5 điều phụ nữ nhất định phải biết về việc tầm soát ung thư tử cung

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Tầm soát ung thư tử cung sẽ giúp bạn sớm phát hiện nguy cơ ung thư tử cung – mối nguy hại đe dọa thiên chức làm mẹ của nhiều phụ nữ. Để giúp bạn an toàn trước căn bệnh tử thần này, chúng tôi sẽ khái quát những thông tin quan trọng nhất về việc tầm soát ung thư tử cung trong bài viết dưới đây.

1. Nguyên nhân gây ra ung thư tử cung

Ung thư tử cung còn được gọi là ung thư nội mạc tử cung, đây là bệnh ung thư phụ khoa thường gặp ở nữ giới. Nguyên nhân gây ra ung thư tử cung chưa được xác định rõ, nhưng có một số yếu tố được xác định làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Mất cân bằng nội tiết tố: Thực tế, ung thư tử cung thường gặp ở những đối tượng thừa cân, béo phì. Nguyên nhân được xác định là do tình trạng mất cân bằng nội tiết tố gây tình trạng tích trữ mỡ thừa trong cơ thể, gia tăng lượng estrogen và có thể khiến các tế bào ung thư phát triển ở tử cung.
  • Kinh nguyệt không đều: Rối loạn kinh nguyệt là một trong những ảnh hưởng của nội tiết tố và điều này cũng khiến các chị em gia tăng nguy cơ mắc ung thư. Ngoài ra, người có kinh nguyệt đầu tiên quá sớm hoặc quá muộn cũng dễ mắc bệnh hơn (độ tuổi trung bình khi xuất hiện kinh nguyệt lần đầu là 12 – 13).
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Những người có sở thích ăn nhiều dầu mỡ béo có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung cao hơn vì các chất béo xấu có thể gây tích trữ nội tiết tố nữ, dẫn đến tăng sinh nội mạc tử cung và gây ra ung thư.
  • Mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp: Hai căn bệnh này có ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến yên, dẫn đến nguy cơ tăng sinh nội mạc tử cung – nguyên nhân gây ra ung thư nội mạc tử cung.
  • Do yếu tố di truyền: Nếu người thân trong gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh ung thư tử cung thì bạn cũng có khả năng cao mắc bệnh. Vì vậy, bạn nên tiến hành tầm soát ung thư tử cung sớm để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
ung thư nội mạc tử cung

Ung thư tử cung được xác định là có tính di truyền

2. Triệu chứng của ung thư tử cung

Theo dõi cơ thể và nhận biết các triệu chứng sớm sẽ giúp bạn sớm phát hiện ung thư, gia tăng cơ hội điều trị và kéo dài thời gian sống. Triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung chia theo 2 giai đoạn, cụ thể như sau:

Giai đoạn sớm
  • Xuất huyết âm đạo giữa chu kỳ kinh nguyệt
  • Kỳ kinh nguyệt lâu hơn bình thường
  • Chảy máu âm đạo ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh
  • Có hiện tượng tiết dịch âm đạo bất thường
Giai đoạn bệnh tiến triển
  • Cảm thấy có khối u hoặc cảm giác nặng nề ở vùng xương chậu
  • Giảm cân đột ngột không rõ nguyên nhân
  • Buồn nôn
  • Mệt mỏi
  • Có cảm giác đau ở chân, lưng và vùng xương chậu
tầm soát ung thư

Các triệu chứng ban đầu của ung thư tử cung rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác

3. Thời điểm nên bắt đầu tầm soát ung thư tử cung?

Ung thư tử cung phổ biến trong khoảng 45 – 75 tuổi. Tuy nhiên hiện nay, bệnh ung thư đang có xu hướng trẻ hóa. Vì thế, bạn nên chủ động tầm soát sớm nguy cơ ung thư bởi căn bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Các chuyên gia khuyến cáo chúng ta nên khám tầm soát ung thư từ độ tuổi 21 trở lên, khi đã có quan hệ tình dục… 

Việc tầm soát sớm sẽ giúp bạn phát hiện sớm dấu hiệu ung thư và tiến hành điều trị kịp thời, kéo dài thời gian sống. Tuy nhiên, đây vẫn là một căn bệnh chưa có thuốc chữa nên bản thân mỗi người cần duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh và tập luyện thường xuyên. Tần suất thực hiện tầm soát ung thư nội mạc tử cung tùy thuộc vào loại phương pháp bạn chọn nhưng thường được khuyến cáo là từ 1 – 2 năm/lần. 

4. Phương pháp tầm soát ung thư nội mạc tử cung

Hiện tại, đã có rất nhiều phương pháp được sử dụng để tầm soát ung thư nội mạc tử cung như: soi tử cung, sinh thiết nội mạc tử cung, xét nghiệm phết tế bào tử cung, xét nghiệm mô tế bào học…

4.1. Tầm soát ung thư nội mạc tử cung bằng phương pháp soi tử cung

Phương pháp này được bác sĩ chỉ định tiến hành khi nhận thấy những tổn thương bất thường trong tử cung của người bệnh. Hoặc nếu đối tượng khám trên 40 tuổi cũng được đánh giá là có nhiều nguy cơ và sẽ được chỉ định tầm soát ung thư bằng phương pháp soi tử cung. Máy soi được sử dụng có độ phóng đại rất lớn, có thể hiển thị hình ảnh chi tiết về tử cung và thường được in ra để làm bằng chứng để theo dõi sau này.

4.2. Tầm soát ung thư tử cung bằng phương pháp sinh thiết

Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến để tầm soát ung thư và cho kết quả khá chính xác. Phương pháp này được thực hiện bằng cách tách lấy phần mô nghi ngờ có tổn thương dựa trên kết quả soi tử cung, mẫu bệnh phẩm sẽ được soi dưới kính hiển vi để tìm tế bào ác tính. Việc sinh thiết cần tiến hành cẩn thận, để tránh trường hợp gây thủng màng niêm mạc tử cung. Vì vậy, người bệnh nên lựa chọn những bệnh viện lớn, uy tín và có thể mạnh về tầm soát ung thư.

tầm soát ung thư sớm

Phương pháp sinh thiết thường được chỉ định sau khi tiến hành soi tử cung và thấy có dấu hiệu bất thường

4.3. Tầm soát ung thư tử cung bằng phương pháp xét nghiệm phết tế bào

Phương pháp này được thực hiện bằng cách lấy tế bào bong ra từ niêm mạc tử cung, tiến hành nhuộm và soi dưới kính hiển vi để tìm các tế bào bất thường, tế bào tiền ung thư và ung thư… Xét nghiệm phết tế bào ung thư được chia thành phương pháp Pap smear (độ chính xác 70%) và ThinPrep Pap (độ chính xác 100%).

5. Phương pháp điều trị ung thư nội mạc tử cung

Việc chỉ định điều trị phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân kết hợp với xác định mức độ và giai đoạn tiến triển của khối u. Các lựa chọn điều trị bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và liệu pháp hormone.

  • Phẫu thuật: Điều trị phẫu thuật cho ung thư tử cung thường là cắt bỏ tử cung, có thể cắt bỏ cả ống dẫn trứng và buồng trứng. Việc này sẽ ảnh hưởng tới khả năng thụ thai của phụ nữ.
  • Xạ trị: Phương pháp này sử dụng chùm tia mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư và phá hủy nhân ADN của tế bào ung thư để chúng không thể nhân lên nữa. Liệu pháp này có thể sử dụng để bổ trợ hiệu quả của việc phẫu thuật nhằm loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại.
  • Hóa trị: Phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư và thường được kết hợp với xạ trị để loại bỏ phần còn lại của khối u.
  • Liệu pháp hormone: Liệu pháp này phù hợp với bệnh nhân ung thư tử cung giai đoạn tiến xa. Việc thực hiện được tiến hành bằng cách cung cấp progestin để thu nhỏ khối u và kiểm soát các triệu chứng ung thư, kiểm soát nội tiết tố estrogen từ đó khiến tế bào ung thư khó phát triển.
tầm soát ung thư tử cung

Tầm soát ung thư là cách duy nhất giúp chị em phụ nữ phát hiện sớm bệnh để điều trị kịp thời

Nhìn chung, không ít người phát hiện bị mắc ung thư tử cung ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị khó khăn, người bệnh khó kéo dài thời gian sống. Vì thế, chúng ta nên chủ động tiến hành tầm soát ung thư sớm để nhận diện sớm mầm bệnh và tiêu diệt ngay từ “trứng nước”.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital