Các phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm gan B 

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Viêm gan B là bệnh lý về ngan khá nguy hiểm. Nếu người bệnh không được chẩn đoán và điều trị viêm gan B kịp thời và hiệu quả có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa đến tính mạng như  xơ gan, ung thư gan,…

1. Chẩn đoán viêm gan B

Các xét nghiệm cận lâm sàng là cơ sở quan trọng để các bác sĩ kết luận một người có mắc viêm gan B hay không

Các xét nghiệm cận lâm sàng là cơ sở quan trọng để các bác sĩ kết luận một người có mắc viêm gan B hay không

Để xác định một người có mắc viêm gan B hay không nếu chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng như mệt mỏi, đau bụng phải, vàng mắt, vàng da,… là chưa đủ. Bác sĩ cần được hỗ trợ bởi các xét nghiệm dưới đây:

– Xét nghiệm HBsAg: HBsAg hay còn gọi là kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B. Nếu kết quả là HBsAg dương tính nghĩa là cơ thể người bệnh đang nhiễm virus viêm gan B.

– Xét nghiệm Anti-HBs: Đây là xét nghiệm nhằm mục đích kiểm tra khả năng miễn dịch của cơ thể người bệnh đối với virus viêm gan B. Trường hợp người đã được tiêm vắc xin ngừa viêm gan B hoặc đã nhiễm loại virus này và khỏi bệnh, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể. Lúc này xét nghiệm anti-HBs sẽ cho kết quả dương tính. Nồng độ Anti-HBs >10mUI/ml có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi loại virus viêm gan B này.

Trên đây là 2 loại xét nghiệm nhằm chẩn đoán virus viêm gan B và đánh giá khả năng miễn dịch của cơ thể với virus này. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định kèm theo các xét nghiệm khác  như xét nghiệm men gan AST, ALT, Anti-HBe, HBeAg, Anti-HBc,… Các xét nghiệm này có vai trò đánh giá chức năng gan, lượng virus và khả năng nhân lên của virus này. Từ đó bác sĩ có thể đưa ra hướng điều trị thích hợp.

2. Điều trị viêm gan B

Tùy vào trường hợp viêm gan B cấp hay mãn tính mà phác đồ điều trị khác nhau.

2.1. Điều trị viêm gan B cấp tính

Đối với viêm gan B cấp tính việc điều trị thực chất là hỗ trợ là chủ yếu:

– Nghỉ ngơi tuyệt đối trong thời kỳ xuất hiện triệu chứng lâm sàng

– Thực hiện ăn uông theo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi nhằm bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết.

– Hạn chế sử dụng chất béo, giảm muối, hạn chế rượu bia tối đa, tránh các thuốc chuyển hóa qua gan

– Tăng cường uống nước để đẩy nhanh quá trình trao đổi, thải lọc các chất độc hại ra ngoài cơ thể.

– Khi khỏi bệnh người bệnh vẫn cần duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ nhằm bảo vệ gan

Nhìn chung, viêm gan B cấp tính không cần sử dụng thuốc để điều trị. Tuy nhiên bệnh nhân cần theo dõi và thăm khám thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ

2.2. Điều trị viêm gan B mạn tính

Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà điều trị viêm gan B sẽ khác nhau

Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà điều trị viêm gan B sẽ khác nhau

Theo quyết định số 5448/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 30/12/2014, điều trị viêm gan B mãn tính như sau:

– Thuốc ức chế sự sao chép virus viêm gan B (dùng theo đường uống): Việc điều trị bằng thuốc kháng virus là một quá trình lâu dài. Chính vì vậy người bệnh cần phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ để tránh tạo ra các chủng virus đề kháng.

– Entecavir (ETV) 0,5mg/ngày hoặc Tenofovir (TDF) 300mg/ngày

– Lamivudin (LAM) 100mg/ngày sử dụng đối với người mắc xơ gan mất bù hoặc phụ nữ đang mang thai.

– Thuốc Adefovir (ADV) được dùng phối hợp với thuốc lamivudine khi xuất hiện tình trạng kháng thuốc

– Thuốc tiêm interferon: Thuốc interferon có tác dụng kích thích hệ miễn dịch, tiêu diệt virus và các tế bào bị virus xâm nhập. Hiện có 2 loại thuốc tiêm đó là:

+ Interferon alpha tiêm dưới da cho người bệnh 3-5 lần/tuần

+ Peg-interferon alpha tiêm dưới da cho người bệnh 1 lần/tuần

Liệu trình điều trị viêm gan B kéo dài từ 6 đến 12 tháng. Trong khoảng thời gian này người bệnh cần theo dõi chặt chẽ tác dụng phụ của thuốc. Nếu có bất thường cần báo ngay với bác sĩ để xử trí kịp thời. Thuốc tiêm interferon được ưu tiên sử dụng trong các trường hợp như nhiễm đồng thời virus viêm gan D, phụ nữ muốn sinh con, không dung nạp hoặc thất bại điều trị với thuốc ức chế sao chép virus qua đường uống.

Lưu ý tác dụng phụ

Các thuốc kháng virus dùng đường uống thường ít xuất hiện tác dụng phụ. Tuy nhiên thuốc Adefovir và Tenofovir có thể gây độc cho thận nhưng rất ít xảy ra. Trong khi đó thuốc tiêm interferon thường nhiều tác dụng phụ hơn. Các triệu chứng thường gặp nhất là mệt mỏi, buồn nôn, nôn, giả cúm…Một số tác dụng phụ khác như dị ứng, rụng tóc, giảm bạch cầu.

3. Một số trường hợp đặc biệt trong điều trị viêm gan B mạn tính

3.1. Viêm gan B mạn tính ở trẻ em

– ETV cho trẻ em ≥ 2 tuổi và trẻ ≥10kg với liều thay đổi tùy cân nặng

– Trường hợp kháng LAM thì cần tăng liều ETV lên gấp đôi

– LAM sử dụng 1 lần/ngày

– ADV được sử dụng cho những trẻ em ≥12 tuổi

– TDF được dùng cho trẻ em ≥12 tuổi đồng thời ≥ 35 kg

– Interferon alpha được áp dụng cho trẻ em trên 12 tháng tuổi

3.2. Phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai cần cẩn trọng khi mắc viêm gan B

Phụ nữ mang thai cần cẩn trọng khi mắc viêm gan B

Nếu phụ nữ đang mang thai mắc viêm gan B mạn tính cần lưu ý:

– Trường hợp có thể trì hoãn: Nếu có thể trì hoãn điều trị cho thai phụ thì cần theo dõi sát sao triệu chứng lâm sàng và tiến hành xét nghiệm.

– Trường hợp không thể trì hoãn: Nếu phải điều trị dùng thuốc TDF

– Trường hợp phụ nữ đang điều trị bệnh viêm gan B mạn tính và muốn có thai: Nếu đang sử dụng thuốc ETV thì ngừng cần thuốc này trước khi mang thai 2 tháng và chuyển sang dùng thuốc TDF.

– Trường hợp đang điều trị bệnh viêm gan B mạn tính thì mang thai: Dùng thuốc TDF trong thời gian 3 tháng cuối thai kỳ, có thể dùng thuốc TDF hoặc LAM.

3.3. Nhiễm đồng thời cả 2 virus viêm gan B và C

Điều trị theo phác đồ chuẩn của bệnh viêm gan C.

Trên đây là các thông tin về điều trị viêm gan B cũng như các phương pháp chẩn đoán. Khi có dấu hiệu nghi ngờ bạn cần đến các cơ sở chuyên khoa uy tín để điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital