Viêm mũi dị ứng ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Trẻ em có sức đề kháng kém nên dễ mắc bệnh viêm mũi dị ứng khi thời tiết thay đổi hay khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như khói bụi, ô nhiễm, phấn hoa, lông thú… Viêm mũi dị ứng ở trẻ em có thể xảy ra quanh năm, khó điều trị dứt điểm.

1. Viêm mũi dị ứng là gì?

Viêm mũi dị ứng ở trẻ em là bệnh do niêm mạc – màng lót bên trong mũi bị nhiễm trùng do dị ứng với các tác nhân gây dị ứng bên trong hoặc bên ngoài cơ thể. Khi tiếp xúc với những tác nhân này, cơ thể sẽ xảy ra phản ứng dị ứng do hai loại tế bào mast và basophil bị kích hoạt. Chúng tạo ra histamin – chất gây ra các biểu hiện dị ứng như ngứa, sưng, nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi…

Viêm mũi dị ứng ở trẻ em - các tác nhân gây bệnh

Các tác nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng trẻ em

Viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh viêm mũi xoang hay gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc biệt với trẻ em từ 2 tuổi trở lên. Vì bệnh do các tác nhân dị ứng gây ra nên có thể gặp theo mùa hoặc gặp quanh năm. Ở nước ta, mùa xuân và mùa đông là thời điểm thuận lợi cho bệnh phát triển.

2. Nguyên nhân viêm mũi dị ứng trẻ em

Viêm mũi dị ứng xảy ra do cơ thể phản ứng lại với các tác nhân gây dị ứng. Chúng có thể là phấn hoa, không khí ô nhiễm, khói bụi, lông chó mèo, bào tử nấm… Các kháng nguyên này khi vào cơ thể tiếp xúc với kháng thể sẽ tạo ra phản ứng dị ứng.

Mặt khác, một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng, sữa, hải sản… cũng có thể là nguyên nhân gây các bệnh viêm mũi xoang ở trẻ em, trong đó bao gồm viêm mũi dị ứng.

Viêm mũi dị ứng thường xuất hiện ở những trẻ có cơ địa dị ứng. Do vậy, với một tác nhân gây bệnh, có trẻ sẽ bị viêm mũi dị ứng, có trẻ thì không. Khi thời tiết lạnh, ẩm thấp là điều kiện tốt nhất cho các tác nhân gây bệnh phát triển, cũng là thời điểm nhiều trẻ nhiễm bệnh nhất.

Ngoài những tác nhân bên ngoài kể trên, viêm mũi dị ứng còn xảy ra với những trẻ đang mắc các bệnh về đường hô hấp khác như viêm họng, viêm phế quản, viêm mũi xoang, viêm amidan…Những vi khuẩn, virus gây bệnh cũng có khả năng làm kích ứng niêm mạc mũi.

Như vậy, dựa vào tác nhân gây bệnh, viêm mũi dị ứng có thể phân chia thành 2 loại: Viêm mũi dị ứng theo mùa và viêm mũi dị ứng quanh năm.

– Viêm mũi dị ứng theo mùa: Tác nhân gây bệnh xuất hiện theo mùa như phấn hoa, nấm, vi khuẩn ẩm mốc… xuất hiện vào mùa xuân và mùa đông ở nước ta.

– Viêm mũi dị ứng quanh năm: Tác nhân gây bệnh xuất hiện quanh năm như các loại thực phẩm, khói bụi ô nhiễm, lông thú, nấm…hay thời tiết hanh khô, thay đổi bất thường.

3. Viêm mũi dị ứng trẻ em có điều trị dứt điểm được không?

Hiện nay, chất lượng không khí ở nước ta ngày càng kém, nhất là cách thành phố lớn nên số lượng trẻ mắc viêm mũi dị ứng ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi thất thường cũng là nguyên nhân làm tăng số lượng trẻ mắc bệnh.

Do tác nhân gây viêm mũi dị ứng xuất hiện quanh năm, đồng thời trẻ mắc bệnh phần lớn là trẻ sẵn có cơ địa dị ứng nên việc điều trị dứt điểm gặp nhiều khó khăn. Bệnh có thể tái phát bất kỳ lúc nào, chỉ cần trẻ tiếp xúc với tác nhân gây bệnh.

Muốn điều trị dứt điểm hoàn toàn cần phải xác định rõ và không cho bé tiếp xúc với chúng nữa. Tuy nhiên, có nhiều loại tác nhân gây dị ứng khác nhau, kích thước rất nhỏ nên cha mẹ khó phát hiện. Vậy nên, nếu thấy bé thường xuyên nhiễm viêm mũi dị ứng hay các bệnh lý viêm mũi xoang khác, cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện thực hiện các xét nghiệm chuyên biệt để xác định rõ nguyên nhân gây bệnh này.

4. Điều trị viêm mũi dị ứng trẻ em

Khi xác định trẻ bị viêm mũi dị ứng, cha mẹ không nên tự ý cho bé uống thuốc. Điều đầu tiên cần làm là xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, cách xa bé khỏi các tác nhân như lông chó, lông mèo, khói bụi, phấn hoa, không khí ẩm mốc… Sau đó nên đưa bé đi khám chuyên khoa tai mũi họng để bác sĩ đưa ra biện pháp điều trị phù hợp nhất.

Viêm mũi dị ứng gây ngứa, sưng viêm, đau, nghẹt mũi… khiến bé khó chịu. Do vậy, mục tiêu của việc điều trị viêm mũi dị ứng là giảm triệu chứng viêm mũi xoang và hạn chế tác dụng phụ của thuốc với trẻ nhỏ. Trong đó, 2 nhóm thuốc được sử dụng là thuốc uống và thuốc dùng tại chỗ.

4.1.Nhóm thuốc uống

Nhóm thuốc uống kháng histamin được sử dụng để giảm các triệu chứng bệnh như ngứa mũi, chảy mũi, sổ mũi… Chúng là clorpheniramin, loratadin hay cetirizin. Tuy nhiên, chúng không có tác dụng với nghẹt mũi.

Nhóm thuốc uống kháng sinh được sử dụng khi viêm mũi dị ứng liên quan đến các bệnh viêm mũi xoang khác. Với nhóm thuốc này, cha mẹ cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý sử dụng, tăng/ giảm liều lượng thuốc.

Nhóm thuốc uống glucocorticoid được sử dụng trong trường hợp viêm mũi dị ứng ở trẻ  chuyển nặng và mạn tính. Nó có thể là prednison, prednisolon hay dexamethason. Cần lưu ý, việc sử dụng thuốc phải có sự chỉ định của bác sĩ, không sử dụng bừa bãi.

4.2.Nhóm thuốc dùng tại chỗ

Thuốc điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em

Một số loại thuốc nhỏ mũi, thuốc xịt mũi được sử dụng trong điều trị viêm mũi dị ứng trẻ em

Đây là những loại thuốc xịt, thuốc nhỏ trực tiếp, làm giảm nhanh các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra. Một số loại thuốc được sử dụng gồm có:

– Thuốc nhỏ mũi co mạch dùng để thông mũi và làm sạch mũi – NaCl 0,9% (nước muối sinh lý). Lưu ý, không cho trẻ em sử dụng naphazolin, oxymetazolin vì có thể gây choáng, tím tái, đây là thuốc dùng cho người lớn.

– Thuốc xịt điều trị viêm mũi dị ứng như flixonase, nasacort, becotide. Những loại thuốc này có thể sử dụng lâu dài, đồng thời sử dụng trong phòng bệnh viêm mũi dị ứng.

Một số lưu ý khác cha mẹ cần ghi nhớ khi chăm sóc trẻ bị viêm mũi dị ứng hay các bệnh viêm xoang mũi khác như sau:

– Chỉ nên sử dụng nước muối sinh lý NaCl 0,9% để rửa mũi cho bé, không sử dụng các dung dịch mạnh khác. Đồng thời, chỉ nên rửa mũi cho bé khi bé chảy nước mũi nhiều, không rửa khi mũi không chảy nước mũi vì có thể gây chấn thương, chảy máu.

– Tránh cho bé tiếp xúc với các tác nhân dễ gây kích ứng niêm mạc mũi như lông động vật, khói bụi, khói thuốc, phấn hoa, mỹ phẩm, nước xịt phòng, nước hoa, các hóa chất, nấm mốc… và giữ ấm cơ thể bé vào mùa thu đông.

5. Phòng bệnh viêm mũi dị ứng trẻ em

Một số biện pháp phòng bệnh viêm mũi dị ứng cho bé như sau:

– Giữ ấm cơ thể bé khi thời tiết chuyển lạnh, nhất là cổ, ngực, mũi, lòng bàn tay, lòng bàn chân.

– Tránh chó bé tiếp xúc với các tác nhân dễ gây dị ứng, đặc biệt với những bé có cơ địa dị ứng. Trong đó bao gồm cả thuốc xịt mũi, mỹ phẩm và nước xả quần áo.

– Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, đồ dùng sinh hoạt và những đồ vật bé thường xuyên sử dụng.

– Giữ bé tránh xa khói bụi, khói thuốc lá, luồng gió máy lạnh, điều hòa…bằng cách không hút thuốc trước mặt bé, đeo khẩu trang cho bé khi ra ngoài.

Viêm mũi dị ứng ở trẻ em - Vệ sinh mũi cho bé

Vệ sinh mũi hàng ngày là một trong những cách phòng viêm mũi dị ứng hiệu quả cho bé

– Sử dụng nước muối sinh lý vệ sinh tai – mũi – họng hàng ngày.

– Vào mùa hanh khô, sử dụng máy tạo ẩm để giữ độ ẩm không khí ổn định.

– Cho bé uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, hoa quả để bảo vệ đường hô hấp, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Viêm mũi dị ứng ở trẻ em không phải bệnh nguy hiểm nhưng khó điều trị dứt điểm. Nếu kéo dài và để bệnh trở nặng có thể biến chứng thành các bệnh khác như viêm phế quản, viêm phổi…  Do vậy, khi thấy bé có các dấu hiệu viêm mũi dị ứng, hãy đưa bé đến bệnh viện để xác định rõ nguyên nhân và được chỉ định biện pháp điều trị hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn

Tin tức mới
Connect Zalo TCI Hospital