Cẩn thận với chỉ số triglyceride cao

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Lê Công Dần

Bác sĩ Xét nghiệm

Triglyceride là thành phần không thể thiếu trong máu. Khi chỉ số triglyceride cao sẽ gây nên hiện tượng máu nhiễm mỡ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và là nguyên nhân gây nên các bệnh lý tim mạch vì vậy cần đặc biệt cẩn thận khi chỉ số này ở ngưỡng cao hơn bình thường.

1. Chỉ số triglyceride là gì?

Theo khoa học, triglyceride là dạng chất béo chiếm 95% trong số các chất béo hàng ngày được tiêu thụ trong chế độ ăn uống. Đây cũng là thành phần chủ yếu trong dầu thực vật và các loại mỡ động vật. Sau khi tiêu hóa, chất triglyceride được cơ thể dùng dưới dạng năng lượng tế bào di chuyển trong các mạch máu.

Theo đó, chỉ số mỡ máu triglyceride giúp cảnh báo về nguy cơ xơ vữa động mạch, mỡ máu, nhồi máu cơ tim, gan nhiễm mỡ, đột quỵ,..

Chỉ số triglyceride

Triglyceride là chỉ số quan trọng trong cơ thể đánh ra những bệnh lý nguy hiểm như mỡ máu, gan, tim mạch,…

2. Cẩn thận với chỉ số triglyceride cao

2.1. Chỉ số triglyceride bao nhiêu là cao?

Người bệnh có thể xác định chính xác chỉ số máu triglyceride trong cơ thể thông qua thực hiện xét nghiệm máu. Theo kết luận của Hội tim mạch Hoa Kỳ, để đánh giá chỉ số máu triglyceride là cao, thấp hay ở mức bình thường sẽ so sánh theo 4 mức sau:

– Chỉ số triglyceride ở mức bình thường: dưới 150 mg/dL (1,7 mmol/L).

– Chỉ số triglyceride nằm ở mức ranh giới cao: 150 – 199 mg/dL (1,7 – 2 mmol/L).

– Chỉ số triglyceride ở mức cao: 200 – 499 mg/dL (2 – 6 mmol/L).

– Chỉ số triglyceride ở mức rất cao: trên 500mg/dL (trên 6 mmol/L).

2.2. Chỉ số triglyceride cao cảnh báo bệnh gì?

Đối với trường hợp triglyceride tăng cao sẽ là nguồn cơn cho bệnh mỡ máu cao xuất hiện. Máu là nguồn cung cấp năng lượng chính của cơ thể, nếu lượng mỡ thừa xuất hiện quá nhiều trong máu sẽ ảnh hưởng đến việc lưu thông của máu, đặc biệt là hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.

Nồng độ triglyceride trong máu tiếp tục tăng cao là nguyên nhân làm tắc nghẽn mạch máu, các cơ quan trong cơ thể không có đủ năng lượng để hoạt động để từ đó kéo sức khỏe đi xuống. Bên cạnh đó, người bệnh còn phải gánh chịu khá nhiều hậu quả nghiêm trọng do tình trạng này gây ra như: cao huyết áp, tai biến, thiếu máu não, xơ vữa động mạch,… thậm chí là tử vong.

3. Xét nghiệm kiểm tra chỉ số triglyceride

Để kiểm soát chỉ số triglyceride trong cơ thể xem có đang ở mức phù hợp không, cách tốt nhất là bạn nên thực hiện xét nghiệm kiểm tra định kỳ. Xét nghiệm chỉ số triglyceride và xét nghiệm chỉ số mỡ máu nói chung là những loại xét nghiệm cơ bản trong danh mục khám sức khỏe định kỳ.

Đặc biệt nếu bạn từng kiểm tra và có chỉ số triglyceride ở mức cao, cholesterol cao hoặc mắc các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường,… thì việc kiểm tra định kỳ càng trở nên cần thiết.

Dưới đây là các xét nghiệm nên thực hiện:

– Xét nghiệm triglycerid toàn phần: Chỉ số này sẽ đánh giá mức độ chất béo trong cơ thể, nếu lớn hơn 2,3 mmol/l tức là đang ở mức cao.

– Xét nghiệm cholesterol toàn phần: Ngoài chỉ số triglyceride thì cholesterol cũng là chỉ số mỡ máu rất quan trọng cần được đánh giá đi kèm. Cholesterol trong cơ thể là bình thường sẽ ở mức 4 – 5 mmol/l, trên mức này tức là bạn đang bị cholesterol cao.

Xét nghiệm triglyceride

Xét nghiệm máu kiểm tra chỉ số triglyceride toàn phần và cholesterol toàn phần.

4. Làm gì khi chỉ số triglyceride tăng?

Để bảo vệ sức khỏe bản thân tốt nhất, mỗi người cần duy trì chỉ số triglyceride ở mức thấp hoặc ở ngưỡng bình thường. Dưới đây là một số biện pháp giúp điều chỉnh, cải thiện chỉ số triglyceride cao mà bạn cần lưu ý:

4.1. Thực hiện chế độ ăn khoa học

Nhiều người cho rằng nhịn ăn là cách giảm mỡ thừa, giảm cân và cân bằng chỉ số triglyceride. Không những không làm giảm triglyceride, mà nhịn ăn còn khiến cho triglyceride tăng cao hơn. Chính vì thế, người bệnh nên chuẩn bị cho mình một chế độ dinh dưỡng thật khoa học kèm theo việc kiểm soát bệnh lý về gan nhiễm mỡ, tiểu đường và tuyến giáp một cách chặt chẽ.

Người bị triglyceride cao nên hạn chế dung nạp chất béo vào trong cơ thể; ăn ít chất béo, hạn chế thức ăn chiên xào, quay… các loại hải sản như tôm, cua, hàu cũng cần hạn chế; ăn trứng thì chỉ nên ăn lòng trắng, không nên ăn nội tạng động vật; kiêng ăn những thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp

Nên sử dụng nhiều rau xanh đặc biệt là những loại rau như bắp cải, hẹ, súp lơ, cải xoăn, cà chua… hay hoa quả như táo, bưởi, cam, quýt…. Đặc biệt, bệnh nhân nên ăn nhiều cá bởi cá đặc biệt tốt với những người bị béo phì, gan nhiễm mỡ, triglyceride cao.

Kiểm soát chỉ số triglyceride cao

Ăn uống khoa học hạn chế chất béo và tăng cường rau xanh giúp kiểm soát chỉ số triglyceride cao.

4.2. Lối sống nề nếp và luyện tập thường xuyên

Cơ thể có thể sử dụng năng lượng tích trữ dưới dạng mỡ thừa tốt hơn nhờ việc tập luyện thể dục thể thao hằng ngày. Thời gian phù hợp cho mỗi người để tập thể dục mỗi ngày là ít nhất 30 phút. Bạn nên lựa chọn bộ môn thể thao yêu thích, phù hợp với thể lực để có thể kiên trì luyện tập gợi ý như: bơi lội, đạp xe, nhảy dây, đi bộ, chơi cầu lông,…

Bên cạnh đó, việc nghỉ ngơi điều độ, tránh thức khuya, ngủ đủ giấc, uống đủ nước, không hút thuốc lá cũng là những thói quen tốt cần thực hiện để cải thiện tình trạng triglyceride cao.

Như vậy, những người có chỉ số triglyceride cao cần chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên ít nhất 3 tháng 1 lần để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và tư vấn điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital