Tuyến giáp là cơ quan rất hay bị rối loạn chức năng. Do đó ta cần đi kiểm tra và tiến hành các xét nghiệm cần thiết để được chẩn đoán nguyên nhân, tình trạng. Tuy nhiên, hiện nay không phải ai cũng biết xét nghiệm tuyến giáp gồm những chỉ số cụ thể nào. Đừng bỏ qua bài viết này nếu bạn nằm trong số đó nhé!
Menu xem nhanh:
1. Vai trò của tuyến giáp
Tuyến giáp là tuyến nội tuyết có hình cánh bướm, thuộc vị trí ở vùng cổ phía trước và dưới. Gồm hai thùy là thùy trái và phải, được nối với nhau bởi eo tuyến giáp. Đây là cơ quan không thể nhìn từ bên ngoài hay dùng tay ấn vào để cảm nhận.
Tuyến giáp có nhiệm vụ chính là hấp thụ i-ốt từ nguồn thực phẩm nạp vào cơ thể hàng ngày. Sau đó chuyển hóa thành các hormone tuyến giáp đi vào trong máu và được vận chuyển tới từng mô trong cơ thể. Từ đó giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm, đảm bảo cho não, tim, các cơ và nhiều cơ quan khác làm việc trong trạng thái ổn định:
– Điều hòa thân nhiệt
– Tăng cường hoạt động của não bộ
– Thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể
– Đảm bảo duy trì lượng canxi, photpho trong máu ổn định với nồng độ 1%
– Kích thích sự phát triển của da, tóc, móng và sự phát triển của cơ xương
– Kích thích hoạt động của tim, tăng hô hấp để cung cấp ôxy cho sự chuyển hóa ở các mô
2. Khi nào nên thực hiện xét nghiệm tuyến giáp?
Tuyến giáp là cơ quan phải đối mặt với rất nhiều rối loạn chức năng khác nhau. Thậm chí có thể bị ung thư tuyến giáp. Với một số trường hợp sau, bạn cần quan tâm tới các triệu chứng để đi xét nghiệm tuyến giáp kịp thời.
Đối với cường giáp, đây là tình trạng hormone tuyến giáp dư thừa trong máu. Gồm các biểu hiện điển hình:
– Giảm cân đột ngột dù sức ăn vẫn bình thường
– Khó tập trung, cảm xúc rối loạn, dễ cáu gắt
– Thân nhiệt tăng cao, người luôn mệt mỏi
– Nhịp tim tăng, huyết áp tăng
– Yếu cơ, xuất hiện tình trạng run rẩy ở tay
– Tiêu chảy, tiểu nhiều
– Cảm nhận được vùng cổ sưng phù khi sờ vào
– Riêng nữ có thể bị rối loạn kinh nguyệt, chậm kinh
Đối với suy giáp là tình trạng tuyến giáp bị suy giảm chức năng. Cụ thể là sự thiếu hụt sự tổng hợp và giải phóng hormone T3 và T4. Một số triệu chứng phổ biến gồm:
– Giảm trí nhớ, cơ thể chậm chạp và có thể bị trầm cảm
– Da lạnh, tái xanh
– Nhịp tim giảm, huyết áp giảm
– Giọng khàn
– Suy giảm chức năng sinh dục ở cả nam lẫn nữ
Bướu giáp cũng là một trong những rối loạn tuyến giáp, xuất hiện với sự phình đại bất thường của tuyến giáp. Tình trạng này gây cảm giác ho, khó thở, khó nuốt, khàn tiếng,…Nếu để lâu không được can thiệp thì rất có nguy cơ cao mắc ung thư.
3. Những chỉ số quan trọng trong xét nghiệm chẩn đoán tuyến giáp
3.1. Định lượng TSH – Xét nghiệm tuyến giáp điển hình
TSH (Thyroid stimulating hormone) là một glycoprotein được sản xuất bởi tuyến yên trong não. Nhiệm vụ của TSH là điều hòa sự bài tiết T3 và T4 của tuyến giáp. Việc xét nghiệm định lượng TSH sẽ nhằm mục đích chính đó là kiểm tra xem tuyến giáp có hoạt động bình thường không. Hơn nữa giúp chẩn đoán sớm các rối loạn chức năng tuyến giáp, tìm ra nguyên nhân và phác đồ điều trị phù hợp.
Ở người bình thường, giá trị của TSH sẽ là 0,4-5mIU/L. Nếu giá trị vượt quá 5mIU/L sẽ cho thấy suy tuyến giáp nguyên phát. Còn nếu giá trị TSH giảm mạnh sẽ cho thấy bệnh basedow (cường tuyến giáp), thiểu năng vùng dưới đồi – yên.
3.2. Định lượng T4
Được đánh giá là một xét nghiệm tuyến giáp quan trọng trong chẩn đoán tuyến giáp. T4 tồn tại ở hai dạng trong cơ thể nên xét nghiệm bao gồm:
– Xét nghiệm T4 toàn phần giúp đo lường thyroxine lưu hành trong máu. Trị số bình thường dao động khoảng 5,0-12,0 ng/dL.
– Xét nghiệm T4 tự do giúp đo lượng T4 tự do trong máu. Chúng không bị ảnh hưởng bởi protein: Trị số thông thường ở người trưởng thành dao động từ 0,8 – 1,8 ng/dL. Nếu trị số tăng cao sẽ cho thấy tình trạng cường giáp, nhiễm độc giáp. Còn trị số giảm sẽ báo hiệu khả năng suy giáp và thiểu năng vùng dưới đồi – yên.
3.3. Định lượng T3
Giống như định lượng T4, định lượng T3 gồm hai loại xét nghiệm: xét nghiệm T3 toàn phần và xét nghiệm T3 tự do.
Xét nghiệm định lượng nồng độ T3 toàn phần được chỉ định khi có nghi ngờ cường giáp nhưng nồng độ FT4 vẫn ở mức bình thường. Xét nghiệm này sẽ giúp đánh giá được chức năng tuyến giáp cũng như chẩn đoán các cường giáp do T3 gây ra. Nếu giá trị xét nghiệm T3 tăng cho thấy tình trạng cường giáp, viêm tuyến giáp hay ung thư tuyến giáp.
Xét nghiệm định lượng nồng độ T3 tự do cũng giống với xét nghiệm T3 toàn phần.
3.4. Thyroglobulin – xét nghiệm tuyến giáp trong tầm soát ung thư sớm
Vốn được chỉ định trong trường hợp trước phẫu thuật và định kỳ theo thời gian sau phẫu thuật để đánh giá hiệu quả, hay dùng trong theo dõi ung thư tái phát. Ngoài ra, xét nghiệm Thyroglobulin – phương thức xét nghiệm tuyến giáp được chỉ định trong một vài trường hợp có triệu chứng cường giáp, phì đại tuyến giáp hay nghi ngờ mắc viêm tuyến giáp, bệnh basedow. Đây là các bệnh lý tiền ung thư nguy hiểm không thể xem nhẹ.
Ở người bình thường, trị số Tg dao động khoảng 0,2-50 ng/mL. Mức độ Tg thường tăng trong ung thư tuyến giáp thể biệt hóa chưa điều trị hoặc đã di căn ung thư tuyến giáp thể nhú/thể nang. Bên cạnh đó trị số Tg cũng sẽ tăng ở cả một số bệnh lành tính như viêm tuyến giáp cấp, u tuyến giáp lành tính, u hạch lành tính,…
Như vậy, các xét nghiệm tuyến giáp trên đây có vai trò quan trọng trong hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý tuyến giáp cũng như tầm soát ung thư sớm. Hy vọng thông tin bổ ích trên đã cho bạn cái nhìn tổng quát về các xét nghiệm cần thiết khi đi kiểm tra tuyến giáp nhé.