3 điều cần biết về phương pháp siêu âm khớp háng

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Trần Hoàng Tùng

Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh

Siêu âm khớp háng là phương pháp thường được ứng dụng để bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý tại khớp, phần mềm quanh khớp cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Đặc biệt, đối với trẻ sơ sinh, phương pháp này sẽ giúp phát hiện sớm tình trạng trật khớp háng và thiểu sản ổ cối, nhờ đó đưa ra phương pháp điều trị sớm cho trẻ.

1. Phương pháp siêu âm khớp háng là gì?

Đây là phương pháp sử dụng sóng siêu âm có tần số cao từ 7MHz trở lên để thực hiện thăm khám các tổn thương ở quanh khớp háng và tại khớp háng.

– Đối với trẻ sơ sinh, phương pháp siêu âm này có ý nghĩa rất lớn trong việc chẩn đoán tình trạng trật khớp háng bẩm sinh và thiểu sản ổ cối. Tuy nhiên nếu trẻ đã trên 6 tháng thì việc thăm khám sẽ gặp khó khăn hơn do khớp háng cốt hóa.

– Đối với người trưởng thành, phương pháp siêu âm này chủ yếu giúp phát hiện các bệnh lý của cơ, dây chằng, tình trạng tràn dịch khớp háng bề mặt vỏ xương và hướng dẫn chọc hút. Tuy nhiên, việc siêu âm khớp ở người lớn thường bị hạn chế do khớp nằm ở sâu, đặc biệt với bệnh nhân béo phì thì tiến hành thăm dò bằng siêu âm sẽ khó khăn hơn.

Phương pháp siêu âm vùng khớp háng được thực hiện đơn giản, không gây xâm lấn, không gây đau đớn, chi phí thấp và lại đem tới những hiệu quả chẩn đoán tốt. Đặc biệt, kỹ thuật này giúp phát hiện sớm tình trạng bệnh lý tại khớp háng cho trẻ sơ sinh, giúp trẻ được điều trị sớm nhằm tránh gây ra dị tật khớp háng trong tương lai.

thế nào là diêu âm khớp háng

Siêu âm vùng khớp háng giúp phát hiện sớm tình trạng bệnh lý tại khớp háng cho trẻ sơ sinh

2. Khi nào nên tiến hành siêu âm vùng khớp háng?

Đối với trẻ sơ sinh, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phương pháp này khi có các dấu hiệu như:

– Nghe thấy có tiếng kêu khi trẻ cử động khớp háng.

– Hai khớp háng bị bất đối xứng.

– Tiền sử gia đình có người bị trật khớp háng bẩm sinh, khi sinh ngôi mông, hoặc dị tật khác như biến dạng bàn chân…

Đối với người lớn, phương pháp này sẽ được chỉ định khi:

– Người bệnh bị đau khớp háng do chấn thương hoặc không do chấn thương.

– Có sự hạn chế khi vận động khớp háng.

– Nghi ngờ xuất hiện bệnh lý nhiễm khuẩn tại vùng khớp háng.

tìm hiểu về phương pháp siêu âm

Người bệnh bị đau khớp háng có thể được bác sĩ chỉ định thực hiện phương pháp này

3. Siêu âm vùng khớp háng giúp phát hiện bệnh lý nào?

Phương pháp siêu âm khớp háng sẽ giúp bác sĩ giúp phát hiện một số bệnh lý sau:

3.1. Siêu âm khớp háng giúp phát hiện bệnh viêm bao hoạt dịch khớp háng thoáng qua

Đây là một tình trạng cấp tính thường xảy ra thoáng qua, bệnh hay gặp nhất ở trẻ từ 3 tới 10 tuổi. Căn bệnh này này thường xuất hiện sau khi trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, thấy trẻ vận động đi lại khó khăn, hạn chế vận động khớp háng và bị đau. Khi siêu âm, người bệnh sẽ thấy tình trạng tràn dịch khớp háng, đó là một khối dịch trong giảm âm. Dấu hiệu của căn bệnh này thường sẽ hết sau khoảng 2 tuần.

3.2. Siêu âm khớp háng giúp phát hiện bệnh trật khớp háng bẩm sinh và thiểu sản ổ cối xảy ra ở trẻ sơ sinh

Để xác định tình trạng bị trật khớp háng ở trẻ sơ sinh cần xác định được góc alpha và góc Beta:

– Góc alpha: là góc được tạo bởi bờ cánh xương chậu và đường nối điểm đáy ổ cối với góc trên ngoài ổ cối. Góc alpha càng lớn càng tốt, thông thường là trên 70 độ.

– Góc beta: là góc được tạo bởi đường kéo dài xương cánh chậu và đường kẻ góc trên ngoài ổ cối tiếp tuyến với phần chỏm xương đùi. Góc này càng hẹp càng tốt, thường là nhỏ hơn 30 độ.

– Người bị bệnh lý trật khớp háng sẽ có góc beta rất lớn trên 90 độ. Tương ứng với tình trạng chỏm xương đùi không nằm ở bên trong ổ cối, mà nằm trên xương chậu. Khi thăm khám thấy tình trạng bị trật khớp háng thì bệnh nhân cần tiến hành thăm dò động để giúp bác sĩ đánh giá tình trạng này còn có thể điều trị bảo tồn hay không.

– Nếu bị thiểu sản ổ cối, bệnh nhân sẽ thấy góc alpha nhỏ, ứng với việc đáy của ổ cối nông không chứa hết được phần chỏm xương đùi.

Còn phương pháp siêu âm vùng khớp háng ở người lớn sẽ giúp phát hiện dấu hiệu tràn dịch ổ khớp, thay đổi độ dày bao hoạt dịch hoặc vôi hóa các phần mềm quanh khớp. Cụ thể như:

– Bệnh lý viêm khớp háng nhiễm khuẩn: Bệnh nhân thấy trên siêu âm hình ảnh tràn dịch khớp háng, dịch mủ có tính tăng âm hoặc âm không đồng nhất.

– Viêm phì đại bao hoạt dịch: Bệnh nhân thấy hình ảnh tràn dịch ổ khớp, dịch thường có tính chất giảm âm; hoặc thấy có hình ảnh dày bao hoạt dịch, vôi hóa bao hoạt dịch và có tình trạng bị tăng sinh mạch trên siêu âm doppler.

– Bị nang sụn viền: Bệnh nhân thấy hình ảnh khối trống âm ở vị trí sụn viền, có bờ rõ.

– Bị rách gân cơ: là tình trạng thường gặp sau chấn thương, bệnh nhân nhận thấy gân cơ bị tổn thương không liên tục, kèm theo dịch khu trú quanh vị trí bị tổn thương.

Ngoài ra, khi có tình trạng bị tràn dịch khớp háng thì siêu âm sẽ giúp định vị khi hút dịch và tránh các tổn thương tới những phần khác ở quanh khớp háng.

siêu âm khớp háng ở trẻ nhỏ

Siêu âm vùng khớp háng giúp hỗ trợ phát hiện được nhiều bệnh lý

Có thể thấy, siêu âm khớp háng là phương pháp đơn giản giúp phát hiện bệnh lý khớp háng. Đặc biệt, với trẻ sơ sinh được bác sĩ khuyến cáo nên thực hiện kỹ thuật siêu âm này sớm để chẩn đoán bệnh lý, giúp trẻ có thể được điều trị hiệu quả. Tại Hệ thống y tế Thu Cúc – TCI, phương pháp siêu âm cho khớp háng cũng là một trong những dịch vụ được đông đảo khách hàng tin chọn bởi hệ thống máy móc hiện đại, đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn trực tiếp thăm khám và dịch vụ chăm sóc tận tình… Do đó, bạn hoàn toàn có thể an tâm khi thực hiện siêu âm cho khớp háng tại đây.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital