Bệnh cơ tim phì đại: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Cơ tim phì đại là bệnh lý tim mạch liên quan đến di truyền với tỷ lệ mắc 1/500. Đây là nguyên nhân thường gặp dẫn đến đột tử ở vận động viên và người trẻ tuổi. Cùng tìm hiểu về bệnh cơ tim phì đại trong bài viết dưới đây.

1. Bệnh cơ tim phì đại là gì?

Bệnh cơ tim phì đại (Hypertrophic Cardiomyopathy) là bệnh lý tim mạch đặc trưng bởi tình trạng thành tim dày lên, tim to ra. Dựa vào hình thái và chức năng của tim, cơ tim phì đại được chia thành:

– Phì đại cơ tim tắc nghẽn: Các trường hợp này chiếm khoảng 60 – 70% tổng số bệnh nhân bị phì đại cơ tim. Bệnh nhân ở dạng này có vách ngăn giữa tâm thất trái và tâm thất phải dày hơn. Điều này gây tắc nghẽn đường ra thất trái, dẫn tới giảm lưu lượng máu qua tim.

– Phì đại cơ tim không tắc nghẽn: Khoảng 1/3 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh thuộc dạng cơ tim phì đại không tắc nghẽn. Ở các bệnh nhân này, lưu lượng máu qua tim không bị ảnh hưởng, tuy nhiên, tâm thất trái có thể dày và cứng hơn khiến thể tích chứa máu của thất trái giảm, từ đó giảm lượng máu bơm ra ngoài tim để đi nuôi cơ thể.

bệnh cơ tim phì đại là gì?

Phì đại cơ tim là bệnh tim đặc trưng bởi sự dày lên của thành tim, khiến không gian cho máu lưu thông giảm đi.

2. Nguyên nhân nào dẫn đến cơ tim phì đại?

Cơ tim phì đại thường do đột biến gen mã hóa protein của cơ tim khiến cơ tim phát triển bất thường. Vì vậy, khi một thành viên nào đó trong gia đình được chẩn đoán mắc bệnh, các thành viên khác nên thực hiện xét nghiệm và kiểm tra gen để tìm gen đột biến gây bệnh.

Ngoài yếu tố di truyền, một số nguyên nhân khác gây phì đại cơ tim có thể kể đến:

– Do tăng huyết áp, nguyên nhân thường gặp ở người cao tuổi

– Do hẹp eo động mạch chủ

– Do bất thường ở các van tim như van 2 lá, van động mạch chủ…

– Do mẹ bị đái tháo đường khi mang thai

– Do sử dụng Corticoide ở trẻ sơ sinh

– Do hội chứng Noonan

– Do bệnh chuyển hóa Glycogen, bệnh Friedreich

– Do bt thường trong quá trình oxy hóa các acid béo

– Do sự thiếu hụt chuỗi oxy hóa bên trong ty thể

3. Ai có nguy cơ mắc bệnh?

Phì đại cơ tim thường xảy ra nhất ở người trẻ (dưới 35 tuổi) hoặc vận động viên. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể xuất hiện ở những người cao tuổi. Có thể gặp ở trẻ em, trẻ sơ sinh nhưng hiếm. Đặc biệt, bệnh gặp ở trẻ em thường không rõ nguyên nhân. 

Ai dễ mắc bệnh phì đại cơ tim

Cơ tim phì đại thường gặp ở những người trẻ tuổi và vận động viên.

4. Triệu chứng của bệnh phì đại cơ tim

Bệnh nhân bị phì đại cơ tim thường không có hoặc có rất ít triệu chứng bất thường. Các triệu chứng của bệnh nếu có thì rất đa dạng, có thể khác nhau ở mỗi người. Chính điều này khiến bệnh khó phân biệt, thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi có biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.

Thông thường, khi chức năng bơm máu của tim bị suy giảm đáng kể, các dấu hiệu của bệnh mới biểu hiện rõ, bao gồm:

– Khó thở, đặc biệt khi gắng sức, khó thở kịch phát về đêm

– Đau nhói ở vùng ngực, nhất là khi hoạt động thể lực

– Ngất xỉu hoặc dọa ngất, thường liên quan đến rối loạn nhịp nhanh thất hoặc rung thất, có nguy cơ đột tử

Đánh trống ngực

– Phù phổi

5. Biến chứng nguy hiểm của bệnh

Nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm sau:

– Rối loạn nhịp tim: Việc lưu lượng máu qua tim hoặc khả năng bơm máu giảm có thể gây bất thường nhịp tim, dẫn đến rung tâm nhĩ, nhịp nhanh thất và rung thất. Trong đó, rung nhĩ là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng hình thành cục máu đông, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở bệnh nhân. Trong khi đó nhịp nhanh thất và rung thất là những nguyên nhân thường gặp gây ngừng tim, đột tử mà người bệnh cần hết sức cảnh giác.

Thiếu máu cơ tim: Sự dày lên của thành tim khiến lượng máu đến nuôi cơ tim giảm. Hậu quả là tình trạng thiếu máu cơ tim.

– Giãn cơ tim: Cơ tim phì đại kéo dài có thể khiến tâm thất giãn ra nhằm tăng thể tích chứa máu, gây giãn cơ tim. Tình trạng này làm giảm sức co bóp của cơ tim.

– Hở van 2 lá: Cơ tim phì đại khiến không gian để máu lưu thông giảm đi. Máu chảy qua van 2 lá nhanh và dồn dập hơn làm tăng áp lực của dòng máu lên van tim này, gây ảnh hưởng đến cấu trúc và hoạt động van, dẫn đến hở van.

Suy tim: Như đã nói ở trên, việc cơ tim dày lên sẽ khiến tim giảm khả năng bơm máu. Tim phải làm việc nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu máu của cơ thể, dần trở nên suy yếu và dẫn đến suy tim. 

6. Chẩn đoán và điều trị cơ tim phì đại

6.1 Chẩn đoán bệnh cơ tim phì đại

Trong các bước khám lâm sàng để chẩn đoán cơ tim phì đại, bác sĩ sẽ hỏi tiền sử gia đình, tiền sử bệnh lý của người bệnh để làm căn cứ xác định tạm thời nguyên nhân gây bệnh. Sau đó, người bệnh thường được thực hiện một số kiểm tra cận lâm sàng để khẳng định hoặc loại trừ các nguyên nhân trên như:

Siêu âm tim: Phương pháp này có thể cho thấy độ dày của cơ tim, xác định có hay không sự tắc nghẽn của dòng máu qua tim.

– Đo điện tim: Qua kiểm tra các tín hiệu điện bất thường của tim, có thể phát hiện các rối loạn nhịp do phì đại cơ tim.

Đây là những kiểm tra cần thiết thường dùng trong trường hợp nghi ngờ bệnh nhân có dấu hiệu của bệnh phì đại cơ tim.

Tùy trường hợp, các bác sĩ có thể dùng thêm Holter nhịp, huyết áp, chụp cộng hưởng từ,… để chẩn đoán chính xác, từ đó xác định phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả.

chẩn đoán tình trạng cơ tim phì đại

Thường xuyên thăm khám chuyên khoa tim mạch sẽ giúp bạn sớm phát hiện phì đại cơ tim.

6.2 Điều trị bệnh cơ tim phì đại như thế nào?

Bệnh có thể điều trị bằng thuốc kết hợp với các biện pháp thay đổi lối sống, theo dõi và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. 

Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với việc điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp can thiệp, phẫu thuật phù hợp.

Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn có thêm những kiến thức về bệnh cơ tim phì đại. Lưu ý các kiến thức chỉ mang tính tham khảo, không thể thay thế các chẩn đoán và điều trị y khoa. Vì vậy, khi cơ thể xuất hiện những bất thường, bạn nên đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác. Để phòng tránh bệnh phì đại cơ tim nói riêng và tầm soát sức khoẻ tim mạch nói chung, bạn nên thường xuyên thăm khám định kỳ, đặc biệt nếu bạn là người chơi thể thao và người có các bệnh lý nền. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital