Thời điểm cuối năm cũ, đầu năm mới, nhu cầu tìm việc làm tăng cao khiến nhiều người dễ bị “dính bẫy” lừa đảo tuyển dụng.
Menu xem nhanh:
Các chiêu trò lừa đảo tuyển dụng ngày càng tinh vi
Ngoài những chiêu thức “việc nhẹ, lương cao”, đánh vào lòng tham ứng viên, hiện nay, các chiêu trò lừa đảo ngày càng đa dạng và tinh vi, khiến cho nhiều người dễ dàng “sa lưới”.
Công an TP Hà Nội cho biết, gần đây trên địa bàn thành phố xuất hiện hình thức mạo danh ngân hàng để tuyển dụng nhân viên. Theo đó, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu nạn nhân tham gia trải nghiệm các dự án của ngân hàng, tiếp đó dẫn dắt nạn nhân đầu tư để chiếm đoạt tài sản.
Còn theo Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), một trong những chiêu trò phổ biến mà những kẻ lừa đảo sử dụng là yêu cầu ứng viên nộp tiền để được tham gia thi tuyển, mua tài liệu ôn tập hoặc đóng các loại phí không rõ ràng với lý do “đảm bảo trúng tuyển” rồi yêu cầu ứng viên chuyển khoản một khoản tiền nhất định, hoặc tham gia chương trình quay xổ số… Sau đó chúng biến mất hoặc tiếp tục yêu cầu thêm các khoản tiền khác.
Bên cạnh đó, nhiều đối tượng lừa đảo còn mạo danh nhiều doanh nghiệp lớn để tiếp cận các “con mồi”. Chúng dùng nội dung email, website với tên miền chỉn chu, khiến các ứng viên khó phân biệt thật giả. Sự phát triển của các ứng dụng AI trong thời gian gần đây giúp tạo ra văn bản và hình ảnh một cách chân thực và dễ dàng hơn cũng đặt ra một mối đe dọa lớn trong việc lừa đảo tuyển dụng.
Khi có người đăng ký ứng tuyển, kẻ mạo danh sẽ mời ứng viên tham gia vào các nhóm trên nền tảng như Facebook, Zalo, Telegram, Whatsapp, Workplace Chat, Lotus Chat… rồi dẫn dắt thực hiện các nhiệm vụ nạp tiền trên danh nghĩa kiểm tra, khảo sát năng lực. Đã có nhiều nạn nhân mất từ vài trăm nghìn đồng, vài triệu, thậm chí đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng.
Cảnh giác để tránh “bẫy” lừa tuyển dụng
Không chỉ người lao động lao đao mà các ngân hàng, doanh nghiệp cũng “đau đầu” vì bị hiểu lầm, dẫn đến mất uy tín và nguồn ứng viên chất lượng.
Do vậy, các chuyên gia và các doanh nghiệp khuyến cáo, người lao động cần hết sức cảnh giác khi tìm việc và ứng tuyển, thực hiện các biện pháp phòng tránh sau để tránh rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”:
– Chỉ truy cập vào trang web hoặc đường link tuyển dụng chính thức được đơn vị tuyển dụng công bố.
– Tuyệt đối KHÔNG truy cập theo những đường link, tệp tin, trang mạng xã hội nhận được hoặc được đối tượng lạ giới thiệu.
– Tuyệt đối KHÔNG chuyển tiền hay đóng phí bất kỳ khoản phí nào trong quá trình tuyển dụng.
– KHÔNG cung cấp bản scan hoặc bản chính giấy tờ tuỳ thân, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu, thẻ thanh toán hoặc các loại mã OTP gửi về điện thoại.
– Khi nhận thấy dấu hiệu nghi ngờ, người lao động nên yêu cầu công ty cho địa chỉ hẹn phỏng vấn, liên hệ trực tiếp nhà tuyển dụng từ website chính thức.
– Chủ động bảo vệ thiết bị cá nhân bằng các phần mềm chống virus và liên hệ trang web đăng tin tuyển dụng để báo cáo và nhận hỗ trợ.
Trân trọng!