Theo các thống kê gần đây Việt Nam có khoảng 1,6 triệu người bị suy tim. Suy tim là bệnh lý tim mạch nguy hiểm do đó gây nhiều lo lắng cho bệnh nhân và người thân. Để hiểu hơn về bệnh suy tim là gì, cùng theo dõi bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu: Bệnh suy tim là gì?
Suy tim là khả năng co bóp của tim bị suy yếu nên khả năng bơm máu đi nuôi cơ thể không hiệu quả, máu vận chuyển đi qua tim và khắp cơ thể cũng chậm hơn nhiều so với bình thường. Nguyên nhân gây ra bệnh bắt nguồn từ sự bất thường trong cấu trúc hoặc chức năng của trái tim.
2. Nguyên nhân và yếu tố gây suy tim
2.1. Nhóm nguyên nhân của bệnh suy tim là gì?
Một số nguyên nhân dẫn đến bệnh suy tim là:
– Bệnh lý mạch vành: hội chứng vành cấp, thiếu máu cục bộ cơ tim…
– Tăng huyết áp
– Hẹp van tim gồm hẹp van động mạch chủ, hẹp van hai lá
– Bệnh tim bẩm sinh có luồng thông trong tim như: thông liên nhất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch, cửa sổ phế chủ, …
– Bệnh cơ tim giãn không liên quan thiếu máu cục bộ.
– Tiểu sử có các rối loạn về di truyền hoặc gia đình có người thân từng mắc bệnh.
– Bị rối loạn do thâm nhiễm
– Tổn thương do một số loại thuốc hoặc nhiễm độc.
– Mắc bệnh lý tuyến giáp, tiểu đường.
– Nguyên nhân do virus hoặc tác nhân gây nhiễm trùng.
– Rối loạn nhịp chậm, nhanh mãn tính.
2.2. Các yếu tố thúc đẩy bệnh suy tim là gì?
Bên cạnh những nguyên nhân chính gây ra bệnh, một số yếu tố thúc đẩy tình trạng suy tim trở nặng là:
– Chế độ ăn quá mặn.
– Không tuân thủ phác đồ điều trị: bỏ uống thuốc giữa chừng, uống không đều.
– Giảm liều thuốc điều trị suy tim mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
– Rối loạn nhịp tim (rối loạn nhịp nhanh và chậm).
– Nhiễm khuẩn.
– Thiếu máu.
– Dùng thêm các thuốc làm bệnh chuyển nặng như: chẹn canxi, chẹn beta, thuốc kháng viêm (không steroid), thuốc chống loạn nhịp.
– Thói quen uống nhiều rượu, bia, đồ uống chứa cồn.
– Phụ nữ mang thai.
3. Phân loại các nhóm bệnh suy tim
Có nhiều cách phân loại suy tim trên lâm sàng. Việc phân loại này giúp bác sĩ định hướng phác đồ điều trị phù hợp.
3.1. Suy tim trái
Bệnh nhân thuộc nhóm suy tim trái có các triệu chứng của sung huyết phổi bao gồm: mệt mỏi, khó thở khi gắng sức hay nằm thấp đầu, ho khan và ho ra máu, …
3.2. Suy tim phải
Bệnh nhân suy tim phải xuất hiện các triệu chứng ứ máu ở ngoại biên như phù bàn chân, gan to, báng bụng, tĩnh mạch cổ nổi lên rõ, …
3.3. Suy tim toàn bộ
Khi đó bệnh nhân sẽ có triệu chứng của cả 2 loại suy tim nêu trên.
3.4. Suy tim cấp
Suy tim cấp khiến bệnh nhân khó thở dữ dội, phù phổi cấp hoặc bị sốc tim. Nhóm triệu chứng này diễn ra cấp tính, đòi hỏi phải cấp cứu nhanh để điều trị kịp thời, nếu chậm trễ có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
3.5. Suy tim mạn
Triệu chứng suy tim mạn xảy ra âm thầm hoặc bệnh nhân có tiền sửa bị suy tim cấp, hiện tại tình trạng suy tim đã cải thiện và ổn định hơn.
3.6. Suy tim tâm thu (tên gọi khác: suy tim phân suất tống máu giảm)
Chức năng của tim là co bóp, bơm máu ra động mạch chủ và các nhánh để đi nuôi các cơ quan trong cơ thể. Khả năng co bóp của tim có thể gọi là phân suất tống máu, được đánh giá quá siêu âm hoặc thông tim. Phân suất tống máu bình thường đạt trên 55%. Khi chức năng co bóp của tim giảm, phân suất tống máu còn bé hơn hoặc bằng 40% thì gọi là suy tim phân suất tống máu giảm.
3.7. Suy tim tâm trương
Ngoài nhiệm vụ co bóp bơm máu, tim còn hút máu từ tĩnh mạch về tim. Khi cơ tim dày lên hoặc cứng lên, không thể dãn nở tốt để chứa máu thì cũng gây ra rối loạn chức năng tâm trương.
4. Suy tim có nguy hiểm không, cách chăm sóc người bệnh như thế nào?
4.1. Suy tim có phải là bệnh suy hiểm không?
Suy tim là bệnh vô cùng nguy hiểm và gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến cuộc sống, tuổi thọ của người bệnh.
– Giảm chất lượng cuộc sống: người bệnh không thể làm việc, sinh hoạt và luôn cần sự chăm sóc của người thân.
– Rối loạn nhịp tim: bệnh nhân dễ bị rung nhĩ hay rối loạn nhịp thất. Rung nhĩ làm tình trạng bệnh nặng thêm do lượng máu tim bơm ra suy giảm. Bệnh nhân suy tim nặng thường có ngoại tâm thu thất, rung thất hay nhịp nhanh thất, có thể gây đột tử nếu không được đặt máy phá rung ngăn ngừa.
– Tử vong, đột tử: suy tim nặng ở giai đoạn cuối không đáp ứng với điều trị nội khoa mà không được đặt dụng cụ hỗ trợ tim hoặc ghép tim sẽ đe dọa tới tính mạng. Đột tử cũng là biến chứng có thể xảy ra ngay cả khi bệnh suy tim chưa tiến triển nặng.
Khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng sau, người bệnh nên đi khám vì đây là các dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng:
– Tăng cân nhanh: tăng hơn 2,5kg/tuần.
– Phù
– Khó thở
– Ngất xỉu, đánh trống ngực liên tục
– Đau ngực, nặng ngực, cảm giác bị đè ở ngực.
– Mệt mỏi, khó thở khi sinh hoạt hàng ngày.
4.2. Các lưu ý chăm sóc bệnh nhân suy tim
Bệnh suy tim khó tiên lượng, nặng dần hoặc cải thiện theo thời gian tùy vào nguyên nhân, phương pháp điều trị và thời gian phát hiện bệnh. Vì vậy người bệnh cần trang bị đầy đủ kiến thức về tim mạch để ngăn ngừa bệnh hoặc làm chậm tiến triển bệnh cũng như chăm sóc người thân hiệu quả.
Một số lời khuyên về lối sống cũng như chế độ sinh hoạt được các bác sĩ khuyến cáo để có một trái tim khỏe là:
– Tập luyện thể dục nhẹ nhàng, vừa sức những môn như đi bộ, yoga. Nên tập khoảng 30 phút mỗi ngày, khi mệt nên nghỉ ngay.
– Không được làm việc nặng hoặc cố gắng sức.
– Người bệnh suy tim nên bỏ hút thuốc, uống rượu bia vì đây là các yếu tố khiến bệnh biến chuyển nặng.
– Tránh để căng thẳng, duy trì tâm trạng vui vẻ, thoải mái, lạc quan.
– Duy trì cân nặng phù hợp, tránh bị béo phì, thừa cân gây áp lực cho tim.
– Nên ăn uống điều độ, ăn nhiều rau xanh, trái cây và hạn chế dầu mỡ, chất béo.
– Khám bệnh định kỳ và uống thuốc, sinh hoạt theo chỉ dẫn từ bác sĩ.
Hi vọng qua bài viết bạn đọc đã hiểu bệnh suy tim là gì từ đó có thể nâng cao sức khỏe tim mạch. Suy tim là một trong những vấn đề sức khỏe mang tính toàn cầu hiện nay. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng người bệnh. Vì thế, khi xuất hiện triệu chứng bất thường, cần đến chuyên khoa Tim mạch để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.