3 Thông tin cần biết về vắc xin 5 trong 1 Pentaxim

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ - Bác sĩ

Đặng Thị Kim Hạnh

Trưởng đơn vị Tiêm chủng

Vắc xin 5 trong 1 Pentaxim nghiên cứu và phát triển bởi công ty dược phẩm Sanofi Pasteur (Pháp) là vắc xin phối hợp, có khả năng phòng 5 loại bệnh trong 1 mũi tiêm gồm ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt và các bệnh gây ra bởi vi khuẩn Hib.

1. Chỉ định, chống chỉ định của vắc xin Pentaxim ngừa 5 bệnh truyền nhiễm

1.1. Khái quát về vắc xin 5 trong 1 Pentaxim

Vắc xin Pentaxim nghiên cứu và phát triển bởi công ty dược phẩm Sanofi Pasteur (Pháp) là vắc xin phối hợp, có khả năng phòng 5 loại bệnh trong 1 mũi tiêm gồm ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt và các bệnh gây ra bởi vi khuẩn Hib. Việc tích hợp phòng nhiều bệnh trong một vắc xin cũng giúp giảm số mũi tiêm và hạn chế đau do tiêm cho trẻ, tiết kiệm thời gian và là lựa chọn kinh tế cho nhiều gia đình.

Pentaxim được sử dụng phổ biến bởi nhiều ưu điểm, nổi bật trong đó là thành phần ho gà vô bào tức chỉ chứa thành phần kháng nguyên đặc hiệu sau khi đã loại bỏ những kháng nguyên không cần thiết. Chính bởi điều này, sau khi tiêm Pentaxim trẻ có ít phản ứng sau tiêm hơn và giảm tỉ lệ sốt.

Vắc xin Pentaxim được bảo quản ở nhiệt độ lạnh 2-8 độ C nhưng không được để đóng băng. Pentaxim được làm dưới dạng bột kèm hỗn dịch tiêm (0.5ml), tạo thành hỗn dịch trắng đục trước khi tiêm.

vắc xin 5 trong 1 pentaxim

Vắc xin Pentaxim có khả năng phòng 5 loại bệnh trong 1 mũi tiêm gồm ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt và các bệnh gây ra bởi vi khuẩn Hib.

1.2. Chỉ định, chống chỉ định và thận trọng khi sử dụng vắc xin 5 trong 1 Pentaxim

Chỉ định tiêm phòng

Pentaxim được chỉ định để hỗ trợ bảo vệ trẻ từ 2 tháng đến 2 tuổi khỏi 5 bệnh truyền nhiễm kể trên.

Vắc xin Pentaxim được chỉ định tiêm bắp, tốt nhất nên tiêm ở mặt trước bên của đùi (ở một phần ba đùi).

Chống chỉ định tiêm phòng

Trẻ dị ứng với một trong các thành phần của vắc xin hoặc với vắc xin ho gà (vô bào hay nguyên bào), hoặc trước đây trẻ đã có phản ứng dị ứng sau khi tiêm vắc xin chứa các chất tương tự.

Trẻ có tổn thương ở não hoặc mắc bệnh não tiến triển.

Trẻ từng bị bệnh não hoặc tổn thương ở não trong vòng 1 tuần sau khi tiêm vắc xin ho gà (vô bào hay nguyên bào).

Trẻ bị sốt hoặc mắc bệnh cấp tính cần tạm ngưng tiêm ngừa.

Thận trọng khi sử dụng

Tuyệt đối không tiêm vắc xin vào lòng mạch máu hoặc tiêm trong da.

Trẻ bị giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu có nguy cơ bị chảy máu khi thực hiện tiêm bắp.

Trong vắc xin Pentaxim có một lượng nhỏ glutaraldehyde, neomycin, streptomycin và polymycin B, do đó cần cẩn trọng với những trẻ có tiền sử dị ứng với các thành phần này.

Tương tự việc tiêm phòng các vắc xin khác, luôn phải theo dõi và đề phòng các phản ứng có hại. Cơ sở tiêm chủng cần chuẩn bị sẵn adrenalin để xử lý các trường hợp sốc phản vệ.

Nếu trẻ đã từng bị co giật khi sốt cao mà không liên quan đến tiêm vắc xin thì phụ huynh cần theo dõi sát sao nhiệt độ của trẻ trong 48 giờ sau tiêm và dùng thuốc nếu cần để hạ nhiệt.

Nếu trẻ từng gặp phải bất kỳ vấn đề nào được liệt kê dưới đây, phụ huynh cần cân nhắc khi muốn tiếp tục sử dụng các vắc xin có thành phần ho gà:

– Sốt cao trên 40 độ C trong vòng 48 giờ sau tiêm mà không phải do một nguyên nhân khác.

– Trụy mạch, tình trạng giống như sốc với giai đoạn giảm trương lực, suy nhược trong 48 giờ sau tiêm.

– Trẻ quấy khóc dai dẳng, khó dỗ trong 2 ngày sau tiêm.

– Co giật kèm hoặc không kèm sốt trong 3 ngày sau tiêm.

– Trẻ từng bị Guillain-Barré hoặc viêm dây thần kinh cánh tay sau khi tiêm vắc xin chứa giải độc tố uốn ván.

– Trẻ đang có vấn đề sức khỏe.

– Trẻ đang được điều trị với thuốc ức chế miễn dịch hoặc trẻ bị suy giảm miễn dịch.

vắc xin 5 trong 1

Pentaxim được chỉ định để hỗ trợ bảo vệ trẻ từ 2 tháng đến 2 tuổi khỏi 5 bệnh truyền nhiễm.

2. Liều dùng của mũi tiêm Pentaxim

Lịch tiêm vắc xin Pentaxim cho trẻ từ 2 tháng đến 2 tuổi gồm 4 mũi:

– 3 mũi đầu: Tiêm cách nhau 1 tháng.

– Mũi 4: Mũi nhắc lại tiêm cách mũi 3 khoảng 1 năm, tốt nhất là tiêm khi trẻ 16 tháng tuổi.

Phụ huynh cần bám sát lịch tiêm và tiêm đủ mũi cho trẻ để đảm bảo miễn dịch tốt nhất.

3. Lưu ý sau khi tiêm vắc xin Pentaxim ngừa 5 bệnh cho trẻ

3.1. Phản ứng sau tiêm

Một vài phản ứng thường gặp sau khi tiêm Pentaxim cho trẻ có thể kể đến:

– Sốt nhẹ.

– Nổi mề đay.

– Phát ban ngoài da.

– Đỏ, sưng tại vết tiêm.

– Quấy khóc.

– Sưng phù chi dưới (đối với vắc xin có thành phần Hib).

Những triệu chứng này thường gặp trong vòng 2 ngày sau khi tiêm và có thể kéo dài đến 3 – 4 ngày, tuy nhiên chúng không quá đáng lo và thường tự khỏi, không cần điều trị đặc hiệu.

Phụ huynh cần lưu ý nếu trẻ có biểu hiện tụt huyết áp, mệt, lừ đừ, lạnh chân tay, phù nề thanh quản, khó thở bởi đây là dấu hiệu của sốc phản vệ và cần sự can thiệp y tế kịp thời. Trường hợp cực kỳ hiếm gặp trẻ có thể bị trụy tim, ngưng tuần hoàn, ngưng thở.

vắc xin pentaxim

Phụ huynh cần lưu ý theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm

3.2. Cách chăm sóc trong trường hợp gặp tác dụng phụ sau tiêm

– Sau khi tiêm Pentaxim, phụ huynh nên cho trẻ ở lại phòng tiêm khoảng 30 phút để theo dõi các phản ứng sau tiêm. Tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 2 ngày các vấn đề gồm: nhiệt độ, vị trí tiêm, sinh hoạt, dấu hiệu nhịp thở.

– Nếu trẻ sốt nhẹ, phụ huynh nên cho trẻ mặc quần áo thoáng, uống nhiều nước và chườm mát. Nếu trẻ sốt cao trên 38 độ C, quấy khóc, phụ huynh có thể sử dụng thuốc hạ sốt. Nếu tình trạng sốt không thuyên giảm, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế.

– Nếu vị trí tiêm của trẻ bị sưng, phụ huynh có thể chườm mát hoặc cho trẻ uống thuốc để giảm đau. Phụ huynh cần quan tâm, dỗ dành để trẻ quên đau và tuyệt đối không đắp, thoa bất kỳ thứ gì lên vết tiêm để tránh nhiễm trùng.

– Những phản ứng dị ứng như nổi mề đay, phát ban, ngứa,… thường xuất hiện ở trẻ có cơ địa dị ứng và biến mất sau vài ngày. Tuy nhiên nếu tình trạng này không thuyên giảm và kéo dài bất thường, phụ huynh nên cho trẻ dùng thuốc dị ứng hoặc đưa trẻ đến bệnh viện.

– Trẻ gặp các phản ứng như co giật, khó thở, rút lõm ngực,… cần được gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được chăm sóc tích cực.

Trên đây là những thông tin chung về vắc xin Pentaxim 5 trong 1. Ngoài ra, cha mẹ có thể tham khảo tiêm vắc xin 6 trong 1 hiện có sẵn tại Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI để bảo vệ thêm bệnh viêm gan B mà không cần phải đi tiêm thêm mũi này. Hi vọng quý phụ huynh đã hiểu rõ hơn về vai trò, hướng dẫn sử dụng của vắc xin, lưu ý sau tiêm và có những quyết định chích ngừa hiệu quả cho trẻ. Quý phụ huynh hãy liên hệ Thu Cúc TCI nếu còn bất kỳ thắc mắc nào.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital