Viêm loét HP dạ dày? Vì sao tỷ lệ mắc bệnh cao?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Viêm loét HP dạ dày là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến hàng đầu. Tìm hiểu thông tin liên quan đến bệnh sẽ giúp mọi người chủ động hơn trong việc phòng tránh và điều trị bệnh đúng cách.

1. Tìm hiểu về bệnh viêm loét HP dạ dày

Viêm loét dạ dày HP là bệnh viêm loét dạ dày gây ra bởi nguyên nhân nhiễm vi khuẩn HP dương tính.

1.1. Cơ chế gây bệnh

Vi khuẩn HP khi sinh sống và phát triển ở môi trường axit dịch vị, chúng dễ dàng di chuyển qua lớp niêm dịch đi tới lớp dưới niêm mạc dạ dày. Tại đây nó sẽ bám dính vào tế bào biểu mô và gây ra bệnh viêm loét theo cơ chế sau:

– Tạo môi trường chống lại acid dịch vị bằng cách tăng tiết men urease làm phân hủy urease tạo ra ammoniac. Chất này cùng với các độc chất tế bào cytokine sẽ dần phân hủy chất nhầy dạ dày, phá bỏ lớp bảo vệ niêm mạc.

– Sinh nội độc tố gây tổn thương trực tiếp đến các tế bào biểu mô dạ dày. Theo thời gian gây tình trạng thoái hóa, hoại tử, long tróc tế bào, tạo điều kiện cho acid – pepsin thấm vào và gây trợt loét.

– Tăng tiết đáng kể acid HCl và pepsin. Đây chính là 2 yếu tố tấn công và gây viêm loét dạ dày tá tràng hàng đầu.

– Giải phóng các yếu tố trung gian gây ra viêm (interleukin – IL…, các gốc tự do), làm sưng, phù nề niêm mạc.

Cơ chế gây bệnh viêm loét dạ dày của vi khuẩn HP

Vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm loét dạ dày.

1.2. Triệu chứng nhận biết viêm loét HP dạ dày

Tùy vào tình trạng hoạt động, mức độ gây hại của vi khuẩn HP, người bệnh viêm loét dạ dày sẽ có những triệu chứng như sau:

– Đau từng cơn hoặc đau âm ỉ tại vùng bụng.

Đau thượng vị.

– Ợ hơi.

– Đầy hơi, chướng bụng.

– Buồn nôn và nôn.

– Sốt.

– Chán ăn, ăn không ngon.

– Giảm cân bất thường.

– Cảm giác khó nuốt khi ăn.

– Nôn ra máu.

– Đi đại tiện có lẫn máu.

– Chóng mặt, ngất xỉu.

– Mặt tái nhợt.

Khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ như trên, bạn hãy chủ động thăm khám để thực hiện các chẩn đoán tìm vi khuẩn HP và nhanh chóng tiến hành điều trị sớm đúng cách.

1.3. Phương pháp chẩn đoán viêm loét HP dạ dày

Dựa theo trường hợp cụ thể và mục đích, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp chẩn đoán phù hợp cho người bệnh để kiểm tra tìm vi khuẩn HP bao gồm:

– Xét nghiệm hơi thở: Người bệnh được yêu cầu uống một loại chất lỏng đặc biệt, đảm bảo không gây hại cho cơ thể. Sau đó, người bệnh được đưa đi lấy mẫu hơi thở để xác định xem có hay không vi khuẩn HP.

Xét nghiệm máu: Bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu huyết thanh của người bệnh theo đúng quy trình. Sau đó đo kháng thể kháng HP và từ đó có thể xác định được người bệnh có đang nhiễm khuẩn HP hay không.

– Xét nghiệm phân: Bác sĩ sẽ hướng dẫn chi tiết các bước để người bệnh có thể tự lấy mẫu phân của mình theo đúng cách Đặc biệt lưu ý, không nên để mẫu phân lẫn cùng với nước tiểu để tránh ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Khi có mẫu, bác sĩ sẽ cho vào một chất tạo màu chuyên dụng, nếu phân chuyển màu xanh dương thì đồng nghĩa người bệnh dương tính với vi khuẩn HP.

Nội soi dạ dày: Khi thực hiện nội soi dạ dày, bác sĩ sẽ trực tiếp lấy mẫu bệnh phẩm và đưa đi tiến hành xét nghiệm tìm vi khuẩn HP. Vì vậy đây được xem là phương pháp tiêu chuẩn và mang lại kết quả chẩn đoán chính xác nhất.

Nội soi chẩn đoán viêm loét HP dạ dày

Nội soi tiêu hóa là phương pháp tiêu chuẩn giúp chẩn đoán chính xác viêm loét dạ dày HP.

2. Vì sao tỷ lệ viêm loét dạ dày HP cao?

Theo ước tính, viêm loét dạ dày HP chiếm tới 90% trong tổng số ca bệnh viêm loét. Lý giải cho sự phổ biến này của bệnh nằm ở tỷ lệ người nhiễm vi khuẩn HP rất cao. Khoảng ⅔ dân số thế giới nhiễm vi khuẩn HP và tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm HP trong cộng đồng lên tới hơn 70%.

Không chỉ vậy, vi khuẩn HP còn có khả năng lây truyền cao từ người này qua người khác thông qua nhiều con đường khác nhau.

– Đường miệng – miệng: Đây là con đường lây truyền phổ biến nhất của vi khuẩn HP. Lây lan khi nước bọt hay dịch tiết đường tiêu hóa của người lành tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hay dịch tiết đường tiêu hóa của người mắc bệnh.

– Đường phân – miệng: Vi khuẩn HP khi được đào thải qua phân sẽ là nguồn lây lan sang cộng đồng. Từ thói quen sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh hoặc ăn đồ sống sẽ làm tăng khả năng bị nhiễm vi khuẩn.

– Đường khác: Việc lây nhiễm có thể được xảy ra do khám chung các thiết bị y tế như dụng cụ nha khoa, bộ dụng cụ nội soi dạ dày, soi tai mũi họng,… Vậy nên, để đảm bảo yêu cầu sạch khuẩn, tránh lây nhiễm thì các thiết bị y tế cần được tiệt trùng đúng cách hoặc sử dụng các bộ dụng cụ y tế riêng biệt mỗi người một bộ.

Con đường lây nhiễm vi khuẩn HP

Vi khuẩn HP có thể lây nhiễm qua đường ăn uống.

3. Điều trị viêm loét HP dạ dày bằng cách nào?

Nguyên tắc chung thực hiện điều trị viêm loét dạ dày là ưu tiên tập trung dứt điểm nguyên nhân gây bệnh. Chính vì vậy, để điều trị tốt viêm loét dạ dày HP bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ phù hợp nhằm tiêu diệt vi khuẩn HP ở từng trường hợp bệnh cụ thể.

Một lưu ý quan trọng khi điều trị bệnh bằng thuốc đó là vi khuẩn HP có đề kháng cao với các loại kháng sinh vì thế sẽ cần kết hợp nhiều loại kháng sinh cùng lúc và đảm bảo tính tương thích với ca bệnh. Chính vì vậy, người bệnh không được tự ý mua thuốc dưới mọi hình thức mà cần thực hiện thăm khám và làm đúng các chỉ định bác sĩ đưa ra.

Điều trị HP có thể được thực hiện bằng các phác đồ phổ biến sau đây:

– Phác đồ liệu pháp 3 thuốc

– Phác đồ liệu pháp 4 thuốc

– Phác đồ điều trị nối tiếp

– Phác đồ kết hợp 3 thuốc và có Levofloxacin

Bên cạnh việc uống thuốc, người bệnh viêm loét HP dạ dày cũng cần thực hiện chế độ ăn uống khoa học, điều chỉnh lối sống lành mạnh, dừng uống thuốc giảm đau chống viêm cũng như chủ động thăm khám đều đặn theo yêu cầu của bác sĩ nhằm kiểm tra và mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital