Bệnh chân tay miệng đang có xu hướng gia tăng đầu năm học

(Dân trí) – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, bệnh tay chân miệng tại Hà Nội đang có xu hướng tăng trong 2 tuần gần đây và có thể tiếp tục tăng khi học sinh khối mầm non, tiểu học đã bắt đầu năm học mới.

Hà Nội có nhiều ca mắc chân tay miệng

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2023, Hà Nội ghi nhận 70-75 ca mắc tay chân miệng mỗi tuần. Tuy nhiên, trong 2 tuần gần đây, số ca mắc đã tăng gấp đôi, với khoảng 140 ca/tuần.

Riêng trong tuần (từ ngày 22 đến 29/9), Hà Nội ghi nhận 141 ca mắc tay chân miệng và 3 ổ dịch (gồm 2 ổ dịch tại Ba Vì và 1 ổ dịch tại Sóc Sơn). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần qua là Sóc Sơn (24 ca), Hoàng Mai (17 ca), Mê Linh (14 ca), Nam Từ Liêm (13 ca), Đông Anh (10 ca), Đống Đa (8 ca), Thanh Xuân (8 ca).

Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.798 ca mắc tay chân miệng (tăng 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2022), chưa ghi nhận ca tử vong.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, mặc dù số ca mắc tay chân miệng có gia tăng, nhưng hầu hết là ca tản phát, không ghi nhận ổ dịch phức tạp.

Lượng bệnh nhân bị tay chân miệng tăng nhanh có thể liên quan đến thời điểm vào năm học mới

Lượng bệnh nhân bị tay chân miệng tăng nhanh có thể liên quan đến thời điểm vào năm học mới (Ảnh: Thu Cúc TCI).

Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên nhiều đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng, dễ gây các biến chứng và có thể tử vong.

Chân tay miệng có thể điều trị tại nhà hoặc chỉ định nằm viện

Bé L.B.M (2 tuổi) được bố mẹ đưa đến khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế (ĐKQT) Thu Cúc TCI khi có những dấu hiệu như: rát đỏ quanh miệng, lòng bàn tay; đau miệng; chán ăn; mệt mỏi, quấy khóc; sốt nhẹ.

Sau thăm khám chuyên sâu, bác sĩ kết luận trẻ bị chân tay miệng cấp độ 1. Với tình trạng bệnh của B.M., bé có thể điều trị ngoại trú, uống thuốc kết hợp ăn uống, vệ sinh theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bé L.B.M (2 tuổi) bị tay chân miệng nhưng có thể điều trị tại nhà (Ảnh: Thu Cúc TCI).

Bé L.B.M (2 tuổi) bị tay chân miệng nhưng có thể điều trị tại nhà (Ảnh: Thu Cúc TCI).

Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa – Trưởng khoa Nhi, Thu Cúc TCI cho biết, không phải trường hợp bị tay chân miệng nào cũng có thể điều trị ngoại trú. Có những trường hợp trẻ bị tay chân miệng kèm những biểu hiện sau, cần nhập viện để được theo dõi và điều trị:

– Trẻ sốt trên 39 độ, nôn nhiều, giật mình.

– Trẻ có biểu hiện quấy khóc, bứt rứt, khó ngủ hay ngủ gà, lơ mơ.

– Trẻ run chân tay, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.

– Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh.

– Về hô hấp, trẻ thở nhanh, thở bất thường, ngưng thở, rút lõm ngực, khò khè.

Như trường hợp 2 bé B.N.M.A và T.N.Q là một ví dụ cho trường hợp bị tay chân miệng nhưng cần nằm viện. Cả 2 bé nhập viện sau khi bác sĩ chẩn đoán mắc tay chân miệng kèm viêm phế quản.

“Bệnh tay chân miệng có thể tự khỏi nhưng khi đi kèm với các bệnh khác như: viêm đường hô hấp, tiêu hóa,… cần được sự theo dõi sát của y bác sĩ. Vì vậy, nhập viện là việc nên làm”, bác sĩ Hoa nhấn mạnh.

Bé M.A và N.Q cùng bị tay chân miệng nên được các bác sĩ xếp riêng phòng để tránh lây chéo (Ảnh: Thu Cúc TCI).

Bé M.A và N.Q cùng bị tay chân miệng nên được các bác sĩ xếp riêng phòng để tránh lây chéo (Ảnh: Thu Cúc TCI).

Tại khoa Nhi của Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, cả hai bé đều được điều trị tích cực, tiêm truyền đúng giờ để điều trị viêm phế quản, dùng thuốc bôi ngoài da và áp dụng chế độ dinh dưỡng đặc biệt dành cho trẻ mắc chân tay miệng. Nhờ vậy, sau hai ngày, tình hình bệnh của hai bé đều tiến triển tốt lên rõ rệt. Sang ngày thứ 3 đã được xuất viện do không còn nguy cơ biến chứng.

Bệnh chân tay miệng ở trẻ – không lo bệnh, chỉ lo biến chứng

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa – Trưởng khoa Nhi, Thu Cúc TCI, bệnh tay chân miệng hàng năm thường tăng vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 8. Tuy nhiên, năm nay có nhiều bất thường do tháng 9 sang đến tháng 10, bệnh vẫn chưa có dấu hiệu đi xuống.

Có hai biến chứng thường gặp của bệnh này là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Biến chứng của tay chân miệng gây ảnh hưởng đến não bộ: viêm màng não, viêm não và viêm não tủy. Bên cạnh đó, trẻ sẽ có một số biểu hiện bất thường như hay bị giật mình, đi không vững, nhãn cầu rung – giật, mắt nhìn ngược,…

Virus bệnh còn gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch: viêm cơ tim, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch,…; xuất hiện bội nhiễm do vi khuẩn xâm nhập tại các nốt mụn trên da.

Do đó, bác sĩ Hoa nhấn mạnh, nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được xác định mức độ bệnh, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Cha mẹ không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Để phòng bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em). Đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau đi vệ sinh, sau thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện tay chân miệng. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác, cần cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital