị nội khoa

Cho đến nay, điều trị nội khoa vẫn là phương pháp điều trị cầu cơ mạch vành và thường chỉ áp dụng khi người bệnh khi xuất hiện tình trạng thiếu máu cơ tim. Mục đích của việc điều trị này là giúp giảm nhẹ bệnh, đồng thời giải tỏa tâm lý hoang mang, lo lắng cho người bệnh. Các loại thuốc được sử dụng trong các trường hợp này thường là nhóm thuốc chẹn beta và thuốc chẹn kênh canxi. Bởi chúng giúp làm thư giãn cơ tim, hạ huyết áp và giảm tình trạng rối loạn nhịp tim.

Trong khi đó, một số thuốc thường được sử dụng trong điều trị bệnh động mạch vành như nitrates lại không nên dùng ở những bệnh nhân này.

Nhìn chung, các loại thuốc kể trên chỉ mang tính tham khảo. Dựa vào tình trạng sức khỏe thực tế của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ kê đơn phù hợp giúp giảm các triệu chứng một cách hiệu quả nhất. Bạn cần đi khám để được chẩn đoán chính xác và chỉ định đơn thuốc cũng như phương pháp điều trị tối ưu.

Nếu các triệu chứng lâm sàng không cải thiện, không đáp ứng điều trị nội khoa, hoặc bệnh nhân có cơn đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim, ngất hay rối loạn nhịp tim nguy hiểm thì một số biện pháp can thiệp sẽ được bác sĩ chỉ định nhằm sửa chữa đoạn động mạch bị dị tật.

2.2 Các biện pháp hỗ trợ điều trị

Đối với người bị cầu cơ mạch vành, lối sống thiếu lành mạnh không phải nguyên nhân gây bệnh nhưng có thể tác động không tốt, khiến các mảng xơ vữa dễ hình thành và phát triển gây xơ cứng đoạn động mạch có cầu cơ. Điều này làm tăng nặng các triệu chứng của bệnh, đặc biệt là tình trạng đau thắt ngực.

Do vậy, bên cạnh việc điều trị bằng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, bệnh nhân cần thực hiện lối sống lành mạnh như giảm ăn mặn, các đồ ăn nhiều chất béo, không hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, tích cực tập thể dục thể thao…

Thuốc điều trị bệnh cầu cơ động mạch vành

Hiện nay, điều trị nội khoa vẫn là phương pháp chủ yếu giúp cải thiện bệnh cầu cơ.

Như vậy, bệnh cầu cơ mạch vành không phải là một dị tật nguy hiểm nhưng tốt nhất người bệnh vẫn nên phát hiện sớm bằng những chẩn đoán chính xác tại các cơ sở y tế uy tín. Nhờ đó có những phương án dự phòng và điều trị phù hợp, tránh bệnh diễn tiến xấu gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital