Khi nào nhổ răng sữa cho bé là tốt nhất?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Quyết

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Nhiều phụ huynh không biết rằng nếu nhổ răng sữa cho bé sai thời điểm sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến răng vĩnh viễn. Vậy, khi nào nhổ răng sữa cho bé là đúng thời điểm?

1. Tìm hiểu về răng sữa của bé

1.1. Răng sữa của bé có những vai trò gì?

Răng sữa là những chiếc răng xuất hiện đầu tiên, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong giai đoạn đầu đời của bé. Những vai trò quan trọng của răng sữa mà không phải cha mẹ nào cũng biết, bao gồm:

– Răng sữa giúp bé nhai, nghiền thức ăn, hỗ trợ hệ tiêu hoá;

– Răng sữa thiết lập và định hình vị trí cho răng vĩnh viễn trên khung hàm;

– Răng sữa kích thích xương hàm tăng trưởng;

– Răng sữa hỗ trợ bé rất nhiều trong việc tập nói và phát âm;

– Răng sữa giúp đảm bảo thẩm mỹ, góp phần hoàn thiện cấu trúc khuôn mặt cho bé;

Răng sữa là những chiếc răng xuất hiện đầu tiên, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong giai đoạn đầu đời của bé.

Răng sữa là những chiếc răng xuất hiện đầu tiên, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong giai đoạn đầu đời của bé.

1.2. Chăm sóc răng sữa của bé đúng cách

Vì có nhiều vai trò nên việc chăm sóc đúng cách răng sữa của bé là rất quan trọng. Việc chăm sóc răng sữa phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển của bé:

– Trước khi mọc răng: Luôn giữ cho khoang miệng của bé sạch sẽ bằng cách dùng một chiếc khăn sạch, mềm để làm sạch nướu trước và sau khi bé ngủ. Việc này sẽ giúp tăng sức đề kháng răng miệng, hạn chế tối đa những bệnh lý sau này.

– Khi bắt đầu mọc răng (Khoảng 6 – 12 tháng tuổi): Cha mẹ chỉ cần quấn khăn hoặc gạc sạch vào đầu ngón tay để làm sạch mảng bám trên các răng và toàn bộ nướu của bé. Ngoài ra, cha mẹ nên cho bé uống thêm nước lọc sau khi ăn để tránh tích tụ mảng bám.

– Khi bé mọc hết răng sữa (25 – 33 tháng tuổi): Lúc này, bé có thể hoàn toàn tập đánh răng và thực hiện các thao tác vệ sinh răng miệng. Do đó, cha mẹ hãy dành thời gian để hướng dẫn con, giúp con duy trì thói quen này. Đừng quên lựa chọn kem đánh răng phù hợp cho con và kiểm tra lại sau mỗi lần con tự đánh răng để đảm bảo khoang miệng đã được làm sạch nhé.

Khi bé mọc hết răng sữa, cha mẹ hãy dành thời gian để hướng dẫn con cách vệ sinh răng miệng.

Khi bé mọc hết răng sữa, cha mẹ hãy dành thời gian để hướng dẫn con cách vệ sinh răng miệng.

2. Khi nào nên nhổ răng sữa cho bé?

2.1. Khi nào bé thay răng sữa?

Có lẽ rất nhiều cha mẹ quan tâm đến việc thời điểm nào là phù hợp để để nhổ răng sữa cho bé. Về thời điểm nhổ răng sữa cho bé phụ thuộc vào quá trình thay răng sữa của bé.

Thông thường, giai đoạn bé từ 6 – 12 tuổi là giai đoạn bé bắt đầu thay răng sữa. Tuy nhiên, quá trình thay răng sữa của bé có thể đến sớm (từ 4 tuổi) hoặc cũng có thể muộn hơn (8 tuổi). Quá trình này phụ thuộc vào đặc điểm và vị trí của răng hoặc cách chăm sóc răng miệng của bé…

2.2. Khi nào nhổ răng sữa cho bé?

Có thể nói, thời điểm hợp lý để nhổ răng sữa cho bé chính là khi cha mẹ thấy những chiếc răng sữa của bé bắt đầu lung lay. Đây là dấu hiệu cho thấy răng vĩnh viễn chuẩn bị mọc lên, cũng là thời điểm phù hợp để nhổ bỏ răng sữa.

Tuy nhiên, răng sữa có thể lung lay vì một số lý do khác liên quan đến các bệnh lý. Do đó, cha mẹ cần phân biệt được nguyên nhân khiến răng sữa lung lay để có phương án xử trí phù hợp. Hầu hết các trường hợp răng sữa lung lay để thay răng sẽ không có các dấu hiệu như sưng nướu, đau nhức, chảy máu…

Để trả lời cho câu hỏi “khi nào nhổ răng sữa cho bé” chính là khi cha mẹ thấy những chiếc răng sữa của bé bắt đầu lung lay.

Để trả lời cho câu hỏi “khi nào nhổ răng sữa cho bé” chính là khi cha mẹ thấy những chiếc răng sữa của bé bắt đầu lung lay.

3. Nhổ răng sữa cho bé tại nhà – Nên hay không nên?

Nhổ răng sữa cho bé không phải kỹ thuật phức tạp nên cha mẹ hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau.

3.1. Khi nào nhổ răng sữa cho bé ở nhà là không nên?

Với một số trường hợp, cha mẹ tuyệt đối không nên tự ý nhổ răng cho bé tại nhà:

– Trẻ có bệnh toàn thân (ví dụ như tiểu đường): Nếu cha mẹ chủ quan, cố tình nhổ răng tại nhà sẽ khiến việc kiểm soát máu sau nhổ răng gặp khó khăn, thậm chí có thể bị nhiễm trùng.

– Trẻ có bệnh tim mạch: Trường hợp này cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng chỉ định, phác đồ của bác sĩ.

– Trẻ đang sốt cao, hoặc có các vấn đề về răng miệng (như viêm lợi cấp…) cũng không nên tự ý nhổ răng tại nhà.

3.2. Những nguy cơ khi nhổ răng sữa tại nhà

Nhổ răng tại nhà có thể có nguy cơ gặp phải những biến chứng không mong muốn sau:

– Không nhổ được hết toàn bộ chân răng, gây chảy máu tại vùng nhổ răng;

– Nguy cơ nhiễm trùng nếu cha mẹ không vệ sinh tay sạch sẽ trước khi nhổ răng cho bé;

– Thao tác không đúng cách, lóng ngóng, không dứt khoát… có thể khiến trẻ nuốt phải chiếc răng mới nhổ;

– Bé bị đau, hoang mang, sợ sệt và ám ảnh, gây ảnh hưởng tâm lý;

Nhổ răng tại nhà có thể khiến bé bị đau, hoang mang, sợ sệt và ám ảnh, gây ảnh hưởng tâm lý...

Nhổ răng tại nhà có thể khiến bé bị đau, hoang mang, sợ sệt và ám ảnh, gây ảnh hưởng tâm lý…

4. Chăm sóc bé sau khi nhổ răng sữa

Chế độ chăm sóc cho bé sau khi nhổ răng sữa rất quan trọng. Nó không chỉ giúp bé giảm đau mà còn nhanh hồi phục vết thương. Đồng thời, nó còn hỗ trợ quá trình mọc răng vĩnh viễn diễn ra thuận lợi. Do vậy, cha mẹ cần lưu ý:

4.1. Những điều nên làm sau khi bé nhổ răng sữa

– Cho bé ngậm chặt bông gòn sạch vào vị trí vừa nhổ răng để cầm máu;

– Chườm đá hoặc chườm nóng để giảm đau cho bé, không tự ý dùng các loại thuốc giảm đau, giảm sưng khi chưa được bác sĩ cho phép;

– Cho bé uống thật nhiều nước lọc và ưu tiên các món ăn loãng, mềm, dễ nuốt như cháo, súp…

– Giữ liên lạc với bác sĩ để liên hệ ngay khi cần như: Bé có dấu hiệu đau nhức, ốm sốt, chảy máu quá nhiều…

4.1. Những điều không nên làm sau khi bé nhổ răng sữa

– Cha mẹ không nên cho bé súc miệng quá sớm vì có thể gây ảnh hưởng đến việc cầm máu và đông máu của vết thương;

– Tuyệt đối không cho bé ăn kẹo cao su, đồ ăn quá cứng, quá lạnh hoặc quá nóng… vì có thể gây nhiễm trùng vị trí mới nhổ răng;

– Cha mẹ nhớ dặn bé không nên đặt tay, lưỡi hoặc bất cứ vật dụng nào vào vị trí đang mọc răng vĩnh viễn vì nó gây cản trở quá trình mọc răng. Thậm chí, những hành động đó còn khiến răng vĩnh viễn mọc sai lệch.

Như vậy, với những chia sẻ trên đây, các phụ huynh đã biết khi nào nhổ răng sữa cho bé và cần lưu ý những gì sau khi nhổ răng. Hy vọng, các cha mẹ đã biết cách chăm sóc răng miệng cho bé từ trước khi nhổ răng sữa đến sau khi nhổ răng sữa.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital