Cách điều trị sâu răng cửa mặt trong hiệu quả, đảm bảo thẩm mỹ

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Ngô Việt Anh

Bác sĩ Răng Hàm Mặt

Sâu răng cửa mặt trong là bệnh lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tình trạng trạng này được phát hiện và xử lý càng sớm thì càng tăng khả năng giữ lại được răng tự nhiên, việc điều trị cũng dễ dàng, tiết kiệm tiền bạc và thời gian hơn. Dưới đây, bài viết sẽ hướng dẫn tới bạn đọc cách xử trí tình trạng sâu răng cửa mặt trong vừa hiệu quả, đảm bảo thẩm mỹ lại tiết kiệm chi phí.

1. Sâu răng cửa mặt trong là gì?

Sâu răng cửa mặt trong

Cao răng mảng bám lâu ngày cũng có thể gây sâu răng cửa mặt bên trong

Sâu răng cửa mặt trong là tình trạng mặt bên trong của răng cửa xuất hiện các lỗ sâu răng màu đen hay màu nâu xám. Do vấn đề này nằm ở mặt bên trong của răng cửa nên sẽ khó phát hiện bằng mắt thường hơn. Nếu không để hay để ý và có thói quen đi khám răng định kỳ, bệnh nhân chỉ có thể phát hiện ra vấn đề này khi răng sâu xảy ra biểu hiện đau nhức.

Có rất nhiều lý do khiến răng cửa bị sâu mặt trong. Nguyên nhân thường gặp bao gồm:

– Cao răng bám lâu ngày: Mảng bám thức ăn tích tụ trên bề mặt răng do không được vệ sinh đúng cách, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập. Vi khuẩn này có thể phá hủy mô răng và tạo ra lỗ sâu răng cửa mặt trong.

– Vệ sinh răng không đúng cách: Sử dụng bàn chải răng lớn quá hoặc chải răng không đúng cách có thể làm cho mảng bám ở giữa các kẽ răng không bị loại bỏ. Vi khuẩn phát triển ở đây có thể gây sâu răng cửa và các vấn đề nha khoa khác.

– Thói quen hàng ngày: Thói quen xỉa răng sau mỗi bữa ăn có thể làm cho kẽ răng cửa mặt trong trở nên thưa. Điều này làm tăng nguy cơ mảng bám và vi khuẩn gây sâu răng cửa, cũng như có thể làm chân răng chảy máu.

2. Những tác động của sâu răng cửa mặt bên trong đến sức khỏe răng miệng

Sâu răng cửa dù mặt bên trong vẫn ảnh hưởng tới thẩm mỹ của người bệnh

Sâu răng cửa dù mặt bên trong vẫn ảnh hưởng tới thẩm mỹ của người bệnh

Răng cửa bị sâu mặt bên trong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng:

– Ảnh hưởng đến thẩm mỹ nụ cười: Răng cửa nằm ngay phía trước của cung hàm, dễ lộ hộ khi bạn cười hay nói chuyện. Dù là sâu mặt trong nhưng khi chuyển sang mức sâu nặng hơn, răng cửa sẽ bị chuyển màu, chỉ cần nhìn là sẽ thấy. Thậm chí, tình trạng sâu răng mặt trong không được điều trị sớm có thể lan sang sâu mặt ngoài, gây mất thẩm mỹ tới nụ cười, gương mặt của bệnh nhân.

– Gây bệnh lý hôi miệng: Vi khuẩn từ sâu răng cửa có thể tạo ra mùi hôi khó chịu trong khoang miệng. Hôi miệng có thể làm tăng cảm giác tự ti và rụt rè khi giao tiếp với người khác.

– Ảnh hưởng đến chức năng nhai: Răng cửa đóng vai trò quan trọng trong quá trình nhai thức ăn. Sâu răng mặt bên trong có thể gây đau đớn, ảnh hưởng tới chức năng nhai, quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể.

– Không tốt cho sức khỏe răng miệng và toàn thân: Nếu sâu răng cửa không được điều trị kịp thời, chúng có thể tiếp tục phát triển và gây tổn thương nghiêm trọng cho ngà răng. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào tủy răng, gây viêm quanh chóp răng và ảnh hưởng đến sức khỏe toàn răng miệng nói chung.

3. Các cách điều trị sâu răng cửa mặt trong phổ biến và hiệu quả

Bệnh nhân sâu răng cửa cần đi khám để được bác sĩ kiểm tra, tư vấn giải pháp điều trị phù hợp, hiệu quả

Bệnh nhân sâu răng cửa cần đi khám để được bác sĩ kiểm tra, tư vấn giải pháp điều trị phù hợp, hiệu quả

Hiện nay, có nhiều cách giúp điều trị sâu răng cửa mặt bên trong. Việc nên chọn cách nào còn tùy thuộc vào tình trạng sâu răng cửa của bệnh nhân.

3.1. Trám răng cửa bị sâu

Đối với trường hợp sâu răng cửa ở mức độ nhẹ, bệnh nhân thường được bác sĩ nha khoa chỉ định phương pháp trám răng. Với cách này, bác sĩ sẽ tiến hành nạo sạch vết sâu răng cửa rồi sau đó sẽ trám răng để tái tạo hình thể cũng như màu sắc của răng gốc.

Để đạt được hiệu quả trám răng cửa bị sâu, quy trình trám răng cần đảm bảo chuẩn xác, sử dụng vật liệu có chất lượng tốt. Các vật liệu thường được sử dụng phổ biến gồm: nhựa composite, GIC, amalgam, sứ, mạ vàng…

3.2. Bọc sứ để phục hình thẩm mỹ răng cửa bị sâu

Phương pháp này thường được áp dụng với răng cửa bị sâu nặng, khi phương pháp trám răng không thể đảm bảo hiệu quả điều trị. Trước khi bọc mão sứ cho răng sâu, bác sĩ nha khoa cũng sẽ tiến hành nạo sạch các vết sâu, điều trị tủy răng (nếu cần), trám lại rồi mới bóc sứ.

Tùy vào nhu cầu và khả năng chi trả, bệnh nhân sâu răng cửa có thể chọn bọc răng với các loại mão sứ khác nhau. Tuy nhiên, với trường hợp sâu răng cửa, bệnh nhân thường được bác sĩ khuyến khích nên lắp mão toàn sứ. Lựa chọn này sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng đen viền nướu thường xảy ra ở mão răng sứ kim loại.

3.3. Trồng răng giả thay thế răng cửa bị sâu

Nếu răng cửa bị sâu mặt trong đã quá nặng, không thể điều trị phục hồi, bệnh nhân sẽ được bác sĩ nha khoa tư vấn giải pháp trồng răng giả. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ nhổ bỏ hẳn răng gốc để trồng răng mới thay thế cho bệnh nhân.

Tùy vào khả năng chi trả của mình, bệnh nhân có thể chọn làm cầu răng sứ hoặc trồng Implant cho răng cửa. Trong đó, phương pháp Implant được đánh giá nhanh, gọn lại cho tính thẩm mỹ cao, song giá cũng cao hơn phương pháp làm cầu răng sứ.

4. Cách phòng ngừa bệnh sâu răng cửa

Sâu răng cửa là bệnh có thể xảy ra ở bất kể một ai. Do đó, mỗi chúng ta đều cần nâng cao biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe hàm răng thật tốt. Dưới đây là một số cách phòng ngừa bệnh sâu răng cửa đơn giản lại hiệu quả:

– Chăm sóc răng đúng cách: Đánh răng đều đặn ít nhất 2 lần mỗi ngày, một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ và một lần sau khi thức dậy vào buổi sáng.

– Chọn bàn chải và phương pháp chải phù hợp: Sử dụng bàn chải răng có lông mềm và áp dụng phương pháp chải theo chiều dọc hoặc xoay tròn. Tránh chải theo chiều ngang để tránh tình trạng tụt nướu và viêm nhiễm.

– Sử dụng kem đánh răng có chứa fluor và chỉ nha khoa: Lựa chọn kem đánh răng giàu flour, kết hợp với sử dụng chỉ nha khoa để đảm bảo răng được bảo vệ khỏi sự tấn công của vi khuẩn và axit. Sử dụng nước súc miệng để loại bỏ mảng bám và duy trì hơi thở sảng khoái.

– Duy trì lượng nước cần thiết: Uống đủ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày giúp duy trì độ ẩm cho miệng và hỗ trợ quá trình sản xuất nước bọt, giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây sâu răng.

– Chế độ dinh dưỡng cân đối: Tăng cường ăn những thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, canxi, và sắt. Hạn chế ăn vặt và giảm tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột.

– Kiểm tra định kỳ: Khám và lấy cao răng định kỳ 3 – 6 tháng/lần là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe răng miệng cho bạn. Đây cũng là cách để tầm soát sớm các bệnh lý về răng miệng, giúp điều trị sớm và hạn chế những rủi ro có thể xảy ra với răng của bạn.

Như vậy bài viết trên đây đã giải đáp các cách điều trị sâu răng cửa mặt trong hiệu quả, đảm bảo thẩm mỹ. Mọi thắc mắc hoặc muốn nhận tư vấn dịch vụ khám và điều trị răng tại khoa Răng hàm mặt Thu Cúc TCI, khách hàng vui lòng liên hệ ngay để được chuyên gia của chúng tôi hỗ trợ giải đáp chi tiết nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital