Ung thư cổ tử cung được đánh giá là căn bệnh nguy hiểm không thua kém gì ung thư vú. Vì vậy, tầm soát ung thư cổ tử cung sớm là giải pháp giúp bảo vệ sức khỏe phụ nữ hiệu quả hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu về phương pháp này, chị em sẽ có nhiều thắc mắc về quy trình tầm soát ung thư cổ tử cung diễn ra như thế nào. Vậy hãy cùng tìm hiểu ngay về quy trình này trong bài viết nhé!
Menu xem nhanh:
1. Giá trị mà tầm soát ung thư cổ tử cung mang lại cho chị em
1.1. Tầm soát ung thư cổ tử cung là gì?
Tầm soát ung thư cổ tử cung là quá trình kiểm tra và sàng lọc để tìm ra các tế bào ung thư có trong cổ tử cung trước khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Từ đó, làm tăng cơ hội điều trị khỏi bệnh và nâng cao cơ hội sống sót cho người bệnh.
Kể từ khi các phương pháp tầm soát ung thư công nghệ cao ra đời và được ứng dụng rộng rãi thì tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư cổ tử cung đã giảm một cách đáng kể. Hiện nay có một số phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung được áp dụng phổ biến đó là:
– Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung Pap smear/ Cellprep/ Thinprep.
– Soi cổ tử cung .
– Xét nghiệm HPV DNA.
1.2. Ý nghĩa của việc tầm soát ung thư cổ tử cung
Tầm soát ung thư cổ tử cung rất quan trọng đối với chị em, đặc biệt là những người ở độ tuổi trung niên từ 35 đến 44 tuổi. Chủ động sàng lọc và kiểm tra ung thư cổ tử cung sẽ giúp chị em:
– Phát hiện tình trạng nhiễm virus HPV, đặc biệt là virus HPV16 và HPV18 – hai chủng chiếm đến 70% nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung.
– Phát hiện sớm tình trạng tiền ung thư và điều trị kịp thời giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung phát triển
– Phát hiện những dấu hiệu bất thường có nguy cơ dẫn tới ung thư cổ tử cung để ngăn chặn kịp thời.
– Phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn khởi phát sẽ giúp việc điều trị bệnh ít xâm lấn và dễ dàng hơn cho người bệnh.
2. Các bước khám trong quy trình tầm soát ung thư cổ tử cung hiện nay
2.1. Các bước khám cơ bản trong quy trình tầm soát ung thư cổ tử cung
Quy trình tầm soát được sắp xếp hợp lý, khoa học bao gồm 4 bước:
Bước 1: Khám lâm sàng
Ở bước này chị em sẽ được khám các danh mục:
– Khám thể lực gồm đo cân nặng, chiều cao, huyết áp và nhịp tim.
– Việc khám lâm sàng để các bác sĩ có thể nắm rõ tình trạng sức khỏe hiện tại và đề ra các phương hướng thăm khám tiếp theo.
Bước 2: Khám phụ khoa
Một trong những bước để tầm soát ung thư cổ tử cung là khám phụ khoa. Khám phụ khoa sẽ giúp kiểm tra tử cung và cổ tử cung. Trong trường hợp phát hiện những triệu chứng bất thường nghi ngờ là dấu hiệu ung thư cổ tử cung, bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm khác như Pap smear/ Thinprep Pap hoặc sinh thiết cổ tử cung để kiểm tra mức độ phát triển của các tế bào ung thư.
Khám phụ khoa không thể khẳng định chính xác bệnh nhân có mắc ung thư cổ tử cung hay không. Tuy nhiên, khám phụ khoa sẽ giúp phát hiện những dấu hiệu ban đầu của bệnh như tình trạng viêm nhiễm, tổn thương ở cổ tử cung,…
Bước 3: Thực hiện các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung
Ở bước này, chị em sẽ thực hiện các xét nghiệm ung thư cổ tử cung. Thông thường, chị em sẽ thực hiện một hoặc nhiều phương pháp xét nghiệm sau:
– Xét nghiệm HPV test: Đây là xét nghiệm giúp phát hiện chính xác sự hiện diện của virus HPV và có tỷ lệ chính xác cao hơn xét nghiệm Pap smear. Phương pháp này có thể phát hiện nhanh chóng 2 chủng virus có nguy cơ cao HPV 16 và HPV 18, nguyên nhân chính gây nên căn bệnh ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, xét nghiệm HPV DNA không khẳng định 100% chị em có mắc ung thư cổ tử cung hay không. Nhưng dựa vào kết quả xét nghiệm này có thể phát hiện được sự tồn tại của virus, nhờ đó đánh giá được nguy cơ mắc bệnh trong tương lai. Thông thường, xét nghiệm HPV DNA thường được kết hợp cùng xét nghiệm Pap Smear/ Thinprep để phát hiện và đánh giá nguy cơ gây ung thư cổ tử cung từ sớm.
– Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap Smear/ Thinprep) là giúp phát hiện những biến đổi bất thường ở cổ tử cung. Sự xuất hiện của các tế bào bất thường này chính là dấu hiệu tiền ung thư ở giai đoạn khởi phát. Trong đó, xét nghiệm Thinprep là ra đời sau và được cải tiến để mang lại kết quả chẩn đoán chính xác hơn xét nghiệm Pap Smear.
Bước 4: Đọc kết quả và tư vấn với bác sĩ
Sau khi thực hiện tất cả các bước khám ở trên, bác sĩ đọc kết quả và chẩn đoán tình trạng bệnh.
2.2. Các phương pháp bổ sung cho quy trình tầm soát ung thư cổ tử cung
Trong trường hợp phát hiện có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung hoặc kết quả trên chưa đủ để đưa ra kết luận, bác sĩ sẽ yêu cầu chị em thực hiện thêm một số phương pháp khác để chẩn đoán chính xác hơn như:
– Chụp cộng hưởng từ MRI vùng tiểu khung.
– Soi cổ tử cung.
– Sinh thiết tế bào.
3. Lưu ý dành cho chi em khi thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung
Trước khi thực hiện kiểm tra và sàng lọc ung thư cổ tử cung, có một số lưu ý mà chị em cần quan tâm:
– Không sử dụng các loại kem/ gel bôi trơn âm đạo trong vòng 24 giờ trước khi khám.
– Không thực hiện tầm soát trong vòng 24 giờ sau khi quan hệ tình dục.
– Không thực hiện sàng lọc trong những ngày có kinh nguyệt vì có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng mẫu thu thập được. Thời điểm phù hợp nhất để thực hiện là khoảng sau 10 đến 14 ngày khi kết thúc kỳ kinh nguyệt.
– Không thụt rửa âm đạo trong vòng 2 đến 3 ngày trước khi khám.
– Cần thông báo ngay với bác sĩ nếu đang đặt thuốc hoặc đang trong quá trình điều trị viêm nhiễm phụ khoa.
Ngoài những lưu ý trên, chị em cũng nên cân nhắc khám ở những cơ sở y tế uy tín để đảm bảo chất lượng khám.
Hệ thống y tế Thu Cúc TCI là một trong những cái địa chỉ khám bệnh mà chị em có thể cân nhắc. Tại đây, bạn có sử dụng trọn gói tầm soát ung thư trong đó có tầm soát ung thư cổ tử cung. Với hệ thống máy móc y tế hiện đại, thăm khám trực tiếp bởi các bác sĩ chuyên môn cao, chắc chắn sẽ mang tới cho chị em trải nghiệm thăm khám an toàn, chính xác.
Trên đây là thông tin chi tiết về các bước trong quy trình sàng lọc ung thư cổ tử cung. Hy vọng chị em sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về biện pháp bảo vệ sức khỏe ý nghĩa này.