Xuất huyết túi thừa đại tràng: Triệu chứng và điều trị

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Xuất huyết túi thừa đại tràng là nguyên nhân phổ biến của chảy máu đường tiêu hóa dưới cấp tính. Bệnh lý này có thể dẫn biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Việc điều trị cần được tiến hành càng sớm càng tốt ngay khi phát hiện các triệu chứng cảnh báo tình trạng xuất huyết.

1. Túi thừa đại tràng và tính trạng xuất huyết túi thừa đại tràng

1.1. Khái niệm túi thừa đại tràng

Túi thừa đường tiêu hóa là bệnh lý khá phổ biến, đặc biệt là ở những người trên 40 tuổi. Bất cứ vị trí nào của ống tiêu hóa đều có thể hình thành những túi nhỏ, phồng, được gọi là túi thừa.

Trong đó túi thừa đại tràng là tình trạng thường gặp nhất. Túi thừa có thể xuất hiện ở toàn bộ đại tràng, thường nằm ở đại tràng sigma và đại tràng trái.

Người bệnh có thể không phát hiện sự tồn tại của túi thừa đại tràng do chúng hiếm khi gây ảnh hưởng. Trường hợp túi thừa bị viêm sẽ tác động xấu đến sức khỏe tiêu hóa và biểu hiện thành các triệu chứng.

Xuất huyết túi thừa đại tràng là gì?

Chảy máu túi thừa đại tràng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xuất huyết đường tiêu hóa dưới

1.2. Phân loại bệnh túi thừa đại tràng

Túi thừa đại tràng có thể chia thành các loại chính như sau:

– Túi thừa đại tràng không triệu chứng: 70% người bệnh có túi thừa đại tràng không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong suốt cuộc đời. Số trường hợp tiến triển thành viêm túi thừa đại tràng chiếm 10 – 25%. Trong khi 5 – 20% trường hợp còn lại gặp biến chứng chảy máu túi thừa đại tràng.

– Viêm túi thừa đại tràng: Gồm viêm túi thừa đại tràng không biến chứng (viêm túi thừa đại tràng đơn giản) và có biến chứng (viêm túi thừa đại tràng phức tạp).

Xuất huyết túi thừa đại tràng (hay chảy máu túi thừa đại tràng): Được xem là nguyên nhân chính gây xuất huyết tiêu hóa dưới với tỉ lệ 40% trường hợp.

Xuất huyết túi thừa thường xảy ra ở túi thừa đại tràng phải và 90% trường hợp sẽ tự cầm máu.

1.3. Xuất huyết túi thừa đại tràng là gì?

Tình trạng túi thừa đại tràng bị chảy máu được gọi là xuất huyết túi thừa. Túi thừa thường xuất hiện ở những vị trí yếu nhất trong thành đại tràng, nơi lớp cơ tròn bị xâm nhập bởi các mạch máu thẳng. Lớp cơ này thường đặc biệt mỏng hơn ở khu vực đại tràng lên bên phải. Do đó đa phần chảy máu túi thừa xảy ra tại đại tràng phải, chiếm 50 – 90%.

Như đã nói ở trên, xuất huyết túi thừa là nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy máu tiêu hóa dưới. Tuy nhiên đa số trường hợp chảy máu túi thừa tự cầm máu (khoảng 75 – 80%). Tuy nhiên, những người từng bị chảy máu 2 lần có nguy cơ tái phát cao lên tới 50%.

1/3 trường hợp xuất huyết túi thừa bị chảy máu ở mức độ nặng. Tổn thương viêm loét ăn mòn thành đại tràng, ảnh hưởng đến mạch máu đi qua cổ và vòm của túi thừa. Từ đó hiện tượng chảy máu túi thừa diễn ra nhanh và mạnh.

Tỷ lệ tử vong do chảy máu túi thừa đại tràng là khoảng 10 – 20%. Xuất huyết túi thừa ở người bệnh trên 65 tuổi thường làm tăng nặng đáng kể tình trạng chảy máu. Mức độ nguy hiểm của bệnh đặc biệt gia tăng ở những người gặp các bất ổn về huyết động học, có các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành, suy thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

2. Triệu chứng xuất huyết túi thừa

2.1. Triệu chứng lâm sàng

– Chảy máu trực tràng số lượng lớn và không đau là biểu hiện điển hình nhất của xuất huyết túi thừa.

– Người bệnh đại tiện phân máu (phân có màu nâu hoặc đỏ tươi) nhưng không đau bụng. Tuy nhiên một số trường hợp có thể gặp triệu chứng quặn bụng, chướng bụng hoặc đại tiện gấp.

– Người bệnh thường có huyết áp bình thường nếu đã dừng chảy máu. Trong trường hợp đang chảy máu, người bệnh có thể có mạch nhanh và huyết áp thấp. Tình trạng xuất huyết ồ ạt gây mất máu nặng sẽ có biểu hiện da khô, chùng nhão, tiểu ít và thay đổi ý thức.

Triệu chứng xuất huyết túi thừa đại tràng

Triệu chứng điển hình nhất của xuất huyết túi thừa là chảy máu trực tràng ồ ạt và không đau

2.2. Triệu chứng cận lâm sàng

Do người bệnh mất máu toàn phần nên ban đầu lượng huyết sắc tố (hemoglobin) thường ở mức bình thường. Định lượng này bắt đầu giảm sau một thời gian do bị pha loãng bởi dịch ngoài huyết quản chảy vào trong hoặc do dịch truyền vào khi tiến hành hồi sức.

3. Chẩn đoán xuất huyết túi thừa đại tràng

Nội soi đại tràng thường được ưu tiên thực hiện nhằm chẩn đoán chảy máu túi thừa đại tràng. Người bệnh sẽ tiến hành nội soi trong vòng 12 – 48 giờ tính từ thời điểm nhập viện, sau khi đã điều trị hồi sức cấp cứu, ổn định huyết động, loại trừ chảy máu đường tiêu hóa trên.

Nội soi đại tràng giúp xác định chính xác vị trí chảy máu tại đại tràng. Từ đó bác sĩ có thể can thiệp cầm máu cho người bệnh. Nếu người bệnh không thể thực hiện nội soi hoặc nội soi không tìm được điểm chảy máu, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp khác như:

– Chụp động mạch (angiography);

– Nút mạch (embolization)

– Phương pháp scan hình ảnh sau khi đã đánh dấu hồng cầu bằng radionuclide technetium-99m.

4. Điều trị xuất túi thừa như thế nào?

4.1. Bù nước và điện giải

Người bệnh được bù nước và điện giải bằng NaCl đẳng trương hoặc dung dịch Ringer Lactate. Nếu sau đó vẫn tiếp tục chảy máu, người bệnh cần truyền hồng cầu lắng.

Mỗi đơn bị hồng cầu lắng được truyền sẽ tăng khoảng 3-4% hematocrit (tỷ lệ phần trăm thể tích của các tế bào hồng cầu trong máu). Đồng thời nồng độ hemoglobin tăng lên khoảng 1 g/dl đối với mỗi đơn vị hồng cầu lắng.

4.2. Hồi sức cấp cứu

Bác sĩ sẽ tiến hành hồi sức cấp cứu cho những bệnh nhân xuất huyết nghiêm trọng bằng những biện pháp như:

– Duy trì bảo vệ đường thở, bổ sung oxy khi cần thiết.

– Kiểm tra lượng hemoglobin và hematocrit.

– Thử nhóm máu và làm phản ứng hòa hợp (hay còn gọi là phản ứng chéo) nhằm đảm bảo an toàn trong truyền máu.

Những bệnh nhân xuất huyết nặng hoặc kèm theo những bệnh lý đáng kể được khuyến khích nhập khoa chăm sóc đặc biệt (ICU).

4.3. Can thiệp cầm máu xuất huyết túi thừa đại tràng qua nội soi

Nếu nội soi đại tràng phát hiện vị trí đang chảy máu hoặc có mạch máu lộ, bác sĩ có thể can thiệp các thủ thuật để cầm máu như:

– Tiêm epinephrine (Adrenaline): Có tác dụng kích thích hệ thần kinh giao cảm.

– Đốt điện (electrocautery) cầm máu tại túi thừa đại tràng.

– Kẹp clip (endoclips) vào vị trí xuất huyết.

– Cầm máu bằng keo dán sinh học (sealant fibrin).

– Thắt vòng cao su cũng có thể được áp dụng để cầm máu xuất huyết túi thừa.

Xử trí qua nội soi đối với chảy máu đại tràng là kỹ thuật tương đối phức tạp. Người bệnh cần được làm sạch đường ruột nhanh chóng, kiểm tra cẩn thận từng túi thừa đại tràng và xác định dấu hiệu thực sự của xuất huyết. Điều này giải thích vì sao người bệnh cần được điều trị tại các cơ sở y tế uy tín với đội ngũ bác sĩ giỏi, trang thiết bị máy móc hiện đại.

Sau khi xuất huyết túi thừa đã ổn định, người bệnh không được khuyến cáo nội soi đại tràng kiểm tra nếu trước đó đã nội soi. Người bệnh chỉ nên nội soi nhằm mục đích khác, chẳng hạn như để tầm soát ung thư đại trực tràng.

Điều trị xuất huyết túi thừa đại tràng

Bác sĩ có thể can thiệp qua nội soi để cầm máu trong trường hợp chảy máu túi thừa đại tràng

4.4. Phẫu thuật

Người bệnh cần được phẫu thuật cắt đoạn đại tràng trong các trường hợp: Cần truyền máu nhiều (trên 4 đơn vị hồng cầu lắng trong vòng 24 giờ), can thiệp qua nội soi thất bại, tái phát xuất huyết kháng trị, hoặc huyết động học không ổn định sau điều trị nội khoa.

Trên thực tế, ít trường hợp cần tiến hành phẫu thuật do chảy máu có thể tự giới hạn ở 80% người bệnh. Mặt khác các kỹ thuật can thiệp không phẫu thuật để kiểm soát chảy máu túi thừa có tỷ lệ thành công cao. Cắt đoạn đại tràng là phẫu thuật có chọn lựa, với điều kiện xác định được vị trí xuất huyết trước khi thực hiện.

Trên đây là các triệu chứng xuất huyết túi thừa đại tràng và biện pháp điều trị được ứng dụng phổ biến. Tình trạng xuất huyết túi thừa nếu không được phát hiện và xử lý sớm có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng. Chính vì vậy, ngay khi phát hiện các triệu chứng cảnh báo bệnh, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và có hướng can thiệp kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital