3 cách phân loại suy tim thường gặp và các mức độ suy tim

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Suy tim là tình trạng tim suy yếu không thể co bóp hiệu quả, gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất máu giàu oxy và dưỡng chất đi nuôi cơ thể. Các biểu hiện của suy tim khác nhau tùy thuộc vào mức độ suy tim và các bệnh lý đi kèm. Hiện nay có nhiều cách phân loại suy tim với các tiêu chí và đặc điểm khác nhau. Dưới đây là 3 cách phân loại phổ biến nhất.

1. Cách phân loại suy tim theo Hội tim mạch New York

Phân độ suy tim của Hội tim mạch New York (NYHA) là cách phân loại suy tim đang được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. 

Theo cách phân loại này, tình trạng suy tim của bệnh nhân được đánh giá dựa trên khả năng hoạt động thể lực và các triệu chứng cơ năng của bệnh nhân, cụ thể chia thành 4 mức độ như sau:

1.1 Suy tim độ 1

Suy tim độ 1 được coi là mức độ nhẹ nhất, còn gọi là suy tim tiềm tàng. Ở giai đoạn này,  người bệnh vẫn có thể thực hiện các hoạt động thể lực và sinh hoạt bình thường mà không gặp khó khăn trong việc thở, không thấy mệt mỏi, hồi hộp trong khi thở. Rất khó để phát hiện bệnh ở cấp độ này.

cách phân loại suy tim theo mức độ suy tim

Hiện nay có nhiều cách phân độ suy tim khác nhau.

1.2 Suy tim độ 2

Là mức độ suy tim nhẹ. Ở giai đoạn này, người bệnh có những hạn chế nhất định trong các sinh hoạt hàng ngày hay khi hoạt động thể lực. Cụ thể, họ thường thấy khó thở, mệt mỏi, đánh trống ngực khi hoạt động gắng sức nhiều. Nhưng khi nghỉ ngơi hoặc không làm các việc nặng thì các triệu chứng này sẽ không xuất hiện.

1.3 Suy tim độ 3

Còn được gọi là suy tim trung bình nặng. Ở mức độ này, chỉ cần hoạt động nhẹ, người bệnh cũng có thể bị khó thở, mệt mỏi, đánh trống ngực. Điều này gây rất nhiều hạn chế trong các hoạt động thể lực, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, khiến họ phải nhập viện điều trị thường xuyên hơn. Người bệnh suy tim khi chuyển sang cấp độ 3 thường rất lo lắng về bệnh tật. 

1.4 Suy tim độ 4

Suy tim độ 4 là mức suy tim nặng. Lúc này, người bệnh hầu như không thể thực hiện bất kỳ hoạt động thể lực nào mà không thấy khó chịu. Bởi vậy, sinh hoạt hàng ngày bị ảnh hưởng nhiều. Thậm chí, khó thở xuất hiện cả lúc nghỉ ngơi, khiến bệnh nhân chỉ có thể làm được những việc nhẹ.

Trong cách phân loại này, suy tim độ 1 và 2 là được đánh giá là giai đoạn nhẹ. Bệnh nhân gần như không có triệu chứng hoặc triệu chứng biểu hiện không rõ ràng. Các trường hợp này thường bị chẩn đoán nhầm thành các bệnh lý đường hô hấp. 

Trong khi đó, suy tim độ 3 và 4 làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh với những triệu chứng trở nặng, đặc trưng như khó thở, mệt mỏi, sưng phù. Ở giai đoạn này, suy tim dễ được chẩn đoán hơn nhưng quá trình điều trị lại trở nên khó khăn hơn.

2. Phân loại suy tim theo Hội Tim mạch và Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ (ACC/AHA)

Theo Hội Tim mạch và Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ, suy tim sẽ tiến triển qua 4 giai đoạn A, B, C,D. Trong đó, A và B là giai đoạn có nguy cơ suy tim, C và D là giai đoạn người bệnh đã mắc suy tim. Cụ thể:

2.1 Giai đoạn A trong cách phân loại suy tim ACC/AHA

Ở giai đoạn này, người bệnh có các yếu tố nguy cơ cao dẫn đến suy tim như:

Xơ vữa động mạch

– Béo phì

– Bệnh mạch vành

– Tiểu đường

– Huyết áp cao

– Rối loạn chuyển hóa

– Tiền sử gia đình có người mắc bệnh cơ tim

– Sử dụng các loại thuốc chống độc tim

Ngoài ra, bệnh nhân không có triệu chứng suy tim và không có bệnh tim thực tổn.

2.2 Giai đoạn B theo phân độ ACC/AHA

Đây là giai đoạn người bệnh chưa có các dấu hiệu suy tim nhưng đã có bệnh tim thực tổn. Các bệnh lý gây ảnh hưởng tới cấu trúc tim mạch có thể kể đến như:

– Tiền sử nhồi máu cơ tim

Thiếu máu cơ tim cục bộ

– Bệnh lý van tim

– Rối loạn chức năng tâm thu thất trái

Phân loại suy tim theo mức độ khó thở

Mức độ khó thở khi gắng sức và nghỉ ngơi có thể là một trong những căn cứ xác định độ suy tim.

2.3 Giai đoạn C trong cách phân loại suy tim theo ACC/AHA

Ở giai đoạn C, người bệnh đồng thời bị các bệnh lý tim mạch và xuất hiện các triệu chứng của suy tim, điển hình như:

– Tim đập nhanh

– Khó thở

– Mệt mỏi

– Ho nhiều, đặc biệt về đêm

– Giảm khả năng gắng sức

2.4 Giai đoạn D theo phân độ ACC/AHA

Người bệnh suy tim rất nặng, các triệu chứng gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và khả năng sinh hoạt. Lúc này, bác sĩ thường phải chỉ định các biện pháp can thiệp, phẫu thuật hoặc hỗ trợ bằng máy móc để giúp tim có thể duy trì hoạt động. 

3. Phân loại suy tim theo Hội Tim mạch Việt Nam

Theo Hội Tim mạch Việt Nam, mức độ suy tim có thể được phân theo mức độ khó thở, thành 5 giai đoạn như sau:

– Giai đoạn 0: Người bệnh không khó thở khi gắng sức.

– Giai đoạn 1: Xuất hiện tình trạng khó thở khi gắng sức.

– Giai đoạn 2: Cảm thấy khó thở cả khi không gắng sức.

– Giai đoạn 3: Bệnh nhân khó thở khi thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng thường ngày như đánh răng, rửa mặt.

Giai đoạn 4: Bệnh nhân thấy khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi.

4. Cách kiểm soát bệnh suy tim

Dù bệnh suy tim được phát hiện ở mức độ nào thì việc người bệnh tuân thủ tốt các chỉ định của bác sĩ và thay đổi lối sống đều có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa suy tim tiến triển nặng hơn.

4.1 Tuân thủ điều trị

Thông thường, bệnh nhân suy tim sẽ phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau nhằm cải thiện tình trạng suy tim dựa trên các triệu chứng và các bệnh lý đi kèm. Các nhóm thuốc điều trị suy tim thường dùng gồm:

– Thuốc lợi tiểu

– Thuốc giãn mạch

– Digoxin

Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể sử dụng một số sản phẩm hỗ trợ giúp tăng cường sức khỏe, giảm nhanh các triệu chứng.

Các loại thuốc hay sản phẩm này cần được kê bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch sau quá trình thăm khám và chẩn đoán cẩn trọng. Bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ các chỉ định điều trị, bao gồm uống thuốc đúng và đủ liều, không được tự ý giảm liều, thay đổi thời gian uống thuốc hoặc ngừng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

làm thế nào để xác định suy tim ở giai đoạn sớm?

Bạn nên thường xuyên thăm khám tim mạch để phát hiện suy tim ngay từ giai đoạn sớm, giúp việc điều trị trở nên hiệu quả hơn.

4.2 Thay đổi lối sống 

Các biện pháp thay đổi lối sống được khuyến cáo cho bệnh nhân suy tim gồm:

– Xây dựng chế độ ăn tốt cho tim như: bổ sung nhiều rau xanh, các thực phẩm có chất xơ hòa tan, chất béo tốt, giảm muối, hạn chế các thực phẩm giàu chất béo xấu,… 

– Tăng cường thể lực, nên duy trì đều đặn mỗi ngày 30-60 phút với các bài tập như đi bộ, đạp xe…

– Loại bỏ những thói quen xấu, đặc biệt bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia. Không nên thường xuyên thức khuya chơi game, xem tivi…

Tóm lại, bệnh suy tim có nhiều cấp độ khác nhau và các cách phân loại suy tim khác nhau. Mỗi mức độ suy tim, mỗi bệnh nhân sẽ có một phương án điều trị và khắc phục khác nhau. Để phát hiện sớm bệnh suy tim ngay từ giai đoạn sớm hay khi chớm có những yếu tố nguy cơ, bạn cần chủ động thăm khám thường xuyên tại chuyên khoa tim mạch uy tín. Nếu có nhu cầu thăm khám, vui lòng liên hệ để được tư vấn và đặt lịch khám thuận tiện. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital