Các triệu chứng sau khi tiêm vắc xin uốn ván dành cho bà bầu

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ - Bác sĩ

Đặng Thị Kim Hạnh

Trưởng đơn vị Tiêm chủng

Vốn có cơ địa nhạy cảm hơn bình thường, nên khi tiêm phòng uốn ván, chắc chắn các mẹ bầu sẽ ít nhiều lo lắng với những triệu chứng xảy ra sau khi tiêm. Để loại bỏ những băn khoăn này, việc tìm hiểu những triệu chứng sau khi tiêm uốn ván cho bà bầu là cần thiết. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những kiến thức tiêm phòng an toàn cũng như những triệu chứng sau khi tiêm vắc xin uốn ván dành cho bà bầu.

1. Tầm quan trọng của việc tiêm phòng uốn ván dành cho bà bầu

Uốn ván là một loại bệnh nhiễm trùng cấp tính, do trực khuẩn Clostridium Tetani. Sau khi xâm nhập và tấn công cơ thể, vi khuẩn uốn ván sản sinh ra độc tố gây nên các cơn co cứng kèm cảm giác đau đớn. Loại vi khuẩn này có độc tố mạnh, có thể gây ra những triệu chứng nặng nề một cách nhanh chóng cho người bệnh. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong là rất cao.

Ở phụ nữ mang thai, vi khuẩn uốn ván có thể xâm nhập trong lúc sinh nở thông qua các dụng cụ hỗ trợ sinh, qua đường sinh dục,… Đặc biệt, vi khuẩn uốn ván còn dễ xâm nhập theo đường dây rốn vào cơ thể trẻ và gây ra uốn ván sơ sinh. Trong quá trình mang thai, nếu mẹ bầu chưa được tiêm phòng uốn ván, không chỉ bà bầu mà cả trẻ sơ sinh đều có nguy cơ nhiễm uốn ván.

Bởi vì những lý do trên, tiêm vắc xin phòng uốn ván cho bà bầu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Tiêm vắc xin sẽ giúp bảo vệ thai kỳ của cả mẹ và con. Điều này giúp giảm nguy cơ lây nhiễm khi sinh và hỗ trợ kháng thể cho trẻ khi vừa mới sinh ra. Ngoài ra, đây cũng là cách để hạn chế tình trạng nhiễm trùng khi thực hiện cắt dây rốn.

Tầm quan trọng của việc tiêm phòng uốn ván dành cho bà bầu

Tiêm vắc xin phòng uốn ván cho bà bầu sẽ giúp bảo vệ thai kỳ của cả mẹ và bé

2. Một số triệu chứng có thể gặp sau khi tiêm phòng uốn ván cho bà bầu

Theo các nghiên cứu và đánh giá từ nhà sản xuất, vắc xin uốn ván được đánh giá có độ an toàn cao. Vì vậy, mẹ bầu có thể an tâm khi quyết định tiêm phòng uốn ván. Tuy nhiên, trước khi tiêm, mẹ bầu nên có hiểu biết về các triệu chứng sau tiêm vắc xin uốn ván.

2.1. Những triệu chứng sau khi tiêm thường gặp ở mức độ nhẹ

Dưới đây là những triệu chứng thường gặp phải khi mẹ bầu tiêm phòng uốn ván:

– Sưng đau, đau nhức, tê buốt tại vị trí tiêm.

– Sốt nhẹ.

– Đau nhức người, mệt mỏi.

Đây là những triệu chứng thường gặp cho thấy hệ thống miễn dịch của bạn đang hoạt động tích cực để sinh kháng thể. Những triệu chứng này sẽ khỏi hẳn sau khoảng từ 2 đến 3 ngày, đồng thời không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé.

Tuy nhiên, nếu xuất hiện triệu chứng bất thường hoặc tình trạng đau nhức, sốt kéo dài sau khi tiêm, mẹ bầu không nên tự điều trị bằng thuốc mà nên đi khám bác sĩ sớm nhất có thể.

Những triệu chứng sau khi tiêm thường gặp ở mức độ nhẹ

Sau khi tiêm phòng vắc xin uốn ván, mẹ bầu sẽ cảm thấy hơi mệt và sốt nhẹ

2.2. Những triệu chứng sau khi tiêm nặng hiếm gặp

Trong một số ít trường hợp ghi nhận, mẹ bầu sau khi tiêm vắc xin uốn ván có thể xuất hiện một số triệu chứng như:

– Sưng phù ở mặt, miệng, lưỡi, họng và có thể gây khó thở.

– Nổi mẩn ngứa hoặc phát ban toàn thân.

– Hoa mắt chóng mặt.

– Nhịp tim nhanh.

– Cảm giác đau dữ dội, sưng, đỏ thậm chí xuất huyết tại vị trí tiêm.

Khi phát hiện những triệu chứng nghiêm trọng này, mẹ bầu cần được chăm sóc y tế khẩn cấp với sự theo dõi của bác sĩ. Nếu gặp một trong những biểu hiện nặng trên đây, thai phụ nên liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ sớm nhất.

Mẹ bầu cần phân biệt được đâu là những phản ứng thông thường và đâu là những phản ứng nguy hiểm để có thể xử trí kịp thời.

3. Hướng dẫn theo dõi và giảm tác dụng phụ sau khi tiêm uốn ván dành cho bà bầu

3.1. Theo dõi sức khỏe sau khi tiêm dành cho bà bầu

Các triệu chứng sau khi tiêm uốn ván cho bà bầu là khó tránh khỏi nên sau khi tiêm, bạn cần ở lại địa chỉ tiêm phòng tối thiểu 30 phút để theo dõi. Đây là khoảng thời gian cần thiết để phát hiện các dầu hiệu bất thường cho bà bầu vì những triệu chứng nặng sau tiêm chủng hầu hết đều xuất hiện trong vòng 30 phút.

Sau khi từ cơ sở tiêm chủng về nhà, mẹ bầu nên tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe tại nhà. Cần chú ý đến các yếu tố như trạng thái tinh thần, nhiệt độ cơ thể, tình trạng trên da, nhịp thở,… Nếu các triệu chứng chuyển nặng hoặc xuất hiện những dấu hiệu bất thường gia tăng theo thời gian, mẹ bầu hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức và đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Hướng dẫn theo dõi và giảm tác dụng phụ sau khi tiêm uốn ván dành cho bà bầu

Bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ bầu cách chăm sóc sau khi tiêm vắc xin uốn ván

3.2. Cách giảm các triệu chứng sau khi tiêm uốn ván dành cho bà bầu

Để giảm tác dụng phụ khi tiêm uốn ván, mẹ bầu có thể áp dụng một số cách sau:

– Chườm lạnh tại vị trí tiêm trong khoảng 15 phút để giảm bớt tình trạng sưng đau. Khi chườm mẹ bầu nên thể dùng túi chườm lạnh y tế, không áp đá lạnh trực tiếp lên vết tiêm.

– Giữ vết tiêm sạch sẽ, khô ráo, không chà xát mạnh.

– Uống nhiều nước để điều hòa thân nhiệt và bù lại lượng nước đã mất khỏi cơ thể do sốt.

– Sử dụng thuốc giảm đau dưới sự chỉ định của bác sĩ để giảm bớt cảm giác đau đớn.

Ngoài ra, sau khi tiêm vắc xin, bà bầu cũng nên kiêng một số điều sau để đảm bảo hiệu quả tiêm phòng tốt nhất:

– Không sử dụng rượu bia hay các chất kích thích sau khi tiêm phòng.

– Hạn chế những vận động mạnh, cử động mạnh ở vết tiêm.

– Tránh làm tổn thương hoặc nhiễm trùng vết tiêm, tuyệt đối không bôi bất cứ thứ gì lên vết tiêm.

Trên đây là những triệu chứng và cách xử lý dành cho mẹ bầu sau khi tiêm vắc xin uốn ván để đảm bảo quá trình chủng ngừa an toàn, hiệu quả. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, hãy liên hệ ngay với chúng tôi – Thu Cúc TCI để được hỗ trợ và giải đáp sớm nhất nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital