Viêm xuất huyết dạ dày: Dấu hiệu, cách phòng tránh

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Xuất huyết dạ dày là một tình trạng bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân chính chiếm đến 40-45% lý do gây ra tình trạng này là bởi viêm loét dạ dày tá tràng không được điều trị kịp thời và triệt để. Nắm rõ được lý do tại sao viêm loét dạ dày tá tràng gây xuất huyết, các dấu hiệu nhận biết điển hình của viêm xuất huyết dạ dày sẽ giúp người bệnh có cách phòng tránh và điều trị triệt để nguyên nhân, bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân.

1. Tại sao viêm loét dạ dày dẫn đến xuất huyết

Có nhiều lý do dẫn đến xuất huyết dạ dày bao gồm: Viêm loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày, polyp dạ dày, bệnh lý túi thừa ở đường tiêu hóa, hội chứng Mallory Weiss, lạm dụng rượu bia, thuốc kháng sinh, chế độ ăn thiếu khoa học, căng thẳng kéo dài… Trong số đó viêm loét dạ dày tá tràng là nguyên nhân chính và phổ biến hàng đầu gây ra hiện tượng xuất huyết dạ dày hay chảy máu bao tử.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là các vết loét phát triển trên niêm mạc dạ dày, bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi axit trong dạ dày dư thừa tiếp tục làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Trong trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ, lớp niêm mạc mao mạch bị tổn thương ít nên lượng máu chảy ít, cơ thể tự cầm được máu, nên không gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng cho sức khỏe người bệnh. Và người bệnh thường chỉ phát hiện khi thực hiện các xét nghiệm y khoa. Trái lại, khi tình trạng loét trở nặng, xuất hiện nhiều ổ loét, ổ loét sâu hơn, loét xơ chai sẽ tác động đến mạch máu dạ dày gây ra xuất huyết ồ ạt khó kiểm soát. Cụ thể, dạ dày tá tràng bị tổn thương chảy máu thường ở những điểm như là: Ổ loét nằm gần động mạch lớn của dạ dày, tá tràng ăn thủng vào mạch máu, chảy máu từ những mạch máu của từ đáy ổ loét, chảy máu ở mép ổ loét bởi ổ loét phát triển, mép niêm mạc ổ loét bị viêm phù nề dễ dây rỉ máu.

Viêm xuất huyết dạ dày: Dấu hiệu, cách phòng tránh

Viêm loét dạ dày, tá tràng nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra tình trạng xuất huyết hay còn gọi là chảy máu dạ dày

2. 4 dấu hiệu nhận biết xuất huyết dạ dày do viêm loét

2.1 Buồn nôn, nôn ra máu – Dấu hiệu điển hình viêm xuất huyết dạ dày

Đây là triệu chứng dễ nhận biết nhất và phổ biến của xuất huyết dạ dày. Người bệnh có thể có cảm giác khó chịu bụng, đầy bụng, buồn nôn, vị giác có cảm giác tanh. Khi nôn ra máu có thể sẽ lẫn thức ăn, và màu sắc máu sẽ tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Nếu máu có màu sậm đen thường là do loét hành tá tràng, máu màu tươi thường là do loét dạ dày.

Khi có triệu chứng này bệnh nhân cần cẩn trọng nếu triệu chứng lặp lại nhiều và lượng máu nhiều sẽ gây nguy hiểm, vì thế nên nhanh chóng đến cơ sở y tế kịp thời để được theo dõi và xử lý.

2.2 Đi ngoài phân đen hay đi ngoài ra máu

Bệnh nhân đi ngoài phân có màu đen như bã cà phê dạng sệt, Triệu chứng này thường xuất hiện sau khi bệnh nhân nôn ra máu. Thêm nữa, do máu từ dạ dày hòa lẫn cùng thức ăn đã đi vào đường ruột và ra ngoài dưới dạng chất thải. Do vậy lượng phân càng nhiều kết hợp màu càng sậm thì được nhận định là tình trạng xuất huyết càng nặng.

2.3 Đau vùng thượng vị

Cơn đau xuất hiện ở vùng trên rốn tương ứng với vị trí dạ dày khiến người bệnh cảm thấy căng cứng bụng, vã mồ hôi lạnh, mặt tái nhợt nhạt, mệt mỏi… Người bệnh không nên chịu đựng cơn đau hoặc sử dụng các loại thuốc giảm đâu mà nên đi cấp cứu hoặc thăm khám sớm để được bác sĩ xác định bệnh và phương hướng điều trị.

Viêm xuất huyết dạ dày: Dấu hiệu, cách phòng tránh

Đau bụng vùng thượng vị là một trong những dấu hiệu của bệnh lý viêm loét dạ dày, tá tràng

2.4 Triệu chứng toàn thân khác do viêm xuất huyết dạ dày

Bệnh nhân bị xuất huyết dẫn đến tình trạng mất máu, từ đó sẽ dẫn đến những ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe chung như là: Mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, choáng vàng, tụt huyết áp, bị ngất, vã mồ hôi, da tái xanh… Ngoài ra khi dạ dày có vẫn đề người bệnh có thể còn cảm thấy chán ăn, ăn không ngon dẫn đến suy nhược cơ thể.

Khi bạn nhận thấy một trong số các dấu hiệu xuất huyết dạ dày do viêm loét như trên hãy nhanh chóng nhập viện càng sớm càng tốt để được kiểm tra, chẩn đoán chính xác mức độ bệnh. Từ đó sẽ được tiến hành cầm máu và điều trị làm lành vết loét ngăn chặn tình trạng chảy máu tối đa cho từng tình trạng cụ thể của mỗi bệnh nhân.

3. Xuất huyết dạ dày do viêm loét dạ dày – tá tràng nguy hiểm như thế nào?

Là tình trạng khiến người bệnh mất máu vừa gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Ở giai đoạn sớm người bệnh có thể không nhân ra tình trạng xuất huyết dạ dày bởi lượng máu nhỏ, và có thể chỉ phát hiện khi thực hiện các xét nghiệm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ thiếu máu. Tuy nhiên khi bệnh đã trở nên nghiêm trọng, người bệnh mất máu nhiều sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe như đã đề cập trong phần dấu hiệu toàn thân. Thậm chí việc xuất huyết ồ ạt không được kiểm soát nhanh chóng và kịp thời còn dẫn đến tình trạng thiếu máu nghiêm trọng, và đe dọa đến tính mạng.

4. Cách phòng tránh xuất huyết dạ dày do viêm loét hiệu quả

Để phòng tránh tình trạng xuất huyết dạ dày do viêm loét  gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng, người bệnh nên điều trị triệt để tình trạng viên loét dạ dày, tá tràng. Đây là cách phòng tránh hàng đầu nguy cơ dạ dày cháy máu bởi tổn thương do viêm loét. Bệnh nhân nên tìm hiểu và lựa chọn bệnh viện uy tín, đầy đủ trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, sử dụng đúng loại thuốc, từ đó cải thiện nhanh chóng tình trạng viêm loét dạ dày, tá tràng.

Bên cạnh quá trình điều trị y khoa theo hướng dẫn của bác sĩ, bệnh nhân cũng nên có một lối sống sinh hoạt lành mạnh như: Luôn giữ tinh thần thoải mái, ngủ nghỉ đúng giờ, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, tránh lạm dụng các loại thuốc giảm đau, rượu bia, chất kích thích, nói không với thực phẩm bẩn, sống…

Viêm xuất huyết dạ dày: Dấu hiệu, cách phòng tránh

Nội soi dạ dày định kỳ là cách giúp phát hiện sớm những vấn đề ở dạ dày

Viêm xuất huyết dạ dày có thể được sử dụng thuốc điều trị tại nhà sau khi thăm khám chuyên sâu với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Các trường hợp nặng bệnh nhân sẽ được cầm máu ngay lập tức, điều trị hồi sức tích cực, sau đó sẽ tiếp tục được hướng dẫn điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital