6 triệu chứng mạch vành suy yếu cần nhận biết sớm

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Bệnh mạch vành thường đã tiến triển nặng khi các triệu chứng trở nên rõ ràng. Tuy vậy, vẫn có những dấu hiệu cảnh báo các vấn đề của động mạch vành giúp bạn nhận biết bệnh sớm căn bệnh này. Sau đây là 6 triệu chứng mạch vành suy yếu quan trọng mà bạn cần hết sức lưu ý.

1. Đau thắt ngực – Triệu chứng mạch vành điển hình

1.1 Đau thắt ngực là gì?

Đau thắt ngực là một trong những triệu chứng điển hình nhất của bệnh mạch vành. Cơn đau ngực ở những người mắc bệnh mạch vành có thể biểu hiện đa dạng, được mô tả như sau:

– Đau ngực dữ dội

– Cảm giác như tim bị bóp nghẹt, đè nén rất khó chịu

– Đau tập trung ở bên ngực trái

– Đau có thể lan lên cổ, hàm, ra phía lưng, vai, cánh tay trái

Cơn đau thường thuyên giảm sau vài phút. Nếu tình trạng đau kéo dài trên 15 phút thì khả năng cao bệnh nhân đang gặp phải hội chứng mạch vành cấp, nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm.

Đau thắt ngực là triệu chứng điển hình của bệnh mạch vành.

Đau thắt ngực là triệu chứng điển hình của bệnh mạch vành.

1.2 Các dạng đau thắt ngực

Có 2 dạng đau thắt ngực là đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định. Cụ thể:

– Đau thắt ngực ổn định

Đây là triệu chứng mạch vành phổ biến hơn và ít nguy hiểm hơn. Cơn đau thường kéo dài trong vài giây đến vài phút, xuất hiện khi người bệnh gắng sức, bị rối loạn tâm lý như quá vui, quá buồn hoặc căng thẳng. Thậm chí, hiện tượng này có thể xảy ra khi thay đổi thời tiết, khi bệnh nhân ăn quá no… 

Nguyên nhân gây xuất hiện cơn đau thắt ngực ổn định là do mạch vành bị tắc hẹp, gây thiếu máu nuôi cơ tim. Lúc này, cơ thể sẽ “cảnh báo” bằng cảm giác đau. 

Cơn đau này thường giảm dần và chấm dứt khi người bệnh nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch. Đau có thể lan đến vùng xương ức, cổ, hàm, vai trái, cánh tay.

– Đau thắt ngực không ổn định

Trái với đau thắt ngực ổn định, cơn đau ngực không ổn định có thể xuất hiện bất cứ lúc nào mà không có dấu hiệu báo trước. Thậm chí ngay cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi hay đang ngủ.

Triệu chứng này nguy hiểm hơn so với cơn đau thắt ngực ổn định. Nếu cơn đau thắt ngực xuất hiện cả khi nghỉ ngơi, đau kéo dài trên 15 phút thì nguy cơ bị nhồi máu, đột tử sẽ rất cao. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, người bệnh rất dễ tử vong.

Với những người bệnh mạch vành là phụ nữ, các trường hợp bị bệnh tiểu đường, bệnh nhân thường xuất hiện cơn đau thắt ngực không điển hình. Họ có thể chỉ cảm thấy nóng, nặng, tê hoặc ngứa ran ở ngực, đau hàm, vai hoặc cánh tay.

2. Khó thở

Khó thở, mệt khi thở là dấu hiệu sớm nhất cảnh báo bệnh mạch vành. Hiện tượng này cho thấy lưu lượng máu đến nuôi cơ tim bị giảm sút. Tim giảm khả năng co bóp, bơm và hút máu. Khi đó, máu dễ bị ứ lại tại phổi. Điều này khiến người bệnh cảm thấy khó thở, thở gấp, hụt hơi khi thở, thở không ra hơi. Tình trạng khó thở thường trở nên trầm trọng hơn khi bệnh nhân hoạt động gắng sức hoặc căng thẳng, stress. 

Ở giai đoạn đầu, triệu chứng khó thở có thể chưa rõ ràng. Bệnh nhân chỉ cảm ngột ngạt, kèm theo tức nặng ngực, chân tay rã rời khi gắng sức hoặc căng thẳng. Khi bệnh mạch vành đã tiến triển nặng, biến chứng thành suy tim thì hiện tượng này có thể xuất hiện cả khi bạn làm những công việc đơn giản như đi bộ, làm vườn hay làm việc vặt trong nhà.

3. Mệt mỏi, chóng mặt

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng khi hoạt động gắng sức (bê vác vật nặng, leo cầu thang…) hoặc sau bữa ăn no thì rất có thể bạn đã mắc bệnh mạch vành. Triệu chứng mạch vành này thường xuất hiện cùng với hiện tượng chóng mặt, choáng váng, cảnh báo tình trạng thiếu máu lên não.

Mệt mỏi là hậu quả của việc tim làm việc kém hiệu quả, là triệu chứng mạch vành suy yếu.

Mệt mỏi là hậu quả của việc tim làm việc kém hiệu quả, là triệu chứng mạch vành suy yếu.

4. Toát mồ hôi lạnh

Khi những cơn đau ngực xảy ra, hệ thần kinh giao cảm sẽ bị kích thích, gây đổ mồ hôi lạnh. Bởi vậy, đổ mồ hôi cũng là trong những dấu hiệu bệnh mạch vành tim.

Bạn cần đặc biệt chú ý nếu triệu chứng này xuất hiện kèm cơn đau thắt ngực, khó thở. Bởi đây rất có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim đang đến gần.

5. Tim đập bất thường, đánh trống ngực

Một triệu chứng nữa của bệnh mạch vành là hiện tượng đánh trống ngực hoặc tim đập bất thường. Do thiếu máu cung cấp cho cơ tim nên hoạt động co bóp của tim có thể xảy ra rối loạn, gây ảnh hưởng đến nhịp tim. Người bệnh thường nghe rõ tim đập nhanh và mạnh, từng nhát kèm với đó là hồi hộp, đánh trống ngực, bồn chồn, hẫng hụt, run rẩy,… 

Đặc biệt, bệnh mạch vành có thể dẫn đến nhịp nhanh thất, rung thất. Đây là các rối loạn nhịp tim nguy hiểm, có thể khiến người bệnh tử vong trong vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời.

6. Đầy bụng, buồn nôn, ợ nóng

Buồn nôn, ợ nóng, khó tiêu là những dấu hiệu phổ biến của bệnh tiêu hóa. Tuy nhiên đây cũng có thể là triệu chứng bệnh mạch vành mà nhiều người thường bỏ qua.

Tình trạng này thường xuất hiện khi người bệnh ăn quá no hay khẩu phần ăn có nhiều chất béo, chất đạm. Các triệu chứng thường tăng nặng hơn nếu bệnh nhân nằm hoặc vận động ngay sau khi ăn. 

Nguyên nhân là do tim không đủ khả năng co bóp khiến lượng máu đến hệ tiêu hóa giảm. Khi đó, các chất dinh dưỡng trong thức ăn không được hấp thu đúng cách, gây các cảm giác khó chịu.

Đầy hơi, đau bụng là triệu chứng bệnh vành mạch ít ai ngờ đến, thường bị nhầm lẫn với biểu hiện của bệnh tiêu hóa.

Đầy hơi, đau bụng là triệu chứng bệnh vành mạch ít ai ngờ đến, thường bị nhầm lẫn với biểu hiện của bệnh tiêu hóa.

Các triệu chứng kể trên đều là những dấu hiệu cho thấy có thể bạn đã mắc bệnh mạch vành. Khi thấy xuất hiện các triệu chứng mạch vành suy yếu, đặc biệt là đau ngực dữ dội, đột ngột mệt mỏi, choán váng, khó thở,… bạn cần phải dừng các hoạt động gắng sức, dùng Nitroglycerin ngay (nếu đã được kê đơn trong quá trình điều trị) khi có tình trạng đau thắt ngực. Sau đó hãy di chuyển đến bệnh viện tim mạch hoặc chuyên khoa tim mạch của các bệnh viện, phòng khám đa khoa để được thực hiện các xét nghiệm hoặc các phương pháp chẩn đoán giúp phát hiện bệnh sớm, ngăn ngừa những biến cố cấp tính có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital