Các triệu chứng sau khi tiêm vắc xin cúm mà cha mẹ cần biết

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ - Bác sĩ

Đặng Thị Kim Hạnh

Trưởng đơn vị Tiêm chủng

Cúm là bệnh lý thường gặp do nhiều loại virus cúm gây nên và có khả năng lây nhiễm cao. Mọi lứa tuổi đều có khả năng mắc bệnh và thường sẽ xảy ra theo mùa. Vì vậy, cha mẹ cần chủ động cho trẻ chủng ngừa vắc xin cúm đúng lịch để duy trì hiệu quả phòng bệnh tối ưu nhất. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý các triệu chứng sau khi tiêm vắc xin cúm để biết cách chăm sóc cho con. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết dưới đây của Thu Cúc TCI nhé.

1. Tổng quan về bệnh cúm và vắc xin tiêm phòng bệnh

1.1. Cúm là gì?

Virus cúm hiện nay bao gồm 3 chủng là A, B và C. Trong đó, chủng gây cúm A thường là nguyên nhân gây ra nhiều đại dịch cúm trên thế giới (H1N2, H5N5, H1N5,…). Thường đi cùng với cúm A là cúm B, nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh cúm nhẹ hơn. Cúm C thường chỉ gây những bệnh nhẹ như cảm lạnh.

Virus cúm thường lây truyền từ người này sang người khác thông qua đường hô hấp. Bệnh cúm cũng có thể lây truyền qua việc tiếp xúc với mầm bệnh như tiếp xúc tay với người bệnh, sử dụng chung điện thoại, điều khiển tivi với người bệnh,… rồi đưa tay có dính virus lên mắt, mũi hoặc miệng.

Vai trò của việc tiêm phòng cúm

Cúm là bệnh truyền nhiễm thường gặp và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ

1.2. Tiêm chủng vắc xin cúm cho trẻ và cơ chế hoạt động của vắc xin

Vắc xin cúm là vắc xin bất hoạt, được nghiên cứu và sản xuất ​​từ virus cúm đã chết hoặc được làm suy yếu nhằm kích thích cơ thể tạo kháng thể chống lại sự tấn công của virus. Do đã được làm yếu nên các kháng nguyên virus này không có khả năng gây bệnh đến cơ thể người tiêm. Vắc xin cúm được chứng minh giúp giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm và giảm tỷ lệ tử vong do cúm đến 90%.

Tiêm vắc xin phòng cúm đủ mũi và đúng lộ trình không chỉ giúp phòng bệnh cho mỗi cá nhân mà còn đem lại khả năng bảo vệ sức khỏe cho toàn cộng đồng. Từ đó cả cộng đồng sẽ dần dần được miễn dịch và tránh bùng phát dịch bệnh.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tất cả trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi đều nên bắt đầu đi tiêm phòng cúm hàng năm. Đây là lứa tuổi dễ mắc bệnh nhất và dễ có nguy cơ xảy ra biến chứng do bệnh gây ra.

2. Những điều cần biết về các triệu chứng sau tiêm vắc xin cúm ở trẻ

2.1. Các triệu chứng sau khi tiêm vắc xin cúm thường gặp

Sau khi tiêm vắc xin cúm, tùy theo thể trạng của trẻ mà cơ thể sẽ xuất hiện các phản ứng phụ khác nhau. Một số triệu chứng thường gặp sau khi tiêm vắc xin cúm có thể kể đến như:

– Phản ứng sốt: Sốt nhẹ là một trong những phản ứng thường xảy ra sau khi tiêm vắc xin phòng cúm. Tuy nhiên hiện tượng này chỉ là phản ứng bình thường của cơ thể sau khi tiêm. Vì vậy, cha mẹ không nên quá lo lắng về tình trạng này. Tuy nhiên, nếu tình trạng sốt của trẻ có dấu hiệu nặng hơn, sốt cao đi kèm với biểu hiện phát ban, co giật thì cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.

– Các phản ứng tại vị trí tiêm: Sau khi tiêm vắc xin cúm, trẻ có thể sẽ xảy ra tình trạng sưng đau tại vị trí tiêm và các vùng xung quanh vết tiêm. Đây cũng là hiện tượng hết sức bình thường và tự biến mất sau vài ngày. Trong lúc này, cha mẹ tuyệt đối không nên chườm đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm và xung quanh vết tiêm để tránh nguy cơ bị nhiễm trùng.

Dù đây là những phản ứng thường gặp, tuy nhiên cha mẹ vân nên theo dõi những biểu hiện ở cơ thể trẻ. Nếu bệnh tiến triển nặng hơn cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để bác sĩ điều trị.

Các triệu chứng sau khi tiêm vắc xin cúm thường gặp

Sốt là phản ứng thường gặp sau khi tiêm vắc xin phòng cúm cho trẻ nhỏ

2.2. Các triệu chứng sau khi tiêm vắc xin cúm hiếm gặp

Trong một số trường hợp hiếm gặp, trẻ có thể gặp các phản ứng dưới đây sau khi tiêm vắc xin cúm:

– Khó thở hoặc thở khò khè, chóng mặt, tim đập nhanh, da dẻ xanh xao và thể trạng yếu.

– Cơ thể nổi ban, hay nổi mẩn không rõ lý do.

– Hội chứng Guillain-Barré (GBS), đây là tình trạng hệ thống miễn dịch bị tấn công khiến các dây thần kinh bị tổn thương, gây yếu cơ hoặc thậm chí tê liệt. Hội chứng này chỉ kéo dài trong vài tuần và tuy nhiên có thể gây nên các vấn đề về thần kinh sau khi hồi phục bệnh. Dù vậy, nguy cơ mắc hội chứng GBS là cực kỳ hy hữu, với tỷ lệ khoảng 1 đến 2 người mắc trên 1 triệu người.

Tất cả các dấu hiệu nghiêm trọng sau khi chích ngừa đều cần được chú ý theo dõi để có thể kịp thời xử lý. Nếu trong trường hợp cơ thể trẻ xuất hiện các biểu hiện bất thường kể trên, cha mẹ nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Chú ý các phản ứng phụ sau khi tiêm vắc xin hiếm gặp để điều trị kịp thời

Phát ban hay nổi mẩn đỏ trên toàn cơ thẻ là biểu hiện bệnh nguy hiểm, cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời

3. Hướng dẫn chăm sóc trẻ sau tiêm phòng vắc xin cúm

Sau khi tiêm vắc xin phòng cúm, trẻ cần được theo dõi tại khu vực tiêm khoảng 30 phút và tiếp tục theo dõi tại nhà từ 2 – 3 ngày sau. Đối với các phản ứng cơ bản và thường gặp kẻ trên, cha mẹ có thể thực hiện một số điều đơn giản sau đây:

– Khi xuất hiện triệu chứng đau nhức, cha mẹ có thể dùng thuốc giảm đau, tuy nhiên cần hỏi trước với bác sĩ về loại thuốc và liều lượng sử dụng cho trẻ.

– Khi trẻ bị sốt, nên cho trẻ uống nhiều nước lọc, có thể sử dụng các loại nước điện giải không đường, các loại nước ép trái cây,… giúp cải thiện sức đề kháng và hạ sốt nhanh chóng. Nên cho trẻ mặc đồ thoáng khí, thấm hút mồ hôi. Nếu sốt cao, có thể sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ với sự chỉ định của bác sĩ. Không nên lạm dụng thuốc hạ sốt vì sẽ ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khỏe của trẻ.

Trên đây là các phản ứng có thể gặp sau khi tiêm vắc xin cúm mà cha mẹ cần biết. Mong rằng với những thông tin trên, cha mẹ đã có cho mình những kiến thức cần thiết để chăm sóc trẻ sau khi tiêm chủng vắc xin cúm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital