(Dân trí) – Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ gia tăng mạnh về số ca mắc. Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, đau mắt đỏ là bệnh dễ điều trị, tuy nhiên, điều trị sai cách không chỉ khiến bệnh lâu khỏi mà còn dẫn tới các biến chứng về sau.
Menu xem nhanh:
Đau mắt đỏ gia tăng nhanh trong cộng đồng
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng tăng tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM…
Tại các bệnh viện chuyên khoa mắt ở Hà Nội, tỷ lệ bệnh nhân đến khám mắt do đau mắt đỏ tăng chóng mặt. Nhiều trường học, học sinh bị đau mắt đỏ hàng loạt; có những gia đình, cả nhà đều bị đau mắt đỏ.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thị Xuân Loan – Phó khoa Khám bệnh phụ trách Chuyên khoa Mắt – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI, bệnh đau mắt đỏ là trạng thái lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu (lòng trắng mắt) và kết mạc mi mắt bị viêm. Tác nhân gây bệnh là do virus, nhiễm trùng vi khuẩn hoặc dị ứng gây ra.
Đau mắt đỏ sẽ có các triệu chứng như: lòng trắng mắt hoặc mí mắt bên trong bị đỏ; chảy nước mắt nhiều; trên lông mi xuất hiện dịch vàng đóng vảy; có thể có chất dịch màu trắng hoặc xanh lá chảy ra từ mắt; cảm giác cộm và khó chịu ở 1 hoặc cả 2 mắt… Ngoài ra, người bệnh có thể thấy ngứa mắt do dị ứng dẫn đến đau mắt đỏ; do hóa chất khiến đau mắt đỏ; mí mắt sưng tấy; nhạy cảm với ánh sáng; tầm nhìn mờ.
Có 2 nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ bao gồm: do nhiễm khuẩn (nhiễm Adenovirus) và không do nhiễm khuẩn (thuốc, hóa chất, dị ứng). Khác với mọi năm, năm nay ngành y tế xác định nguyên nhân chính đến từ Enterovirus.
Bệnh đau mắt đỏ đa số lành tính và ít gây biến chứng, tuy nhiên theo bác sĩ Xuân Loan, dịch đau mắt đỏ năm nay diễn biến phức tạp hơn. Nhiều trường hợp viêm kết mạc có giả mạc cần bóc, viêm giác mạc đốm, viêm loét giác mạc… Vì vậy, điều trị đau mắt đỏ đúng cách và tránh một số sai lầm không đáng có sẽ giúp người bệnh mau khỏi.
4 sai lầm nghiêm trọng khi điều trị đau mắt đỏ khiến bệnh lâu khỏi
Lạm dụng corticoid trong điều trị đau mắt đỏ
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thị Xuân Loan, người đau mắt đỏ có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng khuẩn, kháng viêm và kháng histamine theo chỉ dẫn và kê đơn của bác sĩ. Trong đó, tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc lạm dụng corticoid có thể dẫn đến ức chế phản ứng miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt thứ phát, kéo dài thời gian nhiễm trùng và tăng nguy cơ kháng thuốc.
Chữa đau mắt đỏ bằng các mẹo dân gian
Bác sĩ Xuân Loan chia sẻ, trong quá trình khám và điều trị đau mắt đỏ đã gặp không ít trường hợp tự điều trị bằng các mẹo dân gian. Và cho tới khi bệnh nhân không thấy đỡ, tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn, bệnh nhân mới khám tại bệnh viện. Điển hình trong số đó là một bệnh nhân điều trị bằng cách xông mắt với lá trầu không. Thăm khám tại Bệnh viện Thu Cúc TCI, mắt bệnh nhân có dấu hiệu sưng húp, đau mắt đỏ diễn tiến nặng.
Bác sĩ Loan khuyến cáo, lá trầu không – không có tác dụng trong việc điều trị đau mắt đỏ, không chỉ vậy quá trình xông mắt còn có thể dẫn tới bỏng giác mạc, khiến bệnh càng nặng thêm.
Vì vậy người bệnh không nên tự ý sử dụng loại lá này cũng như các mẹo dân gian khác mà không có ý kiến tham khảo của bác sĩ chuyên khoa mắt. Thay vào đó, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị tốt nhất.
Tự chẩn đoán và điều trị tại nhà
Cho rằng đau mắt đỏ là bệnh đơn giản, dễ điều trị, không ít người tự chẩn đoán bệnh và tự mua thuốc điều trị tại nhà mà không có sự tư vấn của bác sĩ.
Đây là một sai lầm đặc biệt cần tránh, bởi nếu chẩn đoán sai bệnh, dùng sai thuốc sẽ bỏ lỡ thời điểm điều trị lý tưởng, khiến bệnh lâu khỏi, dẫn tới các biến chứng nguy hiểm cho mắt.
Chuyên khoa Mắt, Thu Cúc TCI từng tiếp nhận một trường hợp trẻ 7 tháng bị đau mắt đỏ, tự điều trị tại nhà 7 ngày nhưng không khỏi. Khi thăm khám, bác sĩ Loan cho biết, bé bị viêm loét giác mạc – một biến chứng nặng của đau mắt đỏ, cần điều trị phức tạp hơn.
Cơ thể sẽ được miễn dịch với đau mắt đỏ nếu đã từng bị mắc bệnh
Khi đã được điều trị khỏi đau mắt đỏ thì cơ thể sẽ được miễn dịch với bệnh về sau là một quan niệm sai lầm rất phổ biến.
Theo bác sĩ Xuân Loan, miễn dịch mà cơ thể có được sau khi bị đau mắt đỏ không phải là các miễn dịch suốt đời. Trong khi đó những tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ như vi khuẩn, virus hay dị nguyên gây dị ứng thì lại có thể tấn công và gây bệnh bất kỳ lúc nào. Vì vậy, kể cả khi bạn đã mắc bệnh đau mắt đỏ trước kia thì việc bị bệnh lại vẫn là điều có thể xảy ra.
Trên đây là 4 sai lầm phổ biến mà nhiều người thường mắc phải khi điều trị đau mắt đỏ. Theo đó, bác sĩ Loan cũng khuyên rằng khi xuất hiện các triệu chứng bất thường ở mắt, mọi người nên đến các bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời, hạn chế tối đa biến chứng. Ngoài ra, để mau khỏi, người bệnh cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:
– Rửa tay ngay bằng xà phòng hoặc các chất sát trùng, sát khuẩn sau mỗi lần lau mắt, tra thuốc.
– Cần phơi nắng hoặc sát trùng đồ dùng cá nhân như: chăn, gối…
– Để riêng giấy, bông lau mắt vì đây là nguồn nhiễm bệnh.
– Không tự ý điều trị bằng các mẹo dân gian.
– Người bệnh nên cách ly để hạn chế nguy cơ lây lan.
Nguồn bài viết: https://dantri.com.vn/suc-khoe/4-sai-lam-trong-dieu-tri-khien-benh-dau-mat-do-lau-khoi-20230928141545740.htm