Xử lý thế nào khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Tiêu chảy là một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây là những đối tượng có hệ tiêu hóa yếu và còn non yếu. Tuy là một chứng bệnh rất quen thuộc và thường gặp nhưng nếu không được xử lý kịp thời thì sẽ để lại hậu quả rất tồi tệ thậm chí có thể gây tử vong khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy nhiều ngày.

1. Dấu hiệu cảnh báo trẻ đang gặp vấn đề ở tiêu hóa

Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng, xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa các vi khuẩn trong đường ruột của trẻ. Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy sẽ có các dấu hiệu điển hình như:
– Phân lỏng hoặc có thể tóe nước
– Đi ngoài trên 3 lần trong ngày
– Trẻ có thể đi ngoài có bọt
– Thay đổi màu sắc phân
– Phân có dịch nhầy hoặc thậm chí có máu
– Khô miệng, khô mắt, ít đi tiểu do tiêu chảy khiến trẻ bị mất nước
– Da trẻ khô, mắt trũng
– Trẻ quấy khóc do khó chịu và có cảm giác đau ở hậu môn
– Nôn mửa, đau đầu, sốt

Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy

Trẻ sơ sinh bi tiêu chảy thường hay quấy khóc.

Khi trẻ bị tiêu chảy trong thời gian dài có thể dẫn đến các biểu hiện nặng hơn như:
– Trẻ li bì, lờ đờ
– Hôn mê
– Không đi tiểu trong 6 giờ
– Tụt huyết áp
– Tình trạng nhiễm khuẩn không được điều trị và trẻ liên tục đi ngoài có thể cướp đi tính mạng của trẻ. Vì vậy, bố mẹ cần đặc biệt lưu ý đến chứng bệnh này. Cần nắm rõ các nguyên nhân khiến con bị tiêu chảy để có cách phòng tránh.

2. Tại sao trẻ bị tiêu chảy?

Rất khó để có thể xác định chính xác nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị tiêu chảy.
– Trẻ bị thay đổi chế độ ăn và không thể thích nghi được với chế độ ăn đó
– Mẹ đang cho con bú thay đổi chế độ ăn có thể khiến con bị tiêu chảy
– Trẻ đang được sử dụng kháng sinh
– Nhiễm khuẩn hoặc ký sinh trùng đường ruột từ mẹ, những người chăm sóc xung quanh.
– Trẻ không dung nạp protein hoặc đường có thể khiến trẻ dị ứng với các thành phần có trong sữa
– Hội chứng ruột kích thích
– Virus chủ yếu gây bệnh tiêu chảy là Rotavirus. Virus này có thể gây ra một số triệu chứng như nôn mửa, sốt. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra những hậu quả rất khó lường.

Tác nhân khiến trẻ sơ sinh bị tiêu chảy

Rotavirus khiến tình trạng tiêu chảy ở trẻ sơ sinh trầm trọng hơn.

Việc xác định được nguyên nhân có thể giúp ích không nhỏ trong việc phòng ngừa tiêu chảy ở trẻ sơ sinh, giúp bố mẹ chăm sóc trẻ tốt hơn.

3. Làm gì khi trẻ bị tiêu chảy?

Trẻ bị tiêu chảy thường hay quấy khóc, điều này còn vô hình tạo cho người mẹ những áp lực và mệt mỏi. Khi con bị tiêu chảy, bố mẹ nên bình tĩnh và xử lý bằng một số biện pháp dưới đây:
– Cung cấp đủ nước cho trẻ khi trẻ bị tiêu chảy
– Cho trẻ ăn thành nhiều bữa, ăn thức ăn lỏng nếu bé đã được ăn dặm và đã lớn hơn
– Tiếp tục cho trẻ bú mẹ vì sữa mẹ có thể trở thành liều thuốc giúp con chóng khỏi bệnh
– Kiểm tra rà soát lại khẩu phần ăn của mẹ và bé để tìm ra điểm bất thường
– Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc chống tiêu chảy, thuốc chống nôn
– Bố mẹ và người chăm sóc trẻ cần đảm bảo tay luôn sạch sẽ trước khi chăm sóc bé, pha sữa,…

Bố mẹ cần quan sát tần suất đi ngoài và trạng thái phân của con. Nếu con đi ngoài phân lỏng, dạng nước, rò rỉ tràn ra khỏi bỉm, thoát ra phần phân cứng bị mắc kẹt và đi ngoài nhiều lần thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị ngay lập tức. Đặc biệt, bố mẹ có thể phán đoán tình trạng của con bằng cách quan sát trạng thái trong sinh hoạt hàng ngày của con. Nếu con bị tiêu chảy nhưng vẫn chơi, vẫn tươi tỉnh thì có thể con chỉ bị tiêu chảy do thay đổi chế độ ăn, không quá đáng ngại. Nhưng nếu trẻ nhợt nhạt, sắc mặt buồn bã, da khô, có các biểu hiện nôn, sốt thì không được chậm trễ việc đưa trẻ đến bệnh viện.

Có rất nhiều bài thuốc dân gian truyền miệng chữa tiêu chảy cho con nhưng bố mẹ tuyệt đối không được làm theo vì có thể sẽ khiến hệ tiêu hóa của con yếu hơn, tình trạng nhiễm khuẩn nặng hơn.

Điều trị khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy

Bố mẹ hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

4. Củng cố hệ tiêu hóa khỏe mạnh cho con

Rất nhiều trẻ khi được đưa đến viện thì tình trạng sức khỏe đã rất xấu, thậm chí có nguy cơ tử vong vì tiêu chảy nhiều ngày. Thực tế, Việt Nam là nước chịu rất nhiều tổn thất do tiêu chảy. Vì vậy, bố mẹ cần chú ý từ những điều nhỏ nhặt nhất để củng cố cho con một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
– Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ là một trong những cách giảm thiểu nguy cơ khiến trẻ bị tiêu chảy. Bởi vì sữa mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của axit lactic có lợi cho đại tràng.
– Luôn chú ý tới tình trạng vệ sinh ở môi trường sống. Đảm bảo đồ ăn, đồ dùng, nguồn nước luôn sạch sẽ.
– Mẹ cho bé bú luôn phải đảm bảo tay và vú mẹ luôn được giữ sạch sẽ
– Dùng men tiêu hóa hỗ trợ hệ tiêu hóa của trẻ. Tuy nhiên, việc dùng men tiêu hóa cần phải tuân theo sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ nếu không sẽ gây hại cho trẻ.
– Đảm bảo nguồn thực phẩm luôn sạch sẽ và chế biến sạch sẽ, ăn chín uống sôi
– Xin ý kiến bác sĩ về việc cung cấp vắc xin phòng chống Rotavirus cho trẻ. Bố mẹ có thể lựa chọn các trung tâm tiêm chủng hoặc các bệnh viện lớn để tiến hành cho trẻ uống vắc xin. Thời điểm tốt để cung cấp loại vắc xin này vào khoảng 6 tuần tuổi. Trước khi sử dụng, trẻ được các bác sĩ khám sàng lọc, đánh giá tình trạng sức khỏe kỹ lưỡng.

Hệ tiêu hóa bị tổn thương sẽ khiến cho sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi trẻ sẽ khó hấp thu chất dinh dưỡng, mệt mỏi. Bố mẹ hãy chú ý quan sát con và chú ý tới chế độ ăn hàng ngày, cung cấp cho con những thực phẩm cần thiết. Khi con có dấu hiệu bất thường, hãy lựa chọn cơ sở y tế uy tín để điều trị và chăm sóc con. Khoa Nhi Thu Cúc TCI đồng hành cùng bố mẹ trên chặng đường khôn lớn của con yêu.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital