Bệnh viêm gan B lây qua đường ăn uống không?

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm có mức độ phổ biến cao tại Việt Nam. Bệnh thường được phát hiện khi đã ở giai đoạn nặng, biến chứng xơ gan, thậm chí ung thư gan. Vì mức độ nguy hiểm và tính chất dễ lây lan của viêm gan B, nhiều người muốn biết các con đường lây truyền của bệnh để phòng tránh. Đồng thời, “viêm gan B lây qua đường ăn uống không” cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

1. Tìm hiểu sơ lược về bệnh viêm gan B

Đây là bệnh lý truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B, gọi tắt là HBV. Virus này xâm nhập vào cơ thể người, tấn công vào tế bào gan. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, người bệnh sẽ đối mặt với các biến chứng trầm trọng như xơ gan, suy gan, ung thư gan. Các giai đoạn phát triển chính của bệnh gồm giai đoạn cấp tính và mạn tính.

Cấp tính là giai đoạn người bệnh nhiễm virus viêm gan B không quá 6 tháng. Nếu phát hiện và điều trị tích cực, người bệnh có thể loại bỏ virus. HBV ở trong cơ thể trên 6 tháng sẽ chuyển sang mạn tính. Viêm gan B mạn rất khó để điều trị, người bệnh thường phải sống chung với bệnh suốt đời. Giai đoạn mạn tính cũng đặc biệt nguy hiểm vì có nguy cơ gây ra biến chứng đe dọa đến tính mạng.

viêm gan B lây qua đường ăn uống không

Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh qua nhiều con đường

2. Đường lây truyền của viêm gan B

Đường từ mẹ sang con, đường tình dục và đường máu là 3 con đường lây truyền chính của bệnh.

2.1. Viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con

Nghiên cứu cho thấy người mẹ mắc viêm gan B có đến 95% khả năng lây truyền sang cho con trong quá trình mang thai và chuyển dạ. Nguy cơ lây truyền tăng dần theo thời gian mang thai, cao nhất ở cuối thai kỳ và sau sinh, đặc biệt nếu không được dự phòng tốt.

Điều đáng nói là 90% trẻ sơ sinh nhiễm virus viêm gan B từ mẹ có khả năng phát triển thành mạn tính. Chính vì vậy, chẩn đoán và theo dõi phụ nữ mang thai nhiễm viêm gan B có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn chu kỳ viêm gan B mạn.

Phụ nữ mang thai đều cần được xét nghiệm viêm gan B để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Trong trường hợp người mẹ nhiễm bệnh, trẻ cần được tiêm vaccine phòng ngừa viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi chào đời. Việc này giúp hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh từ người mẹ sang trẻ xuống còn khoảng 5%. Ngoài ra để ngăn ngừa lây truyền virus cho bào thai, người mẹ có tải lượng HBV rất cao có thể được chỉ định điều trị trong thai kỳ.

Viêm gan B không lây truyền qua đường sữa mẹ, trừ khi người mẹ bị nứt hoặc chảy máu núm vú. Do đó, người mẹ nhiễm viêm gan B vẫn có thể cho con bú trực tiếp, hoặc vắt sữa cho con bú gián tiếp.

2.2. Viêm gan B lây truyền qua đường máu

Virus viêm gan B tồn tại trong máu người bệnh với mật độ lớn. Máu của người bệnh khi tiếp xúc với vết xước trên da hoặc niêm mạc người lành có thể làm lây truyền virus. Việc truyền máu – nhận máu không an toàn, dùng chung bơm kim tiêm,… sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm HBV.

Bên cạnh đó, HBV còn lây truyền khi dùng chung bàn chải đánh răng, bấm móng, dao cạo và các dụng cụ cá nhân khác với người bệnh, mà trong quá trình sử dụng gây xây xước, chảy máu. Bệnh còn có thể lan truyền khi sử dụng dịch vụ nha khoa, thẩm mỹ, phẫu thuật, xăm hình,… với dụng cụ không đảm bảo vệ sinh sạch khuẩn.

2.3. Viêm gan B lây truyền qua đường quan hệ tình dục

Virus viêm gan B còn có thể tìm thấy trong dịch âm đạo, tinh dịch của người bệnh. Ngoài ra, các chất lỏng bài tiết có nguồn gốc từ dòng máu cũng có sự hiện diện của HBV. Nguy cơ lây truyền viêm gan B khi quan hệ tình dục với người bệnh sẽ tăng lên nếu có các hành vi tình dục sau đây:

– Quan hệ tình dục gây tổn thương, xây xước.

– Quan hệ tình dục không an toàn: không dùng bao cao su; quan hệ bừa bãi, không thủy chung; dùng chung dụng cụ tình dục,…

– Mắc các bệnh lý nhiễm trùng lây qua đường tình dục, hình thành ổ mủ, viêm loét tại bộ phận sinh dục.

2.4. Viêm gan B lây qua đường ăn uống không?

Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào cho thấy viêm gan B lây truyền qua đường ăn uống giữa người bệnh và người lành. Người lành hầu như không bị nhiễm HBV qua đường nước bọt. Chính vì vậy, nguy cơ mắc bệnh gần như không có khi cùng ăn uống, sử dụng chung bát đũa với người bệnh.

Tuy nhiên những người có vấn đề tại khoang miệng như viêm lợi, chảy máu chân răng, lở loét, nhiệt miệng,… cần cẩn trọng khi ăn uống chung. Việc lây nhiễm virus qua các vết thương này cũng có thể xảy ra.

Nhìn chung, viêm gan B cũng không lây qua đường tiếp xúc thông thường. Việc bắt tay, ăn thực phẩm nấu bởi người mắc bệnh, hôn hay dùng chung các vật dụng chứa dịch tiết nước bọt không làm lây truyền virus.

Tìm hiểu viêm gan B lây qua đường ăn uống không

Viêm gan B hầu như không lây truyền khi ăn uống chung với người bệnh

4. Giải pháp ngăn chặn nguy cơ mắc viêm gan B

4.1. Tiêm vaccine phòng ngừa

Đây là phương pháp chủ động phòng ngừa có hiệu quả cao nhất để phòng tránh viêm gan B. Vaccine viêm gan B giúp thúc đẩy miễn dịch cơ thể chiến đấu với virus ngay cả khi đã phơi nhiễm.

Những người chưa có miễn dịch HBV đều nên thực hiện tiêm phòng càng sớm càng tốt. Các đối tượng có nguy cơ cao như nhân viên y tế, những người làm việc với dụng cụ sắc nhọn,… cần đặc biệt chú ý tiêm vaccine phòng bệnh.

4.2. Đề phòng các con đường lây nhiễm của bệnh

Ngoài việc tiêm phòng vaccine, chúng ta cũng nên cảnh giác với các tác nhân lây truyền bệnh. Khi đã nắm rõ những con đường lây bệnh nói trên, hãy thực hiện đề phòng như sau:

– Phụ nữ nên kiểm tra sức khỏe gan mật, xét nghiệm viêm gan B trước khi mang thai. Những người đã nhiễm bệnh cần theo dõi, thăm khám theo chỉ định của bác sĩ để có thai kỳ khỏe mạnh và có biện pháp dự phòng lây nhiễm cho con.

– Sử dụng bao cao su và các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục.

– Không dùng chung các vật dụng có khả năng dính máu nhiễm bệnh như kim tiêm, dao cạo, bàn chải đánh răng, lược,…

– Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của bất kỳ ai.

– Băng bó cẩn thận các vết thương hở trên cơ thể.

– Lựa chọn những cơ sở y tế, nha khoa, xăm hình, làm móng,… uy tín, đảm bảo vệ sinh vô trùng.

Câu hỏi viêm gan B lây qua đường ăn uống không

Không cần thiết ăn uống – sinh hoạt riêng với người nhiễm viêm gan B, nhưng cần cẩn trọng khi có các tổn thương khoang miệng

4.3. Có cần đề phòng viêm gan B lây qua đường ăn uống không?

Như đã nói ở trên, bệnh lý này không lây truyền qua đường ăn uống hoặc tiếp xúc thông thường. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể ăn uống cùng với người bệnh như bình thường.

Việc ăn uống riêng, sinh hoạt riêng với người mắc viêm gan B là điều không cần thiết. Tuy nhiên, những người bị chảy máu chân răng, có vết lở loét trong miệng,… cần chú ý cảnh giác. Những trường hợp này nên tránh ăn uống chung để đảm bảo an toàn tối đa.

Viêm gan B lây qua đường ăn uống không” là nỗi băn khoăn của rất nhiều người. Trên thực tế, viêm gan B nhìn chung không lây qua con đường này. Các bạn có thể yên tâm, không cần quá lo lắng khi ăn uống chung với người bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital