Cách chữa trị lẹo mắt ở trẻ em hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Lẹo mắt ở trẻ là một bệnh viêm nhiễm lành tính, nhưng cũng có thể gây nguy hiểm nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, đúng cách. Dưới đây là một số dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng tránh lẹo mắt để bố mẹ nhận biết sớm và chữa trị.

1. Tìm hiểu về bệnh lẹo mắt ở trẻ

1.1 Lẹo mắt ở trẻ là gì?

Lẹo mắt là bệnh thường gặp ở trẻ em. Đây chứng viêm mí mắt cấp tính thường do vi khuẩn (Staphylocoque) hoặc xuất hiện sự xâm nhập của tụ cầu khuẩn vào tuyến chân lông mi. Vi khuẩn gây nhiễm khuẩn cục bộ, sưng đỏ xung quanh rìa bờ mi tạo thành khối nhỏ màu đỏ, ở giữa có nhân vàng. Mắt là cửa sổ tâm hồn của bé, cũng là vị trí nhạy cảm nhất trên khuôn mặt, nên khi bị bệnh trẻ thường khó chịu, đau đớn và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cách chữa lẹo mắt ở trẻ

Lẹo mắt là một bệnh thường gặp ở trẻ

Có 3 dạng lẹo mắt thường thấy:

– Lẹo mắt trong do nhiễm trùng tuyến nhày phần mi mắt: Trường hợp này, lẹo sẽ nằm ở phía trong mi mắt. Khi ta lật mi lên có thể thấy được lẹo. Thậm chí đôi khi ta còn có thể thấy đầu mủ của lẹo.

– Lẹo mắt ngoài do nang lông mi bị nhiễm trùng: Tình trạng này gây đau ở bờ mi. Kích thước và bề dày của lẹo tương đương hạt đậu.

– Đa lẹo: Đây là trường hợp xuất hiện nhiều đầu lẹo trên mi.

1.2 Cách phát hiện lẹo mắt ở trẻ

Khi trẻ bị bệnh lẹo, thường sẽ cảm thấy ngứa quanh mí mắt dẫn đến hành động gãi và dụi quanh mắt. Sau đó mắt sẽ sưng đỏ và trẻ sẽ bắt đầu cảm thấy đau. Sau một vài ngày, vết tổn thương ngày càng sưng to và bắt đầu đỏ hơn ở bên ngoài và có nhân vàng bên trong. Đây là lúc bố mẹ chắc chắn trẻ bị lẹo mắt và cần có biện pháp chữa trị kịp thời cho con. Trong khoảng thời gian này, bố mẹ cần hạn chế tối đa việc bé gãi lên mắt, hành động này sẽ làm vỡ mủ và gây nhiễm trùng. Bên cạnh đó cũng tránh cho bé hoạt động mạnh ra mồ hôi và nên để bé sinh hoạt ở môi trường có không khí trong lành, không bị ảnh hưởng bởi khói bụi và ô nhiễm.

2. Nguyên nhân lẹo mắt cho trẻ

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh về mắt ở trẻ. Ví dụ như thay đổi hormone trong độ tuổi trưởng thành. Hay trẻ rối loạn tiêu hóa khi ăn đồ có tính nóng. Trẻ ăn uống thất thường, thiếu chất. Trẻ bị dị ứng mỹ phẩm và cọ mỹ phẩm không lành tính hoặc không hợp vệ sinh ….

Nhưng nguyên nhân chính chiếm đến 90-95% trường hợp bị bệnh đó là Vi khuẩn Staphylococcus, còn được gọi là tụ cầu khuẩn. Vi khuẩn này thường tập trung nhiều ở mũi của trẻ, khi trẻ dùng tay chạm vào bên trong mũi sau đó đưa lên mặt sẽ khiến vi khuẩn bám vào mi mắt và có cơ hội lây lan và gây bệnh.

3. Cách trị lẹo mắt ở trẻ an toàn, hiệu quả

Thông thường, bệnh lẹo mắt ở trẻ sẽ hết sau 1 tuần kể từ thời điểm khởi phát. Sau thời gian này vết thương sẽ lành dần mà không cần phải can thiệp quá nhiều. Tuy nhiên, bố mẹ cũng có thể dùng một số cách và mẹo dân gian dưới đây để tổn thương ở mắt bé biến mất nhanh hơn:
– Vệ sinh mắt bằng nước muối ấm và bông gòn.Việc này sẽ giúp vết thương thông thoáng và sạch vi khuẩn.

– Dùng khăn nhúng nước ấm, vắt khô kiệt nước rồi đắp lên phần bị sưng.

– Tuyệt đối không tự ý bóp nặn mủ. Hành động này sẽ gây nhiễm trùng ở vết thương, dẫn đến ảnh hưởng xấu đến mắt của bé.

Cách chữa lẹo hữu hiệu

Chườm nóng là phương pháp chữa lẹo hữu hiệu

Bên cạnh đó, trong thời gian bị bệnh, bố mẹ nên chú ý bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho con, tránh cho bé ăn đồ ăn có tính nóng và gây sưng, mủ.

4. Khi nào bị lẹo mắt cần đưa đến bác sĩ

Mặc dù lẹo mắt ở trẻ  là một bệnh thông thường và trong hầu hết trường hợp lẹo mắt không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em. Nhưng nếu bé bị bệnh đi kèm với một số biểu hiện sau đây, bố mẹ cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện có chuyên khoa mắt để được thăm khám kịp thời.

– Trẻ mệt mỏi và bị sốt trên 37 độ.

– Thị lực của trẻ trong thời gian này có vấn đề, không nhìn rõ.

– Mắt vẫn sưng tấy, không thuyên giảm sau 2 ngày từ lúc bệnh khởi phát.

– Mắt và má cùng bên bị sưng tấy và bên dưới mi mắt bị đỏ.

– Mắt bị chảy máu và người bệnh cảm thấy đau hơn mỗi ngày.

– Nhìn cục u sưng lớn hơn theo thời gian và sưng trên toàn bộ cả mí mắt.

Địa chỉ chữa lẹo mắt

Bố mẹ cần đưa con đi khám khi bệnh xuất hiện những biểu hiện bất thường

Khi đến bệnh viện, các bác sĩ sẽ thăm khám và thường chữa trị cho bệnh nhân bằng biện pháp chích lẹo. Vì mắt là bộ phận rất nhạy cảm, nên bố mẹ hãy tìm hiểu kỹ và chọn những bệnh viện có bác sĩ có chuyên môn, tay nghề kỹ thuật cao cùng các máy móc hiện đại để chữa trị dứt điểm, tránh để lại sẹo và gây biến chứng.

5. Cách phòng tránh lẹo mắt ở trẻ

Căn bệnh ở mắt như “lẹo” chủ yếu do vi khuẩn gây ra. Bởi vậy để trẻ không bị bệnh này, bố mẹ cần giữ sạch và không cho vi khuẩn xâm nhập vào đôi mắt và bờ mi của trẻ bằng những biện pháp đơn giản và thiết thực sau:

– Giữ vệ sinh mắt và bờ mi cho trẻ. Đặc biệt là khi trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi.

– Không sử dụng chung khăn mặt với người khác, nhất là khăn mặt ở trường lớp hay nơi công cộng

– Tập cho trẻ rửa tay thường xuyên, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh/ hoạt động bên ngoài

– Tập cho trẻ thói quen không dụi mắt.

Đây không phải là một bệnh khó điều trị. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bố mẹ không phát hiện kịp thời. Khi ấy, có thể bác sĩ cần phải can thiệp bằng cách rạch thoát mủ. Biện pháp này nếu không được bác sĩ có chuyên môn xử lý sẽ dễ gây ra những biến chứng. Vì vậy, bố mẹ nên đến khám Bác sĩ chuyên khoa mắt ngay khi có bất thường ở mắt. Như vậy trẻ sẽ được chẩn đoán và tư vấn về cách chăm sóc mắt an toàn cho con. Bên cạnh đó cũng cần tập cho bé những thói quen tốt để phòng tránh những loại bệnh nguy hiểm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital