2 lưu ý quan trọng cần biết khi làm xét nghiệm ung thư sớm

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Đỗ Thị Hằng

Trưởng khoa Xét nghiệm

Xét nghiệm ung thư sớm giúp hỗ trợ sàng lọc các nguy cơ mắc bệnh, kịp thời phát hiện bệnh, giúp nâng cao hiệu quả điều trị. Tuy vậy, có 2 lưu ý bạn nhất định phải nắm rõ trước khi thực hiện thủ thuật xét nghiệm để tầm soát ung thư.

1. Tìm hiểu các phương pháp xét nghiệm ung thư sớm

Xét nghiệm y tế được hiểu là một thủ thuật được thực hiện để sàng lọc các yếu tố nguy cơ, chẩn đoán hoặc theo dõi quá trình điều trị. Các xét nghiệm liên quan đến hóa học lâm sàng hoặc chẩn đoán phân tử, thường được thực hiện trong môi trường phòng thí nghiệm y tế.

Theo đó, trong tầm soát ung thư, chúng ta có 2 phương pháp xét nghiệm chính là:

Xét nghiệm máu: Nguyên lý của xét nghiệm này là tìm kiếm các chất chỉ điểm đặc trưng do ung thư gây ra. Thông thường, mỗi loại ung thư sẽ tiết ra một dạng protein khác nhau. Nhờ đo nồng độ các hoạt chất đó trong máu, chúng ta có cơ sở để sàng lọc được loại ung thư trong cơ thể. Ví dụ một số chất chỉ điểm ung thư bao gồm: AFP (ung thư gan), CEA (ung thư đại tràng), CA19-9 (ung thư tụy), CA-125 (ung thư buồng trứng)…

– Xét nghiệm sinh thiết: Đây là phương pháp tầm soát ung thư được đánh giá cao về độ chính xác. Để có thể kiểm tra, các bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu sinh thiết thông qua phết tế bào, nội soi hoặc phẫu thuật. Mẫu bệnh phẩm sẽ được chuyển về phòng thí nghiệm để quan sát với kính hiển vi. 

Cùng với 2 phương pháp xét nghiệm được nếu trên đây, có một số phương pháp tầm soát ung thư khác như chụp X-quang, siêu âm, nội soi, chụp MRI, chụp MSCT…

xét nghiệm ung thư sớm ở đâu

Xét nghiệm máu và sinh thiết là 2 phương pháp xét nghiệm thường được dùng để sàng lọc ung thư

2. Hai lưu ý cần biết khi thực hiện xét nghiệm tầm soát ung thư

Cũng như nhiều phương pháp tầm soát ung thư khác, thủ thuật xét nghiệm mang những ưu và nhược điểm riêng. Để đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả sàng lọc bệnh lý, bác sĩ sẽ dựa trên những đặc tính này để có chỉ định y khoa phù hợp. Đó cũng chính là những lưu ý mà bạn cần phải biết trước khi thực hiện xét nghiệm để tầm soát ung thư.

2.1. Xét nghiệm ung thư sớm thông qua xét nghiệm máu không hoàn toàn chính xác

Xét nghiệm máu có ưu điểm là chi phí rẻ, có thể tầm soát nhiều loại ung thư chỉ với một mẫu bệnh phẩm. Do đó, xét nghiệm huyết học được áp dụng khá phổ biến trong sàng lọc ung thư. Tuy nhiên, nhược điểm lớn của phương pháp này là độ chính xác không cao.

Như đã đề cập ở trên, nguyên lý của xét nghiệm máu tầm soát ung thư là việc đo nồng độ các chất chỉ điểm ung thư. Trong đa số trường hợp, chất chỉ điểm này sẽ tăng cao khi xuất hiện ung thư nhưng khi mắc các bệnh lý khác, chỉ số chất chỉ điểm cũng có thể tăng cao. Ví dụ như chất chỉ điểm AFP để tầm soát ung thư gan cũng có thể tăng khi cơ thể bị xơ gan, viêm gan…

Nguy hiểm hơn, xét nghiệm máu có thể cho ra kết quả âm tính giả – khi cơ thể có xuất hiện ung thư nhưng nồng độ chất chỉ điểm không tăng. Các nhà khoa học cho rằng xét nghiệm huyết học không phản ánh chính xác bản chất của ung thư. Vì vậy, kết quả xét nghiệm máu đơn độc không thể khẳng định bạn có bị ung thư hay không.

Để củng cố khả năng chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số phương pháp tầm soát khác để có thêm thông tin cho kết luận.

– Tầm soát ung thư vú: chụp nhũ ảnh, siêu âm.

– Tầm soát ung thư đại tràng: nội soi, xét nghiệm máu ẩn trong phân.

– Tầm soát ung thư phổi: chụp X-quang, chụp MSCT.

–  Tầm soát ung thư gan: siêu âm.

xét nghiệm ung thư sớm là gì

Xét nghiệm huyết học không phản ánh chính xác bản chất của bệnh ung thư

2.2. Rủi ro khi xét nghiệm ung thư sớm bằng phương pháp sinh thiết

Sinh thiết về bản chất là một thủ thuật có xâm lấn tùy mức độ, do đó phương pháp này sẽ kèm theo một số rủi ro nhất định. Đầu tiên, đó là cảm giác khó chịu, đau đớn khi thực hiện sinh thiết. Ví dụ với xét nghiệm phết tế bào ung thư cổ tử cung, việc sinh thiết rất hiếm khi gây ra tình trạng đau hay tổn thương, nhưng đa số trường hợp sẽ cảm thấy không quen khi thực hiện lần đầu.

Với nhiều trường hợp, sinh thiết có thể gây xuất huyết tại khu vực lấy mẫu xét nghiệm hoặc vùng xung quanh đó. Tình trạng này có thể xảy đến đối với trường hợp sinh thiết kết hợp nội soi hoặc phẫu thuật. Để đảm bảo không xảy ra tình trạng xuất huyết ở các cơ quan nội tạng sau khi sinh thiết, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một vài xét nghiệm như xét nghiệm máu, chỉ định danh mục chẩn đoán hình ảnh. 

Đặc biệt, khi kết hợp sinh thiết với phẫu thuật, mẫu xét nghiệm có thể được kiểm tra ngay tức thời để cho kết quả âm tính hoặc dương tính với ung thư. Dựa trên kết quả này, bác sĩ có thể quyết định tiếp tục mở rộng phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hay một phần cơ quan bị tổn thương nếu kết quả là dương tính với ung thư.

Bên cạnh những rủi ro kể trên, sinh thiết cũng có tỷ lệ âm tính giả rất nhỏ. Đó là trong trường hợp tế bào ung thư chưa lan rộng và mẫu tế bào được lấy để làm xét nghiệm lại không chứa tế bào ung thư. Trường hợp này thường gặp khi ung thư ở giai đoạn sớm, mới khởi phát và các khối u chưa lan rộng, chưa di căn tới nhiều bộ phận trong cơ thể.

chi phí xét nghiệm ung thư sớm

Sinh thiết cũng có kèm những rủi ro nhất định

Nhìn chung, để có thể tầm soát ung thư chính xác, chúng ta cần tới sự phối hợp của nhiều phương pháp sàng lọc khác nhau. Bạn cũng nên xây dựng thói quen khám sức khỏe và sàng lọc ung thư định kỳ để chủ động tầm soát các nguy cơ bệnh lý nói chung. Thông qua việc tầm soát định kỳ, chúng ta có thể kịp thời điều chỉnh thói quen sinh hoạt khoa học và ngăn chặn mầm mống ung thư.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital