Ê buốt răng là một bệnh phổ biến, đặc biệt là ê buốt răng hàm trên. Buốt răng sẽ khiến người bệnh khó chịu và gặp khó khăn trong ăn uống. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về bệnh này!
Menu xem nhanh:
1. Ê buốt răng hàm trên là gì?
Ê buốt răng chính là hiện tượng người bệnh sẽ cảm thấy đau nhói khi ăn thức ăn quá nóng, quá lạnh hoặc quá cứng. Bệnh xảy ra ở những người có lớp men răng và ngà răng bị tổn thương, khiến các dây thần kinh trong tủy răng bị kích thích, gây ê buốt.
Những cảm giác này nếu xuất hiện ở răng hàm trên thì được gọi là ê buốt răng hàm trên. Tuy bệnh có thể được khắc phục và điều trị nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một vài bệnh lý như: đau răng, nha chu, viêm nha chu, viêm nướu…
2. Những nguyên nhân khiến răng hàm trên bị ê buốt?
2.1. Ăn thực phẩm có tính axit gây buốt răng hàm trên
Axit từ các loại thực phẩm chính là “kẻ thù” của men răng. Một số thực phẩm phổ biến giàu axit phải kể đến bao gồm: ngũ cốc, đường, chế phẩm từ sữa, các loại thực phẩm giàu protein và các đồ uống ngọt khác… Nếu dùng nhiều và không vệ sinh kỹ, các mảng bám thực phẩm sẽ tích tụ trên răng và gây ra sâu răng, viêm nha chu… khiến men răng bị mài mòn.
2.2. Sử dụng nước súc miệng trong thời gian dài
Cũng giống như thực phẩm có axit, một số loại nước súc miệng cũng có chứa axit. Do đó, sử dụng nước súc miệng trong hằng ngày sẽ khiến lớp men răng và ngà răng bị tổn thương.
2.3. Đánh răng không đúng cách
Đánh răng quá mạnh, đánh răng nhiều lần trong ngày hay sử dụng bàn chải lông quá cứng đánh răng… đều là những nguyên nhân làm mòn men răng. Từ đó, tủy răng sẽ chịu tác động trực tiếp từ thực phẩm, gây cảm giác ê buốt.
2.4. Thói quen nghiến răng gây buốt răng hàm trên
Việc nghiến răng làm cho hai hàm răng bị siết chặt, chịu áp lực khá lớn. Thói quen này khiến cho men răng bị bào mòn theo thời gian, dần dần khiến cho tủy răng bị lộ ra ngoài và khiến các dây thần kinh bị kích thích.
2.5. Các bệnh lý về răng miệng
Một số bệnh lý về răng miệng hoàn toàn có thể khiến răng bị ê buốt:
– Tụt lợi: Bệnh này khiến người bệnh bị ê buốt phần chân răng do ngà răng bị lộ.
– Viêm nướu: Khi các mô nướu bị viêm, chân răng sẽ bị ảnh hưởng.
– Nứt mẻ răng: Thức ăn thừa sẽ mắc lại ở các kẽ nứt của răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ và trú ngụ. Từ đó, gây viêm răng, sâu răng, nặng hơn nữa là nhiễm trùng răng và áp xe chân răng.
2.6. Sau các thủ thuật nha khoa
Sau khi lấy cao răng, bọc răng giả hay các thủ thuật phục hình răng khác ở hàm trên, răng cũng có thể trở nên nhạy cảm hơn. Tuy nhiên, ê buốt răng do các thủ thuật nha khoa chỉ diễn ra khoảng 4 – 6 tuần và không đáng lo ngại. Nên xin tư vấn cách chăm sóc răng miệng từ nha sĩ để rút ngắn thời gian ê buốt răng hàm trên.
3. Cách chăm sóc và điều trị khi bị ê buốt răng
Bảo vệ và chăm sóc men răng đúng cách chính là cách tốt nhất để điều trị buốt răng. Để tình trạng răng bị ê buốt không tiến triển thêm, bạn nên lưu ý 6 cách dưới đây:
3.1. Không đánh răng quá mạnh
Nên sử dụng bàn chải có lông mềm, đặt bàn chải tạo thành một góc 45º với đường nướu rồi chải nhẹ nhàng theo chiều lên xuống. Khi đó, răng vừa được làm sạch, vừa giúp bảo vệ men răng khỏe mạnh.
3.2. Chọn kem đánh răng dành riêng cho răng ê buốt
Người bệnh nên sử dụng các loại kem đánh răng với thành phần phù hợp với những người có hàm răng nhạy cảm, đặc biệt là răng hàm trên. Nên tránh xa các loại kem đánh răng có chứa chất tạo màu, Triclosan hay Sodium Lauryl Sulfate…
3.3. Sử dụng liệu pháp Florua
Liệu pháp này giúp bổ sung florua vào các khu vực nhạy cảm của răng, giúp tăng cường sức khỏe men răng. Việc này không chỉ giúp giảm đau và cảm giác ê buốt răng mà còn ngăn ngừa sâu răng. Bên cạnh đó, florua còn làm tăng khả năng tái khoáng hóa, làm chậm quá trình phân hủy bởi các axit từ thực phẩm và làm giảm hoạt động của vi khuẩn.
3.4. Tránh xa những thực phẩm có tính axit
– Các loại thực phẩm có tính axit cần tránh xa: Thực phẩm nhiều đường, bánh, kẹo, soda…
– Nên ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm giúp đảm bảo độ ẩm cho miệng, có khả năng chống lại axit và vi khuẩn như: Rau quả giàu chất xơ, nước lọc, sữa tươi và sữa chua không đường, các loại trà…
– Lưu ý không đánh răng ngay sau khi vừa ăn thực phẩm có tính axit. Chờ khoảng 1 giờ để men răng có thể ổn định lại trước khi chịu thêm sự tác động từ việc đánh răng.
3.5. Bỏ thói quen nghiến răng
Người bệnh có thể xin tư vấn từ các bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia về giấ ngủ để kiểm tra và có cách khắc phục. Hoặc người bệnh nên sử dụng dụng cụ bảo vệ răng khi ngủ để hạn chế tối đa những tổn thương do việc nghiến răng đem lại.
3.6. Điều trị dứt điểm các bệnh lý răng miệng
Các bệnh lý về răng miệng có thể vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của ê buốt răng. Do đó, người bệnh nên tới gặp nha sĩ để được tư vấn và điều trị dứt điểm.
– Teo nướu:
Hiện tượng này thường xảy ra ở những người trên 40 tuổi, khiến chân răng bị lộ ra. Đây là bộ phận nhạy cảm hơn thân răng rất nhiều. Đến nha sĩ để trám cổ chân răng sớm nhất có thể là cách bảo vệ chân răng khỏi các tác động từ các tác nhân gây ê buốt.
– Nứt răng hay nứt vết trám:
Các vết nứt chính là nơi mảng bám thức ăn và vi khuẩn tích tụ nhiều nhất, khiến men răng và ngà răng bị phá hủy. Hãy đến nha sĩ để được thăm khám và tư vấn trám lại các vết nứt trên bề mặt răng.
Nhiều người vì lo sợ ê buốt răng nên ngại vệ sinh răng miệng hằng ngày. Tuy nhiên, đánh răng đúng cách 2 lần/ngày bằng bàn chải mềm và kem đánh răng phù hợp, kết hợp dùng chỉ nha khoa, là cách tốt nhất giúp bảo vệ men răng và ngà răng. Đừng quên đến phòng khám nha khoa định kỳ 2 lần/năm để kiểm tra và được tư vấn về cách bảo vệ răng miệng một cách toàn diện.