Các rối loạn nhịp tim thường gặp và cách nhận biết

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Rối loạn nhịp tim là nguyên nhân của 80% ca đột tử hiện nay. Bệnh tồn tại dưới rất nhiều dạng khác nhau và gây những ảnh hưởng đến không giống nhau đến người bệnh. Bài viết sau đây sẽ chia sẻ các rối loạn nhịp tim thường gặp và cách nhận biết. 

1. Rối loạn nhịp tim là gì và gồm những dạng nào?

Bình thường trong mỗi một chu kỳ co bóp của tim, xung động điện sẽ lan toả ra tâm nhĩ trước làm tâm nhĩ co lại, khiến máu đi từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Sau đó xung động điện đi tới tâm thất theo một hệ thống dẫn truyền. Lúc này 2 tâm thất co bóp cùng một lúc. Tâm thất phải co đẩy máu lên phổi. Tâm thất trái co đẩy máu đến các cơ quan trong cơ thể. Khi tim co bóp đều đặn, máu sẽ được đưa nhịp nhàng đến khắp các cơ quan.

Quả tim bình thường dao động từ 60 – 100 nhịp/phút. Tuy nhiên khi qua trình điện học xảy ra rối loạn, chỉ số này có thể tăng hoặc giảm bất thường, dưới 60 nhịp/phút hoặc trên 100 nhịp/phút và được gọi là rối loạn nhịp tim.

Dựa vào vị trí phát nhịp bất thường, tần số tim ghi nhận được, nguyên nhân và đặc điểm của nhịp tim, rối loạn nhịp tim được phân loại thành rất nhiều dạng khác nhau như nhanh trên thất, nhịp nhanh xoang, ngoại tâm thu, rung nhĩ,…

rối loạn nhịp tim là gì, có các dạng nào?

Rối loạn nhịp tim là tình trạng tim đập dưới 60 nhịp/phút hoặc trên 100 nhịp/phút, được chia làm nhiều loại khác nhau

2. Các rối loạn nhịp tim thường gặp và các dấu hiệu nhận biết

2.1 Nhịp nhanh xoang

Nhịp nhanh xoang là loại nhịp tim nhanh xảy ra do các nút xoang bị kích thích. Tần số tim khi mắc bệnh này thường từ 100 lần/phút trở lên và có thể lên tới 140 lần/phút ở người trưởng thành. 

Ở trẻ sơ sinh, nhịp nhanh xoang thậm chí có thể vượt quá 200 lần/phút. Nhịp nhanh xoang thường xảy ra khi gắng sức hay khi thay đổi tư thế.

Các triệu chứng nhịp nhanh xoang gồm:

– Hồi hộp đánh trống ngực

– Khó thở

– Đau nặng ngực

– Run tay

– Hoa mắt, choáng váng

2.2 Rung nhĩ – Một trong các rối loạn nhịp tim thường gặp khiến quá trình bơm máu bất thường

Trong rung nhĩ, xung động điện hình thành rất nhanh, thậm chí có thể lên tới > 400 lần/phút và không đều. Lúc này hai buồng tâm nhĩ không còn co bóp nhịp nhàng mà “rung lên” vì thế quá trình bơm máu kém hiệu quả. Nếu tất cả những xung động này đều được truyền xuống tâm thất thì sẽ gây hiện tượng tương tự ở thất, làm cho máu không được bơm ra khỏi tim. Điều này có thể gây tụt huyết áp đột ngột thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. 

Người bị rung nhĩ có thể không xuất hiện bất cứ triệu chứng gì, một số khác lại thấy các triệu chứng khó chịu như:

– Cảm giác đánh trống ngực

– Khó thở

– Hụt hơi

– Choáng váng

– Vã mồ hôi

– Đau ngực

Rung nhĩ không được điều trị khiến tim thường xuyên phải đập rất nhanh, làm tim giãn ra và tống máu không hiệu quả, gây ra suy tim. Điều này có thể gây khó thở, cảm giác mệt mỏi cho bệnh nhân, làm giảm khả năng hoạt động thể lực và gây phù.

Rung nhĩ là một trong các rối loạn nhịp tim thường gặp

Rung nhĩ là một trong các rối loạn nhịp tim phức tạp.

2.3 Nhịp nhanh thất

Nhịp nhanh thất là rối loạn nhịp tim nhanh có vị trí xuất phát từ tâm thất, từ chỗ phân nhánh của bó His trở xuống. Nhịp nhanh thất thường có tần số tim dao động từ 100 – 200 chu kỳ/phút. Nếu tần số tim từ 250 đến 300 chu kỳ/phút là cuồng thất.

Bệnh có thể không biểu hiện triệu chứng hoặc biểu hiện các triệu chứng rất nặng như:

– Đánh trống ngực

– Tức nặng và chèn ép ở ngực, đau thắt ngực

– Tụt huyết áp

– Rối loạn huyết động và tử vong

Các triệu chứng thường là khởi phát và kết thúc không đột ngột như cơn nhịp nhanh trên thất.

2.4 Rung thất – Một trong các rối loạn nhịp tim thường gặp và nguy hiểm nhất

Rung thất là tình trạng tim đập nhanh một cách bất thường, xung điện rối loạn. Điều này khiến cơ tim ở tâm thất rung lên, làm tần số tim cao hơn bình thường nhiều lần và không bơm máu được ra động mạch như co bóp thông thường. Rung thất khiến máu không được bơm đủ đến các cơ quan trong cơ thể, bệnh nhân có thể nhanh chóng rối loạn và dẫn tới tử vong. Đây là một cấp cứu y tế nguy hiểm bởi bệnh tiến triển nhanh và có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Người bệnh thường xuất hiện một vài triệu chứng khoảng 1 giờ trước khi cơn rung thất xảy ra: 

– Chóng mặt

– Buồn nôn

– Đau ngực

– Khó thở hoặc thở nông

Các triệu chứng trong cơn rung thất gồm:

– Mất dần ý thức

– Ngất xỉu

– Mất mạch

– Ngừng thở

2.5 Block nhánh phải

Block nhánh phải là tình trạng xảy ra khi các xung điện truyền qua buồng tim bên phải bị chậm hơn buồng tim bên trái. Điều này khiến hai bên tim không co bóp đồng thời. Thường tâm thất phải sẽ co bóp muộn hơn bình thường.

Block nhánh phải gồm block nhánh phải hoàn toàn và block nhánh phải không hoàn toàn. Trong đó, block nhánh phải không hoàn toàn là thể nhẹ hơn.

Bệnh này không phải lúc nào cũng có triệu chứng, ngay cả những người mắc block nhánh phải trong nhiều năm. Người bệnh thường chỉ tình cờ phát hiện bệnh khi đo điện tâm đồ lúc thăm khám bệnh khác.

Một số dấu hiệu có thể cảnh báo block nhánh phải là: 

– Hồi hộp, đánh trống ngực

– Đau ngực, nặng ngực

– Khó thở, mệt mỏi

– Chóng mặt

Các triệu chứng của block nhánh phải hoàn toàn thường rõ rệt hơn block nhánh phải không hoàn toàn. Nhịp tim thậm chí có thể xuống dưới 40 nhịp/phút khiến người bệnh bị choáng ngất, ngưng tim tạm thời.

Rối loạn nhịp tim dạng block nhánh phải

Block nhánh phải hoàn toàn là rối loạn nhịp nguy hiểm.

2.6 Ngoại tâm thu

Đây là loại rối loạn nhịp tim thường gặp nhất, có thể xảy ra trên cả những người có hoặc không có bệnh tim

Thực tế trên những người khỏe mạnh, ngoại tâm thu thường không có gì nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có cấu trúc tim bất thường, ngoại tâm thu thất có khả năng làm tăng nguy cơ đột tử. 

Những trường hợp rất nhẹ, ngoại tâm thu ít, thưa, hầu như không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, khi khám thường không có bệnh tim gì khác. 

Những trường hợp nặng, ngoại tâm thu xuất hiện dày, kèm theo các triệu chứng:

– Khó thở

– Mệt mỏi

– Đánh trống ngực

2.7 Rối loạn thần kinh tim

Đây là tình trạng thần kinh thực vật bị rối loạn nhưng thường lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng. Các triệu chứng của bệnh gồm:

– Tim đập nhanh hoặc chậm

– Người bệnh dễ hồi hộp, choáng váng, chóng mặt, ngất

– Loạn nhịp tim

– Tăng huyết áp

– Mệt mỏi

– Đau tức hoặc đau nhói  ở vùng tim hoặc vùng ngực

Tuy không gây tổn thương thực thể trên tim nhưng tình trạng rối loạn trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Như vậy, chúng ta vừa tìm hiểu về các rối loạn nhịp thường gặp và cách nhận biết, phân biệt. Tuy nhiên, các kiến thức này chỉ mang tính tham khảo, không thể thay thế các chẩn đoán và điều trị y khoa. Khi có các triệu chứng bất thường về nhịp tim, đừng quên thăm khám sớm chuyên khoa Tim mạch để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital