Menu xem nhanh:
Đau xung quanh ổ bụng
- Đau xung quanh ổ bụng. (ảnh minh họa)
Ổ bụng là vị trí gồm nhiều cơ quan nội tạng như dạ dày, tá tràng, gan, lách, ruột, hệ tiết niệu,… Ổ bụng là phần bao quanh rốn gồm hai vùng chính là thượng vị (vùng trên rốn) và hạ vị (vùng dưới rốn).
Nếu bạn đau ở vùng ổ bụng nguyên nhân có thể do ăn quá no, ăn nhiều một số loaị thực phẩm giàu chất béo, đầy hơi, không dung nạp lactose, hoặc có thể đau bụng do giun, … Các cơn đau này không quá dữ dội, chúng chỉ làm bạn khó chịu và có thể kéo dài tới vài giờ hoặc vài ngày rồi hết. Đây là một hiện tượng bình thường, không quá nguy hiểm. Tuy nhiên bạn cũng cần chú ý hơn đến sức khỏe, đặc biệt là nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống sao cho phù hợp.
Đau bụng âm ỉ ở vùng thượng vị
Vùng thượng vị là vùng trên của rốn, nếu bạn có biểu hiện đau âm ỉ ở khu vực này, có thể kèm theo triệu chứng đầy hơi. Nguyên nhân có thể do bạn đã ăn quá nhanh, sử dụng các đồ uống có ga, các sản phẩm dễ sinh khí trong dạ dày. Ngoài ra nếu bạn đau bụng ở vùng này và cảm thấy nóng rát ở cổ họng hay đôi khi thấy có mùi vị khó chịu nào đó xộc lên ở cổ mình, thì rất có thể là do chứng ợ nóng (trào ngược axit dạ dày – thực quản) gây ra.
Để hạn chế tình trạng này, bạn cần điều chỉnh lại chế độ ăn của mình như: không nên ăn quá nhanh, không sử dụng các đồ uống có ga, nên đi thăm khám với bác sĩ để sử dụng một số thuốc giúp hỗ trợ trào ngược dạ dày – thực quản.
Đau dữ dội vùng bụng trên
- Đau bụng dữ dội tại vùng bụng phía trên. (ảnh minh họa)
Khi các cơn đau xuất hiện dữ dội ở vị trí này, rất có thể bạn đang bị viêm loét dạ dày. Các biểu hiện như đau nhói, cảm giác buồn nôn, nước tiểu sẫm, có thể đại tiện ra máu, sút cân không rõ nguyên nhân,… Khi đó bạn cần đi thăm khám bác sĩ tiêu hóa sớm, để được tiến hành nội soi dạ dày hoặc đại tràng, từ đó xác định các vị trí viêm, loét, nguyên nhân gây viêm loét và biện pháp điều trị thích hợp.
Đau nhói bụng và đầy hơi
Nếu đột nhiên bạn thấy bụng mình đau nhói chỉ một lúc và kèm theo triệu chứng đầy hơi, điều này rất có thể bạn mắc phải hội chứng ruột kích thích. Hội chứng này sẽ gây rối loạn tiêu hóa, nếu hệ tiêu hóa hoạt động quá nhanh sẽ gây tiêu chảy, nếu chậm chúng thường gây bệnh táo bón.
Mặc dù chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích nhưng các bác sĩ sẽ căn cứ vào thói quen ăn uống, tình trạng dị ứng với thực phẩm (nếu có) của bạn và sử dụng một số biện pháp giúp bạn giảm được triệu chứng khó chịu này.
Đau bụng trên phía bên phải
- Đau bụng trên phía bên phải. (ảnh minh họa)
Khi bị đau bụng dữ dội ở vùng bụng phía trên bên phải, kèm theo các biểu hiện như sốt, run rẩy, buồn nôn, điều này có thể bạn đang bị sỏi mật.
Một số yếu tố nguy cơ có thể kích hoạt hình thành sỏi mật như thừa cân hoặc béo phì, ít vận động; tiêu thụ thực phẩm nhiều chất béo và cholesterol cao, không ăn đủ thực phẩm giàu chất xơ; do di truyền, tiểu đường; do uống thuốc có chứa estrogen như thuốc tránh thai hoặc thuốc trị liệu bằng hormone.
Khi có hiện tượng này, bạn nên đi thăm khám với bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị kịp thời.
Đau bụng dưới bên phải
Đây là vị trí đau bụng nguy hiểm nhất mà bạn cần phải cảnh giác vì rất có thể đây là triệu chứng của viêm ruột thừa. Khi bị viêm ruột thừa, bạn cần được điều trị ngay lập tức nếu không có thể gây tử vong chỉ trong một thời gian rất ngắn.
Các biểu hiện đặc trưng của viêm ruột thừa thường là các cơn đau nhói ở vùng gần rốn hoặc vùng bụng trên, sau đó di chuyển xuống vùng bụng dưới phía bên phải, bụng sưng, sau đó sốt cao, bệnh nhân đau quằn quại khó đi lại hay di chuyển được. Khi này cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Như vậy qua các vị trí đau bụng, chúng ta có thể phần nào đoán được những vấn đề về bệnh lý mà mình có thể đang mắc phải, để từ đó sớm đưa ra biện pháp xử trí tốt nhất.